Thời của báo 'lá cải'? ( Sao nghe thấy quen quen...." Nó đây rồi ! " )

Thứ Năm, 21 Tháng Hai 20195:29 SA(Xem: 5113)
Thời của báo 'lá cải'? ( Sao nghe thấy quen quen...." Nó đây rồi ! " )
Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình. Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.

"Chính thống" và... "lá cải"

Thật buồn, chỉ còn khoảng hai chục ngày nữa, là đến dịp "giỗ chạp"- kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, thì bỗng nhiên trên các trang mạng liên tục đưa tin cuộc chiến căng thẳng và quyết liệt giữa một vài tờ báo, được gọi là "chính thống" với một tờ báo, bị gọi là "lá cải", xung quanh chủ đề "lá cải hóa" của tờ báo này.

Khiến cho bạn đọc của báo chí, vốn mệt mỏi và bội thực vì những chuyện tham nhũng, thất thoát, suy đồi đạo đức xã hội, có dịp được thay đổi... khẩu vị, "tọa sơn quan báo (hổ) đấu" (!)

Đương nhiên, tờ báo bị gọi là "lá cải" đâu có chịu thua. Nó cũng dẫn ra đủ nhân chứng, vật chứng của phóng viên bản báo kia, khẳng định cách hành nghề thô lỗ, và "lá cải hóa" của "đối thủ" theo kiểu: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời cả họ mày... thơm!

Ở cái thời buổi kim tiền này, dường như chả ai có đủ tư cách đạo đức, lên mặt dạy đời, dạy khôn... cho ai. Nhất là với đồng nghiệp. Vì chắc gì những tờ báo tự cho mình là chuẩn mực- đã là tờ báo hay và hấp dẫn.

Hay nó lại nhạt hoét, chán phèo, vô cảm với xã hội, nhân dân và bẽ bàng vì chả "ma" nào ngó. Và cái sự lên mặt dạy đồng nghiệp, lại xuất phát từ cái tâm lý thường tình, như ai đó đã nói: Trâu buộc ghét trâu ăn!

Vì thế, mà cuộc chiến chưa biết ngã ngũ thế nào, nhưng tiếng cười chê thì rào rào, khiến lượng hit của hai phía hẳn tăng vọt. Thôi thì thế cũng tạm gọi là...thành công.

Khốn khổ cho bạn đọc bỗng nhiên được chứng kiến cảnh khẩu chiến, chỉ có thể ngân nga mấy câu ca dao thâm thúy: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau! Cùng một mẹ, thì đều mang... gien mẹ. Có nào đột biến tài năng đâu mà đòi "tao gáy hay hơn mày". Hay là khi cần gáy to, thức tỉnh xã hội, thì cái anh tự cho là gáy hay lại bị... tụt lưỡi gà?

Bình tâm suy nghĩ, thấy vỡ ra khối điều.

Đầu tiên, ngay khái niệm "chính thống" và "lá cải" đã hoàn toàn không chính xác. Các tờ báo được xuất bản theo quy định của pháp luật, của Luật Báo chí  đương nhiên đều là báo chính thống, bởi có tờ nào dám...đẻ "chui" đâu?

Mà dùng "chính thống" để đối trọng lại với "lá cải" thì không ổn lắm về ngữ nghĩa, lại cũng không đúng về bản chất. Bởi ngay một tờ báo chính thống cũng có thể "lá cải hóa" cơ mà? Và phải xin nói thẳng, cái xu hướng "lá cải hóa" các báo chính thống không phải là chuyện dị biệt của một tờ báo. Nó có vẻ như thành một xu hướng S.O.S!

Hãy cứ thử vào bất kỳ tờ báo điện tử chính thống nào mà xem. Cột được đọc nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất, đương nhiên toàn cướp, giết, hiếp; toàn sốc- sex- sến...

Nó giống như một loại độc dược, khốn thay, người đọc lại thích thú và mê mải nhấm nháp. Để từ đó, biến thành con bệnh tự phát từ lúc nào. Những tội phạm trẻ vị thành niên, những tội ác loạn luân quái đản, ghê rợn xuất hiện ngày càng nhiều, liệu có phải bắt nguồn từ những liều độc dược được sản xuất... hợp pháp này không?

Người bệnh cuả "lá cải", nhẹ thì nghiện xem, nghiện đọc. Nặng thì bước chân vào con đường phạm tội. Nhưng tờ báo thì tăng hít, và đương nhiên, kéo theo là tăng tiền bạc. Chợt nhớ tới phát ngôn cực "hot", cực kỳ ấn tượng của người mẫu Ngọc Trinh: "Yêu mà không có tiền thì cạp đấtmà ăn à?".

Ấn tượng, vì người đẹp này không chỉ rất thành thật công khai thừa nhận lối sống "tiền là trên hết", mà sau phát ngôn gây sốc cho cả cộng đồng mạng, bị ném đá tơi bời, Ngọc Trinh vẫn luôn xuất hiện tại các buổi dạ tiệc hoặc trên báo chí. Mặt hoa da phấn, tươi cười, phớt tỉnh mọi lời dèm pha.

Ảnh minh họa
Cái phớt tỉnh của một người đẹp, suy nghĩ thực ra rất nông cạn, nhạt nhẽo, xuẩn ngốc, nhưng lại dám xé toạc tấm màn đạo đức giả, và biết thóp tâm lý số đông, bất kể con đường "lý tưởng kim tiền" mình đi theo, rồi sẽ hạnh phúc hay bất hạnh, sẽ được nâng niu yêu thương hay vắt chanh bỏ vỏ bẽ bàng.

Công bằng mà nói, các tờ báo ăn theo chân dài Ngọc Trinh, khai thác đến cạn kiệt người mẫu này, phải cảm ơn cô. Bởi nếu không có những vụ việc gây sốc, giật gân đó, thì báo chí bây giờ, kiếm lượng hit bằng cách nào? Với một đội ngũ đông đảo hơn 700 tờ báo luôn ở thế mưu sinh cạnh tranh khốc liệt.

Nhưng các “ấn phẩm” sân sau của nhiều tờ báo Việt Nam hiện nay, thì đích thị phải gọi là “lá cải”. Dù ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH trả lời báo chí khẳng định: Ở Việt Nam không có loại hình này!(SGGP, 29/5).

Vậy thì không biết gọi các bài báo được đăng trong các "ấn phẩm" phải là loại báo gì đây?

Nào là "Không biết sex ban ngày là quá dại", "70 tuổi vẫnquần quật bán dâm", "Bố chồng van xin được giặt quần lót của con dâu".... Nào là "Cao Thái Sơn ham của lạ", "Cặp bồ một lúc nhiều người?", "Làm tình với trai lạ trong toilet?".

Nào là "Nóng bỏng cảnh giường chiếu của Kim Sun Ah", "Dìm hàng bạn gái vì bị từ chối tình yêu", "Mải tạo dáng, vợ cũ Ashley Cole bị lộ áo lót", "Tôi cặp bồ với anh rể chồng để tìm cảm giác mạnh".

Chỉ cần nhìn các tít bài, đã thấy ...hoa mắt, chóng mặt.

"Sự nhảm nhí được...cấp phép?"

Xin được trích câu nói của ông Đức Hiển (Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật T/p Hồ Chí Minh), vì nó quá đúng trong thực trạng quản lý báo chí hiện nay ở nước ta.

Báo "lá cải" không phải là giống gì mới mẻ.

Nó được "trồng" từ Vương quốc Anh. Đến nỗi quốc gia này được coi là quê hương của báo "lá cải". Nhưng có điều, nước Anh luôn phân biệt rạch ròi giữa báo lá cải và báo chính thống. Còn ông Marvin Kalb, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard từng định nghĩa: Báo "lá cải"là sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal.

Nhưng nếu có được tận mắt đọc các "ấn phẩm" của nhiều tờ báo Việt Nam, hẳn nước Anh phải nghiêng mình bái phục, vì sự lập lờ đánh lận con đen, kiểu "treo chính thống, bán... lá cải". Bởi có giấy phép xin ra đời một ấn phẩm của một tờ báo nào, lại dám nói rõ là chuyên khai thác các scandal, chuyên khai thác chuyện giường chiếu, bồ bịch tùm lum?

Hay toàn vì những tôn chỉ, mục đích phục vụ xã hội cao cả?

Liệu các cơ quan chức năng có thực sự kiểm soát được tình hình của hơn 700 tờ báo, ấn phẩm? Có thực sự kiểm soát được thực trạng các nhóm "đầu nậu"  thao túng, quyết định việc tổ chức và điều hành nội dung của những "tòa soạn báo lá cải"?

Khốn khổ cho bạn đọc bỗng nhiên được chứng kiến cảnh khẩu chiến, chỉ có thể ngân nga mấy câu ca dao thâm thúy: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!

Cùng một mẹ, thì đều mang... gien mẹ. Có gà nào đột biến tài năng đâu mà đòi "tao gáy hay hơn mày". Hay là khi cần gáy to, thức tỉnh xã hội, thì cái anh gà tự cho là gáy hay lại bị... tụt lưỡi gà?

Theo một nhà báo kiêm một bloger, thì các "đầu nậu" này có một quy ước ngầm với nhau: Tổng biên tập chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại, xem lại những bài do phóng viên của tòa soạn viết. Những bài do "đầu nậu" tổ chức, cứ vô tư đăng miễn đừng phạm chính trị là được. Thế nên, "lá cải" cứ tha hồ trăm hoa đua nở, trăm báo đua tiếng...

Chùm khế ngọt của báo "lá cải" bây giờ, chả lẽ phải được chuyển về đất Việt?

Lại nhớcâu nói của người xưa: Giữ cho văn hóa còn, thì đất nước còn? Báo chí không chỉ là chính trị. Báo chí còn là văn hóa, là đạo lý nhân quần.

Và khi "lá cải" trở thành nguồn độc dược âm thầm, lặng lẽ, tung hoành dọc ngang nào biết trên đầu cóai, đủ sức góp phần băng hoại đạo đức văn hóa xã hội, cũng là lúc các nhà quản lý GD, quản lý báo chí lên tiếng nghiêm khắc.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH chỉ ra đúng cái "tâm đen": Có những tòa soạn tưởng nghiêm túc nhưng vẫn có tin bài lá cải. Theo tôi, đa số là... cố ý. Tôi không tin tòa soạn cho đăng những bài đó là thực tâm chống cái xấu, mà chỉ chạy theo lợi nhuận, chiêu bài kia chỉ là ngụy biện.

Bà Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) thì kiên quyết ở góc độ quản lý Nhà nước, một khi "lá cải" đã ... tràn lan: Nếu các ấn phẩm này vẫn tiếp tục cố tình vi phạm tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ TT&TT rút giấy phép hoạt động.

Còn ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản (Sở TT&TT T/p. Hồ Chí Minh), hiểu rõ cái cung cách quản lý lỏng lẻo của các tòa báo. Nó cũng là cung cách quản lý báo chí ở tầm vĩ mô chăng: Ngay cả trụ sở đại diện chính của một số tờ báo cũng không nắm được hết các ấn phẩm phụ của mình.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng TT & TT thừa nhận: Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

...Chúng ta không chấp nhận báo lá cải, hoặc nội dung lá cải. Mặc dù sự thật có một số báo vô tình hay hữu ý muốn "cải" một chút, để thu lợi ích trong ngắn hạn, thì họ không biết là đang đánh mất chính mình và phải trả giá trong dài hạn.

Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Có nguyên nhân từ cung cách quản lý cơ sở đến quản lý Nhà nước. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình.

Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.

Kỳ Duyên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn