Bốn chữ để đời

Thứ Bảy, 23 Tháng Hai 20191:00 SA(Xem: 4468)
Bốn chữ để đời

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trương Công Giai sinh ngày 19 tháng 11 năm Ất Tỵ (1665), quê Thiên Kiện sở (nay là xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Năm 20 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa thứ sáu, đời Lê Hy Tông. Tên ông đứng thứ nhất và ông là một trong 13 người đỗ tiến sĩ dưới 22 tuổi của nước ta.

Trương Công Giai lúc nhỏ được gọi là thần đồng bởi học tài, thông kinh thấu chữ, ứng xử tài hoa. Vốn được người cha là Trương Chí Tường - một danh y nổi tiếng gần xa, dạy bảo, cho học hành chu tất. Vốn là cậu bé hiền lành, thông minh, nhạy cảm nên không cứ là thượng quan hay thứ dân, ai hỏi gì ông đều lễ phép đáp lời trôi chảy khiến ai cũng dễ hiểu, càng thêm quý thương cảm mến tin yêu.

bonchudedoi

Sau khi ra làm quan không bao lâu, Trương Công Giai đã có được câu nói để đời “Quan tiết bất đáo” và đó cũng là lý tưởng sống của ông. Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694), một số vị quan lớn của bộ Lại như Tả thị lang Nguyễn Danh Nho, Hữu thị lang Ngô Sách Tuân và Lại khoa cấp trung sự Nguyễn Đình Trụ cùng bị giáng chức, khiến bộ Lại đảo lộn bất thường. Có người tố cáo rằng, việc tuyển bổ này nhũng lạm bừa bãi, phần nhiều không hợp lệ. Quan Hữu thị lang Ngô Sách Tuân và hai tiến sĩ khác thì tư túi, tự ý tuyển dụng bổ chức cho hai người học trò của mình.

Việc này buộc phải đệ trình để triều đình xét xử. Nguyễn Danh Nho bị giáng làm Hữu thị lang bộ Hình, Ngô Sách Tuân xuống làm Tham chính Lạng Sơn. Quan Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Đình Trụ, bị giáng làm Hiệu thảo. Ngô Sách Tuân tố cáo Lê Hy khi còn đang làm việc ở bộ Lại cũng tư túi, lén lút làm việc cầu cạnh gửi gắm cho con là Lê Thuyên và cho học trò của mình là Tô Hinh. Việc xem xét xử lý chúa giao xuống cho Trương Công Giai cùng các quan trong triều đình bàn xét. Nhưng lời của Ngô Sách Tuân không có bằng cứ, cho nên Ngô Sách Tuân lại bị giáng làm Đô cấp ngự trung vì tội vu cáo.

Từ tháng 3-1707 đến tháng 3-1711, Trương Công Giai được triều đình giao giữ chức Công bộ Hữu thị lang là chức quan thứ ba trong bộ Công. Bộ Công là bộ chuyên lo quản lý điều hành việc phát triển sản xuất nông phẩm và các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp cùng với việc trao đổi buôn bán của đất nước. Có lẽ trong những năm ấy, ông đã cùng Thượng thư và Tả thị lang Công bộ lãnh đạo nhân dân làm nên những thành quả bước đầu của nền sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của thời kỳ Lê Trung hưng để hình thành các đô thị sầm uất.

Tháng 3-1711, Trương Công Giai giữ chức Phó Đô ngự sử. Năm 1718, tháng giêng mùa xuân mở khoa thi cử nhân, Trương Công Giai được cử làm Thượng trung thư giám cẩm Sơn Nam Hạ, tức là người duyệt quyển thi hương. Sau đó, ông được giữ chức Thượng trụ quốc Thượng trật tướng công. Tháng 6-1720, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hình. Khi Trương Công Giai đương chức Ngự sử đài, có người ở huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) bị quan xử khép vào tội đồ. Xét thấy quan xử không đúng, tội nhân liền mổ bụng kêu oan. Việc được tâu lên triều đình, vua giao cho bộ Hình xét lại, quả nhiên người ấy bị xử oan. Truy tìm nguyên nhân thì lỗi do các quan cấp phủ, huyện, nhưng vua vẫn cách chức Thượng thư bộ Hình Trương Công Giai xuống làm Tả thị lang bộ Lại và Tả thị lang Bộ Lại Hồ Phi Tích xuống làm Hữu thị lang bộ Lễ.

Năm 1726, Trịnh Cương sai các quan đi kiểm tra tiền thu thuế của quan chức các trấn vì có hiện tượng biển lận. Bộ Công cử Tô Thế Huy và Nguyễn Công Dũng xuống điều tra xét hỏi. Bọn quan lại tham nhũng ở địa phương lo lót, biếu lễ vật, tiền bạc cho hai vị quan này. Hai vị tìm mưu kế tha cho lũ sâu mọt. Dân chúng không đồng tình, kêu ca phàn nàn. Tả thị lang bộ Lại Trương Công Giai bác việc nghị án tha tội cho bọn quan tham nhũng. Tô Thế Huy và Nguyễn Công Dũng đều bị cách chức. Nhà vua phục chức Thượng thư bộ Hình cho Trương Công Giai. Nhận lại chức cũ được hai năm thì ông mất ngày 8-2-1728, thọ 63 tuổi.

Lời bàn:

Trọn đời phục vụ triều chính, Trương Công Giai luôn đề cao phẩm chất đạo đức của một vị quan thanh liêm và nêu gương thực hiện nguyên tắc của một sĩ phu vì nước, vì dân là “Quan tiết bất đáo”. Từ bốn chữ này suy rộng ra là người làm quan thanh liêm có khí tiết không nhận lễ vật gian phi hay bất cứ ai vào cửa quan mang lễ vật luồn lót quan là kẻ lừa quan, làm hỏng quan, phản dân hại nước. Với tư tưởng này, ông mong muốn góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng khi đó đang trở thành quốc nạn.

Bốn chữ đại tự ấy được ông cho khắc vào bức hoành phi và treo trước cửa công đường Trương Công Giai đương nhiệm. Không ít kẻ nịnh thần tham quyền cố vị, chạy chức để lo vơ vét của dân, tỏ ra ghen ghét tính cương trực của ông. Họ luôn dõi tìm mọi sơ hở để kiếm cớ nhằm lật đổ chức vị của ông. Nhưng cuộc đời quan chức của ông vẫn trong sáng đến mức không kẻ nào tìm thấy một vết mờ nào mà toan tính cách làm hại. Thế mới hay rằng, người làm việc thiện, việc tốt ắt sẽ gặp điềm lành. Và câu đối của người xưa với gia tộc ông chẳng hề sai: Tổ tông công đức thiên niên thịnh; Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh.

N.D

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn