Vì sao Anh, Mỹ làm ngơ khi Hitler tàn sát người Do Thái?

Thứ Bảy, 23 Tháng Ba 201911:00 CH(Xem: 4991)
Vì sao Anh, Mỹ làm ngơ khi Hitler tàn sát người Do Thái?

holocaust-new

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Tháng 1/2005, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Liên Xô giải phóng Trại Tập trung Auschwitz (27/01/1945), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cùng nhiều đại biểu đã lên tiếng kêu gọi loài người phải cảnh giác kịp thời vạch trần và tố cáo nạn diệt chủng. Báo chí nhiều nước đã nhắc lại một sự thật khó hiểu trong Thế chiến II là Chính phủ các nước Đồng minh phương Tây đã làm ngơ trước việc phát xít Đức giết hại hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung chúng lập ra ở Đông và Nam châu Âu. Sự khó hiểu đó là một trong những cái gọi là “Bí ẩn của Thế chiến II”, hiện đã được đưa ra ánh sáng.

Sau khi Thế chiến II chấm dứt, các nhà sử học trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về hai vấn đề: các nước Anh, Mỹ có biết kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức hay không, và nếu biết thì tại sao họ không ngăn chặn? Chính quyền các nước phương Tây và một số nhà sử học cho rằng phương Tây không hay biết gì về kế hoạch ấy và do đó không ngăn chặn được. Ngược lại, một số nhà sử học cho rằng các nước phương Tây đã biết ý định của phát xít Đức nhưng vì những lý do nào đấy họ đã làm như không biết gì cả.

Để cứu tính mạng của người Do Thái, lẽ ra ngay từ đầu các nước phương Tây đã phải tăng cường tiếp nhận người Do Thái di cư lánh nạn trốn khỏi sự đàn áp giết chóc của phát xít Đức, và khi biết chúng có kế hoạch diệt chủng toàn bộ người Do Thái ở châu Âu, thì Chính phủ các nước phương Tây phải lên tiếng phản đối. Chính vì họ không làm như vậy nên năm 1941 tổng số người Do Thái trên thế giới là 8,7 triệu người thì trong Thế chiến II đã có 5,8 triệu người bị phát xít Đức giết chết.

Sách “Tập bản đồ xung đột Ả-rập – Israel” của Martin Gilbert in năm 1974 cho biết: sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức (năm 1933), hàng trăm nghìn người Do Thái ở châu Âu đã di cư về xứ Palestine hồi ấy do Anh uỷ trị, nơi đã có nhiều người Ả-rập và Do Thái cùng sống chung từ mấy nghìn năm nay. Họ mua đất của người Ả-rập với giá cao để định cư. Dòng người Do Thái đổ về Palestine ngày một tăng đã làm người Ả-rập tức giận tấn công khủng bố họ. Chính quyền Anh đã hạn chế lượng người Do Thái di cư về đây. Năm 1939, Chính phủ Đức cho phép 250 nghìn người Do Thái sống ở Đức được di cư ra nước ngoài, nhưng chính quyền Mỹ đã hạn chế số người Do Thái được nhập cư vào Mỹ. Năm 1940 Quốc hội Mỹ bác bỏ Dự luật mở cửa bang Alaska cho người Do Thái lánh nạn. Năm 1941, Mỹ thắt chặt hạn ngạch nhập cư người Do Thái; năm 1943 lại từ chối đề nghị của Thuỵ Điển tiếp nhận 20 nghìn trẻ em Do Thái ở Đức di cư sang Mỹ. Hậu quả là về sau, trong 3 triệu người Do Thái sống ở Ba Lan thì 2,6 triệu người bị phát xít Đức giết; Liên Xô (vùng Đức chiếm) – có 2,5 triệu, bị giết 750 nghìn; Romania – 1 triệu, bị giết 750 nghìn; Hungary – 710 nghìn, bị giết 402 nghìn, v.v…

Theo một dự luật của Chính phủ Mỹ, ngày 26/06/2000, Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ công khai 400 nghìn trang hồ sơ tình báo tuyệt mật của cơ quan tình báo Mỹ thu được trong Thế chiến II. Qua các hồ sơ đó, dư luận vô cùng kinh ngạc khi được biết là các nước Anh, Mỹ không những nắm được các thông tin về kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức, mà còn biết rất rõ mọi chi tiết của kế hoạch này.

Mùa hè năm 1943, quân đội Anh liên tục bắt và giải mã được một số bức điện của Sở Chỉ huy quân đội Đức tại Rome (Ý) gửi về Bộ Chỉ huy Tối cao ở Berlin. Nội dung các điện tuyệt mật này cho thấy: trong thời kỳ đầu chiến tranh, do trùm phát xít Ý là Benito Mussolini không tuân theo chủ trương của Hitler về vấn đề người Do Thái, nên người Do Thái ở Ý không bị xua đuổi giết hại. Tháng 7 năm 1943, Mussolini bị lật đổ, quân Đức chiếm miền Bắc Ý. Hitler ra lệnh cho lực lượng xung kích SS của Đức phải bắt giam toàn bộ người Do Thái ở Ý đưa về các trại tập trung ở Đông và Nam Âu rồi “tiêu diệt về thể xác”. Nội dung các bức điện này như sau: – từ ngày 6 tháng 10 tiến hành đăng ký danh sách tất cả 8000 người Do Thái ở Rome, trong 10 ngày phải xong; – ngày 11 tháng 10, Berlin trắng trợn ra lệnh phải lập tức tiêu diệt sạch người Do Thái sống trên đất Ý, vì nếu làm chậm thì họ sẽ ẩn náu trong các gia đình người Ý; – ngày 16 tháng 10, một bức điện từ Rome báo cáo Berlin là đã bắt giữ được 1200 người Do Thái; – ngày 20 tháng 10, lực lượng SS ở Rome báo cáo đã hoàn thành bắt giữ người Do Thái ở Ý và đưa về trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan…

Sau này người ta mới biết là khi Thế chiến II chấm dứt, toàn bộ thành phố Rome chỉ còn lại vài trăm người Do Thái thoát chết; trong số 120 nghìn người Do Thái ở Ý có 9 nghìn người đã bị phát xít Đức giết. Rõ ràng Hitler đã tiến hành một cuộc diệt chủng người Do Thái có tổ chức có kế hoạch mà không vấp phải sự phản đối công khai từ chính phủ Đồng minh nào!

Các bức điện được tình báo Anh giải mã đều lập tức được chuyển đến lãnh đạo cấp cao của hai nước Anh, Mỹ. Thế nhưng cho tới nay các nhà sử học vẫn chưa khẳng định Thủ tướng Churchill và Tổng thống Roosevelt đã đích thân đọc các bức điện ấy hay chưa, song chắc chắn là các nhà lãnh đạo cấp cao khác của hai nước này không thể không biết các bức điện đó. Đồng thời Anh, Mỹ còn có một nguồn thông tin quan trọng nữa lấy từ tình báo viên cài trong các cơ quan của Đức. Một tình báo Anh là cán bộ Bộ Ngoại giao Đức đã lợi dụng các chuyến đi công cán tại Thuỵ Sĩ (nước trung lập) để gặp kín Dulles, trùm tình báo Mỹ, thông báo các tin quan trọng.

Các hồ sơ tuyệt mật gần đây được chính quyền Mỹ công khai trước dư luận cho thấy Dulles đã được tình báo viên kể trên thông báo về kế hoạch của phát xít Đức dự định trong năm 1943 sẽ tiêu diệt hết người Do Thái ở Ý. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 1943 Chính phủ Anh, Mỹ đã biết rõ sự thật trong trại tập trung Auschwitz, nhưng không hiểu tại sao họ vẫn im lặng.

Các tài liệu nói trên cũng cho thấy, phương Tây làm ra vẻ không biết gì về chuyện phát xít Đức diệt chủng người Do Thái là có hai nguyên nhân: – dùng để đổi lấy sự hợp tác về công nghệ của phát xít Đức; – để lên mặt đạo đức: tôi không ngăn chặn diệt chủng là do tôi không biết việc đó.

Sau khi Thế chiến II chấm dứt, đa số các nhà sử học do hâm mộ và kính trọng sâu sắc Churchill và Roosevelt nên không tin (hoặc không muốn tin) rằng hai lãnh tụ này đã biết kế hoạch diệt chủng của Hitler. Chẳng hạn, trong sách “Auschwitz và các nước Đồng minh” xuất bản năm 1981, nhà sử học người Anh Martin Gilbert viết là đến mùa hè năm 1944, Churchill và Roosevelt mới biết ít nhiều về việc phát xít Đức tàn sát hàng loạt người Do Thái.

Nhưng các hồ sơ tuyệt mật mới công bố gần đây đã đập tan luận điệu trên. Nhiều nhà sử học và chính khách đều bày tỏ sự tức giận và khó hiểu đối với việc Chính phủ Anh, Mỹ bao năm nay che giấu sự thật lịch sử quan trọng đó. Bà Elizabeth Holtzman, cựu nghị sĩ và một trong những người dự thảo Dự luật công khai tội phạm chiến tranh của Mỹ, từng chất vấn: “Việc bóc trần sự thật sẽ đưa ra một câu hỏi về đạo đức: phải chăng sau khi chiến tranh chấm dứt thì các nước Đồng minh bắt đầu bao che cho bọn tội phạm chiến tranh Quốc xã?”

Dư luận thắc mắc về việc Toà án Nuremberg không xử tử tướng SS Đức Karrl Wolff – kẻ đã dồn hàng chục nghìn người Do Thái ở Ý vào các trại tập trung để dùng hơi ngạt giết chết, thế mà năm 1949 hắn lại được trả tự do, sống an nhàn ở Munich cho tới năm 1962 mới vào tù do bị tố cáo có liên quan đến cái chết của 300 nghìn người Do Thái trong trại tập trung Treblinka ở Ba Lan; sau đó hắn bị một toà án của Tây Đức xử 15 năm tù khổ sai. Các hồ sơ mới công bố gần đây cho thấy, sở dĩ Wolff không bị trừng trị xứng đáng là do hắn có “quan hệ đặc biệt” với Dulles, trùm tình báo Mỹ dưới quyền tướng Eisenhower, và do hắn là kẻ đã “có công” thu xếp cho quân Đức đóng ở Ý đầu hàng Đồng minh.

Các hồ sơ mật mới công khai gần đây cho thấy, sau Thế chiến II, Mỹ và Anh có kế hoạch săn tìm bằng được các nhà khoa học Đức Quốc xã hàng đầu nhằm sử dụng vào việc chế tạo các vũ khí mới chống lại Liên Xô, trong việc này họ cần sự giúp sức của các sĩ quan SS hoặc Gestapo Đức. Thậm chí Mỹ và Anh còn giúp một số quan chức phát xít Đức từng giết hại nhiều thường dân các nước trốn sang Nam Mỹ để đổi lấy sự hợp tác của chúng. Sau này, vào thập niên 1980, người ta đã phát hiện và bắt giữ một số tên Quốc xã Đức lẩn trốn ở Nam Mỹ.

Trước sự thật nói trên, các nhà sử học cho rằng nên viết lại lịch sử đoạn nói về “các nhà lãnh đạo Đồng minh không biết gì về vụ diệt chủng lớn trong Thế chiến II”. Một số nhà sử học cấp tiến cho rằng Churchill và Roosevelt phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với những người Do Thái bị phát xít Đức tàn sát. Một chuyên gia của Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ nói: “Nếu ngày ấy chỉ cần Churchill và Roosevelt ra một tuyên bố công khai thì đã có thể cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái ở Ý, hoặc ít nhất cũng có thể nhắc nhở người Do Thái ở đấy cảnh giác trốn khỏi tay bọ n phát xít Đức. Thế nhưng hai vị lãnh đạo nổi tiếng này đã chọn cách im lặng. Họ làm thế là để không gây phương hại đến hoạt động giải mã của tình báo Anh, Mỹ (tránh để Đức biết Đồng minh đã nắm được mật mã của Đức)”.

Ngoài ra, hồ sơ mật mới ra công khai còn cho biết, Thủ tướng Anh Churchill thoạt đầu có ý định tốt. Ông từng trao đổi với Ngoại trưởng Anh Anthony Eden xem có nên ra một tuyên bố lên án hành động diệt chủng của phát xít Đức hay không, nhưng Eden kịch liệt phản đối, với lý do có ra tuyên bố thì cũng chẳng ngăn cản được Hitler, và cũng không có lợi cho việc chiến thắng phát xít Đức. Thủ tướng đã nghe theo Eden. Đây là một sai lầm của Churchill.

Việc Chính phủ Anh và Mỹ chậm công bố các hồ sơ mật của Thế chiến II đã bị các nhà sử học phê phán. Mọi người đều biết, với lý do “an ninh quốc gia”, hai nước này đã trì hoãn mãi việc công bố các tài liệu tình báo mật nói trên. Dư luận ngờ rằng họ làm thế là để bảo vệ hình ảnh các nhà lãnh đạo hai nước, và để trốn trách nhiệm đối với tội ác diệt chủng của phát xít Đức.

Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 24 Tháng Ba 20191:42 CH
Khách
Den sau chien tranh vn, nuoc My cung lam ngo khong noi gi ve viec 2 trieu nguoi Kampuchiabi Khmer Do tap trung giet. Mai den khi CSVN tien qua chiem Kampuchia, giai thoat dan va trung bay nui xuong nguoi thi My moi chiu cong nhan co Killing field. My cung lam ngo khoa lap che dau chuyen hang trieu nguoi Nam VN bi dua di cai tao va cuong bach kinh te moi. My lam ngo vi ho khong muon dinh liu voi chien tranh vn du hang trieu dong minh My bi tan sat o Campuchia, VN, va Lao. TT Carter im lang vi muon bang giao voi CS VN nhung bi VN tu choi. Mai den khi hang tram ngan thuyen nhan bi chet chim tren bien, so con lai den trai ti nan khai bao dan ap tra thu tai Nam VN va trai tap trung killing field cua Khmer Do thi nuoc My moi bat dau tinh ngo. Nam 1977, Ca si phan chien Joan Bayer len an CS Vn dan ap nhan quyen va van dong nuoc My cuu thuyen nhan, va TT Carter cu nguoi qua vn thuong thuyet chuong trinh ra di trong vong trat tu ODP. Sau VN, nuoc My giup do nhom Mujahadeen danh duoi Nga ra khoi Afghanistan, nhung sau do khi Afhanistan bi qua kich hoi giao tan cong, My bo roi ho, de cho Taliban tan sat. Hon 1 trieu nguoi Afghanistan bi giet trong cuoc noi chien va Taliban giup do Bin Laden lap can cu khung bo.
Nguoi Do Thai khong he lam dong minh chien dau hy sinh trong chien tranh cho nuoc My, nen khong the trach My lam ngo, nhung Nam VN, Campuchia, Lao, Afganistan la dong minh cua My chien dau chong cong san ma bi My bo roi de cho cong san va Taliban tan sat. Da vay dang dan chu gom Joe Bidden, McGovern, Brown chong lai dinh cu ti nan Dong Duong. Ngay nay My cung mien cuong nhan nguoi ti nan tu Afghanistan. That dau long ve dao duc cua chanh phu My.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn