Vì sao có người vận khí tốt, có người vận khí xấu?

Thứ Hai, 11 Tháng Ba 20195:00 CH(Xem: 4887)
Vì sao có người vận khí tốt, có người vận khí xấu?

Thông thường khi gặp lúc thất bại người ta sẽ không suy xét lại mình mà than thân trách phận rằng, ông trời thật bất công! Vì sao số phận của mình lại hẩm hiu như vậy? Tại sao mình lại không được may mắn bằng người khác? Nhưng liệu có phải cứ đổ hết cho số phận là được không? Kỳ thực, có một số người, vận khí xấu là do tự bản thân mình tạo ra.

Ông Kazuo Inamori – người sáng lập ra Kyocera và KDDI, Chủ tịch Japan Airlines. (Ảnh: qua linkedin.com)

Thời Nam Triều, Hoàng đế triều nhà Lương, Tiêu Tử Lương từng hỏi triết gia Phạm Chẩn: “Cớ sao có người sinh ra đã có vận khí tốt, giàu sang phú quý, có người lại có vận khí kém, nghèo hèn?”

Phạm Chẩn trả lời ý tứ rằng: “Đó chính là bởi vì vận khí của một người, giống như chiếc lá cây bị gió thổi bay, có chiếc được gió thổi bay đến rơi xuống một tấm đệm, có chiếc lại rơi xuống bùn lầy.”

Thuyết pháp này vẫn luôn được nhiều người công nhận nhưng kỳ thực nó đã quá bị lạm dụng. Một người nếu như cả đời đều ở vào tình cảnh xấu, khó khăn khổ sở chồng chất mà nói rằng hết thảy đều là do vận khí tạo thành thì sẽ có suy nghĩ mặc kệ buông xuôi. Suy nghĩ buông xuôi ấy chính là điều khiến cho vận khí của người ấy càng trở nên không tốt.

Dựa theo quan điểm của nhà Phật nhìn nhận thì cảnh ngộ của một người như thế nào là do nghiệp và đức của người ấy quyết định. Nhìn hành vi của một người, người ta cơ bản đã có thể đoán biết được tương lai của người ấy là tốt hay xấu, hơn nữa thường thường là chuẩn xác.

Thời cấp ba, chúng tôi học ở một phòng học cao tầng. Cửa ra vào phòng học lớp chúng tôi có hai cánh lớn. Mùa đông, gió chỉ thổi qua một cái là ai nấy đều lạnh buốt từ trên xuống dưới. Ngồi cạnh cánh cửa ra vào ấy là một bạn trai mới chuyển đến lớp chúng tôi. Mỗi lần có bạn quên không đóng cửa, bạn trai ấy lại đứng dậy khẽ đóng cửa lại. Dường như lâu dần, động tác ấy trở thành thói quen, và thế là mỗi ngày, bạn ấy phải đứng lại rất nhiều lần để đóng cửa cho mọi người đỡ lạnh giá.

Về sau này, bạn trai ấy dán lên cánh cửa tờ giấy có ghi dòng chữ: “Xin hãy tiện tay đóng cửa!” Nhưng kết quả là vẫn có người quên không đóng cửa.

Bạn trai ấy lại thay tờ giấy đó bằng một tờ giấy to hơn và dùng bút lông viết lên dòng chữ thật to: “Xin hãy đóng cửa!” Thời gian đầu, cách làm này của bạn ấy rất hữu hiệu, nhưng không quá mấy ngày thì mọi việc lại diễn ra như cũ. Luôn có người, cho dù là có nhắc nhở như thế nào đi nữa thì cũng vẫn cứ quên không đóng cửa lại.

Trong cuộc sống, quả thực có một số người làm việc gì cũng luôn luôn suy nghĩ, cân nhắc cho người khác, hiểu được làm như thế nào để tiết kiệm được tâm trí và thời gian cho đối phương. Nhưng trái lại, có một số người lại hoàn toàn không hiểu, cũng không để ý. Kỳ thực, có những người không hiểu ấy, không phải là thật sự không hiểu mà là bởi vì ích kỷ tạo thành không hiểu.

Bởi vì ích kỷ, cho nên người ta không muốn cố gắng vì người khác, khiến người khác phải mất thêm chút sức lực, mất thêm chút thời gian, thậm chí mang đến phiền toái cho người khác chính từ sự không để ý của bản thân mình.

Đây chính là một loại thói quen rất không tốt. Khi cùng người khác làm việc, nếu một số việc không có sự phân chia rõ ràng, họ liền cho rằng việc đó không thuộc về bản thân mình. Rất nhiều sự tình là nhỏ nhặt, nhưng chính bởi vì là việc nhỏ mới càng dễ dàng bộc lộ rõ ra tính cách, nhân phẩm, đạo đức riêng của mỗi người.

Người ích kỷ không phải người kém thông minh, thậm chí nhiều người trong số họ là người rất khôn khéo. Nhưng người ích kỷ thông thường không bao giờ muốn chịu thiệt về mình. Mà trong cuộc sống thực tế, mỗi người đều luôn có trách nhiệm cần phải gánh vác, vậy mà người ích kỷ, một chút thiệt cũng không muốn chịu.

Bản thân không nguyện ý chịu thiệt cũng đồng nghĩa với việc người khác sẽ phải chịu thiệt thay cho họ. Lâu dần, người khác tự nhiên sẽ không muốn có quan hệ gì với họ nữa, không muốn hợp tác, không muốn làm bạn, không muốn trao cho họ cơ hội… Người này lúc ấy có thể vẫn chưa phát hiện ra là do tính cách của mình, mà cho rằng vì vận khí của mình không tốt nên mới khiến mọi người xa lánh mình như vậy, nhiều cơ hội tốt bị mất đi như vậy.

Cổ nhân giảng: “Chịu thiệt là phúc”. Người lương thiện, chịu thiệt cũng không phải là chuyện xấu, bởi vì khi bạn đối xử tốt với người khác thì chính là đang tích phúc khí cho mình, cuối cùng cũng sẽ được đền đáp thỏa đáng.

Người có vận khí tốt thông thường là người có đầy đủ mỹ đức. Người xưa có câu:“Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh” (Nhà nào tích luỹ điều thiện thì tất có thừa phúc). Cái thiện thực ra có rất nhiều ý nghĩa sâu xa, nhưng ở bề mặt này, trước hết thiện là biết tuân thủ quy tắc, biết suy nghĩ cho người khác, vì người khác.

Một người biết suy nghĩ cho người khác thì chẳng phải sẽ được lòng người? Được trao cho cơ hội, duyên phận tốt, vận khí cũng tốt lên sao? Trên thực tế, rất nhiều khi cơ hội, duyên phận, vận khí của bản thân là do tự bản thân mình tạo ra.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn