Hoàn cảnh ra đời của CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM.

Thứ Bảy, 16 Tháng Hai 201911:00 SA(Xem: 5350)
Hoàn cảnh ra đời của CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM.
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một hoàn cảnh rất tình cờ của lịch sử, không do kết quả tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hay một phong trào chính trị nào

TRÊN XƯA&NAYĐÃ CÓ NHIỀU BÀI ĐÁNH GIÁ CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM DO NHẬT DỰNG LÊN 1945. ĐỂ GIÚP BẠN ĐỌC CÓ THÊM TƯ LIỆU TÌM HIỂU VẤN ĐỀ NÀY, CHÚNG TÔI XIN TRÍCH MỘT ĐOẠN TRONG CUỐN SÁCH CỦA GS. LÊ XUÂN KHOA, VIỆT NAM 1945 -1975, TẬP 1, XUẤT BẢN TẠI HOA KỲ NĂM 2004. GS. LÊ XUÂN KHOA LÀ NHÀ SỬ HỌC, ĐÃ TỪNG LÀ PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIÊN ĐẠI HỌC SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975, NĂM 1990 LÀ GIÁO SƯ THỈNH GIẢNG TẠI TRƯỜNG CAO HỌC VỀ NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ, ĐẠI HỌC JOHNS HOPKINS Ở WASHINGTON D.C(1)

 

Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một hoàn cảnh rất tình cờ của lịch sử, không do kết quả tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hay một phong trào chính trị nào. Sau gần một thế kỷ bị Pháp đô hộ, lần đầu tiên nước Việt Nam được độc lập (dù mới chi một phần) mà không phải hy sinh xương máu. Sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng vào tháng Sáu, 1940 và Toàn quyền Decoux phải nhường cho Nhật quyền làm chủ về quân sự ở Đông Dương vào tháng Chín, thì uy tín và quyền thế của Pháp bị sụp đổ mau chóng đối với các xứ thuộc địa ở Đông Dương. Các đảng phái chính trị Việt Nam bỗng thấy có động lực mới và thời cơ hoạt động để đòi lại độc lập cho đất nước. Trừ những lãnh tụ chính trị đã lưu vong ở Trung Hoa và đang hợp tác với chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch để chống Nhật – kể cả Hồ Chí Minh – hầu hết các lãnh tụ chính trị và trí thức ở trong nước đều muốn dựa vào thế lực của Nhật để loại trừ Pháp ra khỏi Đông Dương. Tổ chức có triển vọng nhất lúc bấy giờ là Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội do Hoàng thân Cường Để thành lập ở Nhật (thường được gọi là Nhóm Phục Quốc) đã từng tổ chức lực lượng quân sự mang tên là Việt Nam Kiến Quốc Quân đi theo quân đội Thiên Hoàng về đánh Pháp ở trận Lạng Sơn ngày 23-9-1940. Một số lãnh tụ, trong đó có Ngô Đình Diệm, từ lâu đã liên lạc với nhóm Phục Quốc để mưu đồ chống Pháp, có nhiều hi vọng sẽ được Nhật ủng hộ thành lập chính quyền trong trường hợp Pháp bị lật đổ.

Tuy nhiên, vì còn bận chiến đấu với quân đội Đồng minh, mục đích trước mắt của Nhật là sử dụng Đông Dương vào mục tiêu quân sự nên Nhật đã bằng lòng để cho Pháp tiếp tục cai trị về mặt hành chính. Năm 1944, Nhật bắt đầu nghĩ đến việc loại bỏ Pháp để phòng ngừa việc Pháp có thể làm hậu thuẫn cho liên quân Anh-Mỹ vì mặt trận đã được mở rộng sang vùng Đông Nam Á. Mặt khác, giải phóng cho các nước Đông Dương khỏi bị lệ thuộc vào nước Pháp cũng sẽ giúp cho Nhật củng cố được ảnh hưởng và thế lực của “khối Đại Đông Á” mà Nhật muốn lãnh đạo để chống lại khối Tây phương. Sau khi lật đổ chính quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương (9-3-1945), Nhật duy trì hoàng đế Bảo Đại và hứa hẹn sẽ để cho Việt Nam được độc lập. Bảo Đại cũng không ngờ rằng Nhật lại để ông tiếp tục làm vua thay vì đưa Hoàng thân Cường Để về nước cầm quyền, ông đã hỏi Đại sứ Marc Masayuki Yokohama về chuyện này và nói: “Tôi gắn bó với dân tộc tôi chứ không phải với ngai vàng”. Nhưng Đại sứ Nhật đã trả lòi: “Những người gieo mầm không phải là người gặt hái kết quả”. Điều đó cho thấy lý do thật không ủng hộ Cường Để vì không tiện lập một chính phủ Việt Nam tuy chống Pháp nhưng thân Nhật, trong khi Bảo Đại không phải là người của Nhật và có thể được dân chúng tin tưởng nếu ông chống lại mưu toan của Pháp trở lại Việt Nam. Người chuẩn bị cho Cường Để trở về thay thế Bảo Đại và cho Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng là trung tá tình báo Hayashi Hide- zumi, Vào giữa năm 1944, tin đồn về chuyện này được lan truyền trong các giới chính trị khá lộ liễu đến nỗi, để tránh cho Ngô Đình Diệm khỏi bị mật thám Pháp lùng bắt, Nhật phải cải trang cho ông Diệm thành một sĩ quan Nhật và đưa ông từ Huế vào Sài Gòn ẩn náu trong một nhà thương quân đội Nhật. Đến tháng Giêng, 1945, hai tháng trước ngày đảo chánh, Tổng tư lệnh Nhật Tsuchihashi Yuichi quyết định không dùng lá bài Cường Để nữa(2).

Đến đây cũng cần nói đến trường hợp của Phạm Quỳnh, Ngự tiền Văn phòng (tương đương với chức Thủ tướng) của Bảo Đại. Chính phủ Nhật giữ Bảo Đại nhưng không muôn giữ Phạm Quỳnh vì ông là người bị coi là thân Pháp. Thật ra, Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước nhưng cũng là một nhà chính trị ôn hòa, chủ trương rằng Việt Nam thời đó không thể chống nổi Pháp nên cần phải học hỏi văn minh Tây phương qua văn hóa Pháp để dần dần đòi lại quyền tự chủ. Trong một bản phúc trình cho nhà cầm quyền Pháp ở Huế sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đại sứ Yokohama thuật lại buổi yết kiến vua Bảo Đại để báo tin việc chính phủ Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và trao trả độc lập cho Việt Nam. Phạm Quỳnh hiện diện trong buổi tiếp kiến này yêu cầu Nhật Bản thừa nhận nền độc lập của Việt Nam một cách chính thức vĩ Pháp đã bị tước quyền bảo hộ. Ông nhấn mạnh rằng: “Để chúng tôi có thể hợp tác hữu hiệu với Nhật Bản, chúng tôi cần phải có được sự ủng hộ của toàn thể

nhân dân, và để đạt được điều đó, uy tín của chính phủ chúng tôi cần phải được tăng cường bằng một việc tuyên cáo độc lập để chứng tỏ chủ quyền là hành động nội bộ mà “Ngài có tự do tuyệt đối để hành động theo sự phán xét của chính phủ Ngài”. Tuy nhiên, Yokohama lại cho biết là vì muốn sớm vãn hồi an ninh và trật tự và “bảo vệ xứ này chống lại cuộc xâm lăng của quân địch trong tương lai”, Bộ Tư lệnh quân đội Nhật “mong muốn rằng hiện trạng chính trị và hành chánh được duy trì nhiều chừng nào hay chừng nấy”(3).

Những lý do trên cho thấy tại sao Nhật không mời Phạm Quỳnh cũng như không mời Ngô Đình Diệm là những người có kinh nghiệm về chính quyền mà lại mời Trần Trọng Kim, một trí thức không đảng phái, tuy nhiệt tâm yêu nước nhưng không phải là một người làm cách mạng. (Xem thêm chương 16 về lý do Ngô Đình Diệm không được mời, hay được mời nhưng không nhận). Đối vói Trần Trọng Kim, đây là một chuyện rất bất ngờ mà chỉ sau khi gặp Bảo Đại lần thứ hai, sau mười ngày trì hoãn, ông mới nhận trách nhiệm thành lập chính phủ. Bảo Đại thúc giục ông:

Trước kia, người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vây ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chinh phủ để lo việc nước.

Chính phủ Trần Trọng Kim thường không được nhắc nhở đến trong lịch sử tranh đấu giành độc lập cho dân tộc, hoặc nếu có thì cũng chỉ được coi như một chính phủ chuyển tiếp trong một thời gian ngắn không có thành tích gì đáng kể. Việt Minh thì dứt khoát lên án chính phủ Kim là “bù nhìn” do Nhật tạo ra là chỉ đem lại cho Việt Nam một nền “độc lập bánh vẽ”. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tác giả ngcại quốc cũng đồng ý một cách thiếu thận trọng như thế. Đến nay hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giai đoạn lịch sử này cần được xem xét lại một cách khách quan về tính chất chính đáng của chính phủ ấy.

Trần Trọng Kim thành lập chính phủ trong tình trạng nửa vời vì chưa được trao trả trọn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, nhưng như lời nhận định nêu trên của Bảo Đại, đây là một cơ hội để cho Việt Nam có thể chuẩn bị đầy đủ khả năng nhận lãnh hay đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nêu không nắm lấy cơ hội này, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng bị quân phiệt Nhật thay thế Pháp cai trị một cách khắt khe trong những điều kiện của chiến tranh chống quân đội Đồng minh. Luật sư Trịnh Đình Thảo, sau này là Chủ tịch của Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình (LMDTDCHB) trong hệ thống mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTGPMN) cho biết Trần Trọng Kim “không tin ở sự thành thật của nhà cầm quyền người Nhật và lo ngại bị lôi cuốn vào những biến cố có hại cho tương lai của xứ sở”, nhưng ông Thảo đã thuyết phục được ông Kim nhận lời yêu cầu của Bảo Đại với lý do “phải gấp rút thành lập Chính phủ Việt Nam độc lập để đặt các lực lượng Đồng minh, nhất là Pháp, trước một tình trạng pháp lý không thể đảo ngược bằng lời tuyên cáo hủy bỏ những hiệp ước Bảo hộ năm 1862 và 1874, tuyên cáo nước Việt Nam độc lập và thống nhất”(4).

Luật sư Thảo cũng cho biết một chuyện đáng lưu ý khác là Trần Trọng Kim đã được một chính khách Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm “bắt cá hai tay” (jouer sur les deux tableaux) để có thể tồn tại của Thái Lan. Nhân vật này là Pridi Banomyong, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Thái Lan, vốn là bạn cùng lớp rất thân của luật sư Dương Văn Giáo tại Đại học Luật khoa Paris và khi làm Bộ trưởng đã mời luật sư Giáo làm cố vấn chính trị. Khi đó chính phủ Thái Lan do Thống chế Phibul Songram cầm đầu, bắt buộc phải thân Nhật lúc đó đang có 50.000 quân trú đóng ở Thái Lan. Pridi Banomyong khi đó phải sang Sài Gòn để hoạt động cho vai trò trung lập của Thái Lan. Trong thời gian này ông được Dương Văn Giáo giới thiệu với Trịnh Đình Thảo. Pridi cho hay trong khi Phibul Songram đi với Nhật thì một số chính trị gia Thái ở Anh và Mỹ hợp tác với Đồng minh để tránh cho Thái Lan bị liệt vào phe thua trận khi chiến tranh chấm dứt. Những chính khách lưu vong này thành lập một chính phủ trù bị để khi cần thiết sẵn sàng thay thế chính phủ Phibul Songram và được Đồng Minh thừa nhận. Lời khuyên của Pridi Banomyong cho Trần Trọng Kim là “hãy nắm lấy độc lập mà không theo Nhật”(5).

CHÚ THÍCH:

1. Tựa đề do Tòa soạn đặt.

2. Marr, Vietnam1945: the Quest for Power (California University of California Press, 1995). 89-90.

3. CAOM. HCI-101. Mars Masayu- ki Yokohama viết bản phúc trình 112 trang đánh máy cho nhà cầm quyền Pháp, nhan đề “Mémoires personnels écrits en réponse au questionnaire des autorités francaises de Hué sur les évènements survenus en Indochine en Mars 1945″ (Hồi ký cá nhân viết ra để trả lời bản câu hỏi của nhà chức trách Pháp ở Huế về những sự việc xảy ra ở Đông Dương vào tháng Ba, 1945″. Marc Yokohama có vợ Pháp tên là Jeanne A. Vicart và một con trai tên Jean-Marie Masayumi Yokohama sinh tại Paris năm 1926. Ngày 13-12- 1946, vợ và con của Marc được chính phủ Pháp cho phép hồi hương vì có công giúp đỡ kiều dân Pháp ở Hà Nội sau vụ đảo chính. Không thấy nói gì tới biện pháp đối với Marc Masayuki Yokohama. “Trần Trọng Kim, Một cơn  gió bụi (Sài Gòn, Vĩnh Sơn, 1969), 51.

4. Trịnh Đình Khải, Decolonisation du Vietnam: Un Avocat Témoigne (Paris: L’Harmattan, 1994), 62. Tác giả cuốn hồi ký bằng Pháp văn này là luật sư Trịnh Đình Thảo, viết sau năm 1975 và trước khi ông mất năm 1986 nhưng tới năm 1994 mới được xuất bản ở Pháp, do trưởng nam của ông là luật sư Trịnh Đình Khải đứng tên tác giả.

5. Ibid, 62-63.

Lê Xuân Khoa

Huỳnh Lê chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn