Dịch Kinh: Đời người làm sao để tránh được tai họa?

Thứ Bảy, 02 Tháng Hai 201911:00 CH(Xem: 4623)
Dịch Kinh: Đời người làm sao để tránh được tai họa?

Trong “Dịch Kinh” viết: “Cấn kỳ chỉ, vô cữu, lợi vĩnh trinh” (Tạm dịch: Biết ngừng ở ngón chân thì không có lỗi, giữ bền được chính đạo thì có lợi). Ý tứ chính là, trước khi bước chân cần phải khống chế được bản thân, tương tự như vậy thủ vững được chính đạo thì mới không đi sang đường tà, mới có thể miễn trừ được tai ương, hơn nữa lại có lợi về lâu về dài.

chu dịch
(Hình minh họa: Qua .sina.com.cn)

Làm người phải thủ vững chính đạo

Sách “Tượng Từ” tiến thêm một bước giải thích, nói: “Cấn kỳ chỉ, vị thất chính dã”, ý tứ là trước khi bước chân, không đánh mất chính đạo, không có lỗi lầm. Nói cách khác, mỗi người cần phải giữ vững chính đạo, chỉ có như vậy mới không bị tổn hại, miễn trừ được tai họa. “Chính đạo” là yếu tố xuyên suốt nội dung của Dịch Kinh.

Trong “Dịch Kinh” nhiều lần nhắc tới “trung” và “chính”. Vạn vật phải đạt được “trung chính” mới có thể tồn tại và phát triển. “Trung” được hiểu là không thiên lệch, không quá khích, đạt được độ vừa phải thích hợp, cũng là tư tưởng trung dung trong Nho gia.

“Chính” tức là đứng đắn, thỏa đáng, chính vị, yêu cầu mọi người phải chính trực, đứng đắn, ngay thẳng công bằng, có tinh thần trọng nghĩa, đừng vì lợi ích bản thân mà phá hư mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Cụ thể, người làm quan phải lấy tu thân lập đức, thanh chính liêm khiết, công chính liêm minh, toàn tâm toàn ý làm việc vì dân chúng. Đối với người kinh doanh phải dựa theo quy tắc kinh doanh để làm việc, thành tín, giao dịch công bằng, hòa khí. Đối với người nghiên cứu không thể giả dối, giả danh, lấy thành quả của người khác làm thành quả của mình. Đối với người dân bình thường phải tuân thủ kỷ luật và pháp luật, cần cù thật thà, thành thực làm người. Đó gọi là chính đạo.

Một người chỉ có thủ vững chính đạo, mới có thể đi được cao và xa hơn mà không bị lên xuống bấp bênh. Một người nếu đi vào con đường không chính thì cho dù nhất thời được thuận lợi, thăng quan tiến chức, cuối cùng cũng rơi vào kết cục thân bại danh liệt, hối hận không kịp.

Kết cục của nịnh thần nhà Tây Hán

Trong lịch sử, từ Vua quan đại thần đến dân chúng có không ít người vì bất chính đã rơi vào cảnh “thân bại danh liệt”, là bài học cho người đời sau. Trong “Sử ký. Nịnh Hạt liệt truyện” có ghi chép về trường hợp của gian nịnh thần Đặng Thông như sau.

Tây Hán Văn Đế có ba sủng thần là Trệu Đồng, Bá Tử và Đặng Thông. Mặc dù Đặng Thông là người không có tài cán gì nhưng lại được sủng ái nhất. Mặc dù Đặng Thông có vẻ ngoài thanh tú nhưng xuất thân bần hàn, không đi học, lớn lên kiếm sống bằng nghề chèo thuyền đưa đò. Mỗi khi Đặng Thông chèo thuyền ra ngoài, thường cắm một lá cờ vàng ở mui thuyền vì thế mọi người mới gọi là “Hoàng đầu lang” (anh chàng đầu vàng).

Bởi vì Đặng Thông rất giỏi chèo thuyền nên mới được triệu vào cung làm thủy thủ cho ngự thuyền của Hán Văn Đế. Cho tới một đêm, Hán Văn Đế nằm mộng thấy mình đang lên trời nhưng dùng sức thế nào vẫn không thể tiếp cận được Nam Thiên Môn nên cuối cùng vẫn không thể vào được cửa trời. Đúng lúc đó có một người đầu quấn khăn vàng đứng sau lưng đẩy Hán Văn Đế, mới giúp ông lên được thiên giới. Hán Văn Đế quay đầu nhìn lại người đã đẩy mình, chỉ nhìn thấy quần áo người đó được buộc quấn lại phía sau lưng. Hán Văn Đế đang muốn gọi anh ta trở lại thì bị tiếng gà gáy đánh thức.

Ngày hôm sau, Hán Văn Đế đi chơi Tây Cung nhìn thấy một người thủy thủ trên thuyền ngự đầu quấn khăn vàng, đai áo được buộc ra phía sau lưng, giống hệt như người mà ông thấy trong giấc mộng hôm trước. Gọi tới hỏi mới biết người đó tên là Đặng Thông. Tưởng đó là Thiên ý, Hán Văn Đế đưa Đặng Thông về làm tùy tùng thân cận. Đi đâu Hán Văn Đế cũng gọi Đặng Thông đi theo, đêm còn cho ngủ chung giường. Đặng Thông quả thực là nằm mơ cũng không nghĩ đến có ngày trở thành vương hầu như vậy.

Đặng Thông không có tài năng gì nhưng lại rất khôn ngoan, nhạy bén. Trong cuộc sống hàng ngày, ông ta dùng toàn lời lẽ nịnh bợ, a dua đối với Hoàng đế. Đặng Thông được sủng ái tới mức, Hán Văn Đế vốn sống rất nghiêm cẩn và tiết kiệm, một cái áo bị rách cũng quyết không vứt đi thế nhưng đối với Đặng Thông, Hán Văn Đế lại đối xử vô cùng hào phóng. Hoàng đế ngoại lệ ban thưởng cho Đặng Thông hơn mười vạn tiền, còn trao cho chức quan lớn.

Một lần, Hán Văn Đế mời một tướng sĩ đến xem tướng cho Đặng Thông. Sau khi vị tướng sĩ này đến gặp Đặng Thông về nói với Hán Văn Đế rằng: “Đặng Thông sau này sẽ có kết cục thảm hại, bị lạnh bị đói mà chết”. Hán Văn Đế nghe xong không tin lời vị tướng sĩ này, nói: “Đường đường được Thiên tử sủng ái sao có thể chết đói được?”.

Vì thế, Hán Văn Đế lệnh lấy một núi đồng ở Nghiêm Đạo quận Thục ban thưởng cho Đặng Thông, còn cho phép ông ta tự mình đúc lấy tiền đồng để tiêu. Từ đó Đặng Thông trở nên phát tài, tiền đồng do ông ta tạo ra được tiêu khắp thiên hạ.

Sau đó, Hán Văn Đế đột nhiên bị bệnh, phát tác mụn nhọt, máu mủ chảy ra không ngừng, múi hôi khó chịu bốc lên nồng nặc. Đặng Thông lúc này vô cùng sốt ruột, thấy Hoàng đế sắp chết, trong lòng lo lắng: “Nếu Hoàng thượng chết, sau này ta phải sống ra sao?” Vì thế, ông ta cố lấy dũng khí ngày ngày vào cung, tự thân mình ngồi bên Hoàng đế hầu bệnh hỏi thuốc, vô cùng ân cần. Thậm chí để giảm đau đớn cho Hoàng thượng, Đặng Thông không quan tâm đến sự tanh hôi của máu mủ đã dùng miệng hút máu mủ ra ngoài. Sự ân cần của Đặng Thông khiến Hán Văn Đế vô cùng cảm động.

Có một ngày sau khi Đặng Thông hút xong máu mủ ở vết thương, Hán Văn Đế mới hỏi Đặng Thông rằng: “Thiên hạ ai là người yêu ta nhất?”

Đặng Thông khôn ngoan đáp rằng: “Hẳn là không có ai yêu bệ hạ được bằng Thái tử được”.

Về sau, có lần Thái tử Lưu Khải, con của Hán Văn Đế vào thăm bệnh của cha. Hán Văn Đế nhớ lại lời của Đặng Thông nên muốn thử lòng hiếu thuận của con nên nhờ Lưu Khải hút mủ trong nhọt của mình. Thải tử vừa nhìn thấy máu mủ ở miệng nhọt, tanh hôi khó chịu thì rất ghê người, nhưng cũng đành miễn cưỡng hút cho Hoàng thượng. Về sau, thông qua thăm hỏi, Thái tử biết được nguyên do sự tình nên rất hận Đặng Thông.

Mấy năm sau, Hán Văn Đế qua đời, Thái tử Lưu Khải lên ngôi, lấy hiệu là Hán Cảnh Đế. Hán Cảnh Đế bắt tay vào việc củng cố triều chính. Bấy giờ mọi người đã sớm thống hận gian nịnh thần Đặng Thông nên Hán Cảnh Đế phế ông ta làm thứ dân. Sau đó, Đặng Thông lại bị nhiều người tố tự đúc tiền nên bị tịch thu nhà cửa. Cuối cùng quả nhiên ông ta bị đói khát mà chết. Đặng Thông xuất phát từ may mắn, ngay từ đầu đã dựa vào quyền thế để thăng tiến, không đường đường chính chính làm người nên có kết cục ấy.

Từ xưa đến nay, nịnh thần hầu hết đều không có kết cục tốt đẹp. Bởi vì kiểu người này gần như không có tài đức gì, chỉ trông chờ vào lời nói đường mật, dùng thủ đoạn bất chính để đạt được thứ mình mong muốn. Cho nên, làm người phải dựa vào thực lực, đạo đức của bản thân, đi con đường ngay chính mới có được kết cục tốt đẹp. Giống như triết học gia Lục Cửu Uyên triều Nam Tống viết: “Người có thể không biết một chữ nhưng xác thực phải đường đường chính chính làm người”.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn