VÌ SAO NAM MỸ NGHÈO – ĐẾ CHẾ ANH VS TÂY BAN NHA

Thứ Bảy, 16 Tháng Hai 20196:00 SA(Xem: 4464)
VÌ SAO NAM MỸ NGHÈO – ĐẾ CHẾ ANH VS TÂY BAN NHA
Khi nhìn vào Châu Mỹ, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt rất lớn giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Không chỉ về mặt kinh tế, văn hóa, di sản mà còn về lịch sử thuộc địa. Bắc Mỹ là di sản của Đế Chế Anh còn Nam Mỹ là di sản của Đế Chế Tây Ban Nha. Cả Châu Mỹ đều là thuộc địa nhưng lại có hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi vì sao lại có sự khác biệt đó?

1. KHAI THÁC VS XÂY DỰNG – Khi các binh sĩ Conquistador của Tây Ban Nha bước lên bờ Nam Mỹ vào thế kỷ 16, họ đã làm như bao binh lính trước đây. Họ dùng súng đạn và bạo lực để xâm chiếm, ép người dân địa phương phải tuân thủ theo cách cai trị của mình. Họ khai thác tài nguyên, bóc lột sức lao động con người để rồi đem thành tựu về lại quê nhà. Trong mắt họ, đó là chiến thắng.

Các nhà thuộc địa của Anh Quốc thì lại có cái nhìn và phương pháp khác. Họ đã chọn Bắc Mỹ để khai thác không phải vì nó là nơi lý tưởng nhất, mà nó là nơi Tây Ban Nha chưa có dấu vết mạnh, và cũng là nơi trông có ít tài nguyên nhất. Vì số lượng binh sĩ cũng như sức mạnh quân sự có giới hạn, so với Tây Ban Nha thời đó, cho nên Đế Chế Anh đã sử dụng cách cai trị hoàn toàn khác.

Thay vì sử dụng bạo lực để cai trị người địa phương, các nhà khám phá Anh coi giao thương là cách làm giàu nhanh và hiệu quả nhất. Như bao đế chế khác, họ vẫn sử dụng bạo lực, nhưng không tới mức như Tây Ban Nha. Họ hợp tác với người địa phương, làm ăn buôn bán. Rồi từ từ thành lập chính quyền cấp địa phương để tiếp tục xây dựng. Họ coi thuộc địa là quê hương thứ hai và cần phải được đầu tư dài hạn.

2. CHÍNH QUYỀN TẬP TRUNG VS ĐỊA PHƯƠNG – Cách chính quyền Tây Ban Nha cai trị là điển hình như bao đế chế trước đây. Quyền lực tập trung vào nhà vua rồi phân chia vào tay các quan chức. Mỗi quan chức là một vị vua nhỏ ở vùng đất mình cai trị. Họ nắm gần như toàn quyền trong các quyết định kinh tế chính trị. Cách để phát triển là phải trở thành một người thân hữu với các quan chức. Quyền lực và chính quyền tập trung là mô hình cổ điển của bao thuộc địa khác.

So với đế chế Tây Ban Nha, các nhà thuộc địa Anh thì lại phân chia quyền lực ra nhiều phần hơn. Hoàng Đế (hoặc Nữ Hoàng) Anh là người đứng đầu, nhưng đó chỉ là biểu tượng thôi. Quyền lực nằm trong tay Quốc Hội Anh rồi phân chia ra các chính quyền ở cấp địa phương. Mỗi cơ quan lập pháp và hành pháp địa phương có mức độ tự quyết nhiều hơn so với đế chế khác. Mỗi vùng như một quốc gia thu nhỏ. Mỹ ban đầu có 13 thuộc địa, mỗi thuộc địa có chính quyền riêng. Úc, Nam Phi, Canada, Ấn Độ, Malaysia và New Zealand cũng vậy. Người Anh Quốc đi đến đâu thì họ đem tư duy tự do và mô hình chính quyền nhỏ và phân chia quyền lực tới đó.

3. TÔN GIÁO TẬP TRUNG VS TIN THẦN TIN LÀNH – Một trong những nguyên nhân khiến các thuộc địa của Anh trở nên tự do hơn chính là Tin Lành. Khác với hội tôn giáo kia, người Tin Lành không tập trung vào một giáo hội, một cá nhân lãnh đạo mà họ phân chia ra nhiều nhánh. Mỗi giáo phái có cách giải nghĩa riêng và không bao giờ bị một cá nhân hay tổ chức riêng nào điều hành. Tư duy của người Tin Lành cũng khác hẳn. Họ không quá coi trọng nhà lãnh đạo cho nên rất khó để thấu tóm quyền lực. Cho nên gần như chưa từng có một nhà độc tài nào lên cầm quyền ở các nước Tin Lành.

4. CẤU KẾT VÀ THỊ TRƯỜNG – Cách làm ăn của đế chế Tây Ban Nhà, như nói trên, là khai thác tài nguyên và bóc lột người bản xứ. Khi tài nguyên cạn kiệt, sức chịu đựng của con người có giới hạn thì đó cũng là cái chết của chủ nghĩa thuộc địa.

Người Anh thì lại khác, họ coi trọng thị trường và làm giàu bằng cách trao đổi và đầu tư. Các doanh nghiệp và thương gia Anh đi đến đâu là tạo việc làm, xây dựng quan hệ và thúc đẩy phát triển kinh tế tới. Sự giàu có của Đế Chế Anh được xây dựng bằng thị trường và đồng tiền thay vì bạo lực và súng đạn như các nhà thuộc địa Tây Ban Nha.

KẾT LUẬN – Có quá nhiều điểm khác biệt không thể nào nói hết trong một bài viết được. Nhưng cốt lõi chính là tư duy cai trị của Tây Ban Nha và tư duy thị trường của Anh Quốc. Một bên coi trọng bạo lực, một bên thì sử dụng quyền lực mềm để chinh phục và làm giàu. Cho nên các thuộc địa Anh ít khi nào có sự nổi loạn. Thậm chí cho tới bây giờ Canada, Úc, New Zealand vẫn chưa chính thức tách ra riêng mà vẫn coi Anh là mẫu quốc. Cách cai trị của hai đế chế đã dẫn đến hai kết quả khác nhau ở cùng một châu lục. Có phải ngẫu nhiên Bắc Mỹ lại giàu có còn Nam Mỹ thì không?

PS: các bạn có thể đọc những cuốn sau đây: Empire: How Britain Made the Modern World, Why nations fail, The mystery of capital.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

spanish-vs-british

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn