Đóng cửa chính phủ kỷ lục ở Mỹ và 'cuộc chiến của những kẻ lố bịch' ( Viết vài chữ rồi lại xoá, sợ gạch đá cuả cả 2 phe... )

Thứ Ba, 22 Tháng Giêng 20195:47 SA(Xem: 5473)
Đóng cửa chính phủ kỷ lục ở Mỹ và 'cuộc chiến của những kẻ lố bịch' ( Viết vài chữ rồi lại xoá, sợ gạch đá cuả cả 2 phe... )

Lần đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử Mỹ đang dần biến thành "sân khấu của những kẻ lố bịch" với cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Vụ đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử Mỹ đang dần biến thành "sân khấu của những kẻ lố bịch" với cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

30 ngày. Và vẫn đang tiếp tục.

Đây chính là lần đóng cửa chính phủ dài nhất lịch sử Mỹ kể từ năm 1976, khi quốc hội Mỹ bắt đầu có nhiều tiếng nói hơn trong quá trình duyệt chi tiêu ngân sách. Trước đó, chính phủ Mỹ trong vài trường hợp có thể chi ngân sách mà không cần đến sự đồng thuận của quốc hội.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 3

Trong các lần chính phủ Mỹ đóng cửa trước đây, nguyên nhân thường đến từ mâu thuẫn chính sách. Vào năm 1977, thượng viện và hạ viện không thể thống nhất về việc bảo hiểm y tế có nên chi trả cho việc phá thai hay không, dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa 4 lần kéo dài tổng cộng 28 ngày. Đến năm 1978, Tổng thống Carter khiến chính phủ đóng cửa nhưng là vì ông không muốn ngân sách chi tiền cho một tàu sân bay hạt nhân. Tương tự, chính phủ tiếp tục đóng cửa vào năm 1981 do Tổng thống Reagan yêu cầu quốc hội giảm 8,4 tỷ USD chi tiêu công.

Ở lần đóng cửa chính phủ lâu nhất trước đây vào năm 1995, Tổng thống Clinton quyết định không phê duyệt kế hoạch ngân sách được hai viện (đều do phe Cộng hòa kiểm soát khi đó) đưa ra, cắt giảm chi tiêu cho Medicare và Medicaid. Sau 21 ngày bế tắc, phe Cộng hòa nhượng bộ và ông Clinton đạt tỷ lệ ủng hộ cao nhất kể từ khi nhậm chức.

Đến năm 2013, chính phủ Mỹ cũng đóng cửa 16 ngày vì phe Cộng hòa không muốn ngân sách được duyệt cho chương trình Obamacare. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cuối cùng chấp nhận mở cửa chính phủ và ông Obama để lại một phát biểu đáng nhớ: “Chúng ta phải từ bỏ thói quen điều hành bằng (cách tạo ra) khủng hoảng”.

Lời khuyên của ông Obama đã bị bỏ qua bởi người kế nhiệm. Tổng thống Donald Trump đang là nhân vật trung tâm của lần đóng cửa chính phủ dài nhất lịch sử nước Mỹ, với yêu cầu 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới với Mexico đang không được quốc hội chấp thuận.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 4

Từ tháng 4 năm 2015, vài tháng trước khi ra tranh cử, ông Trump đã nói về kế hoạch xây tường trong lần xuất hiện ở New Hampshire. “Tôi sẽ xây bức tường tốt nhất, lớn nhất, chắc chắn nhất, không thể công phá, sẽ không có ai trèo được qua nó… Và tôi sẽ khiến Mexico phải trả tiền cho nó”.

Theo một khảo sát của Quinnipiac, 62% cử tri Mỹ phản đối việc đóng cửa chính phủ vì bức tường biên giới, chỉ có 34% ủng hộ. Tuy nhiên nếu xét riêng nhóm cử tri Cộng hòa, 59% người được hỏi ủng hộ ông Trump đóng cửa chính phủ cho đến khi ngân sách cho bức tường được phê duyệt, chỉ 33% phản đối. Kết quả đủ để nhận thấy nếu ông Trump thay đổi lập trường vào thời điểm này, nhiều khả năng tổng thống Mỹ sẽ mất đi sự ủng hộ của nhóm cử tri trung thành và cũng chẳng thể giành thêm được sự ủng hộ mới.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 5

Các chỉ số thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ cho rằng chính phủ đóng cửa là do ông Trump và điều này khiến phe Dân chủ có được sự ủng hộ cần thiết của công chúng để tiếp tục bác bỏ kế hoạch xây dựng bức tường. Không chỉ vậy, đảng Dân chủ vừa có chiến thắng vang dội để giành quyền kiểm soát hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, họ không dễ dàng đầu hàng để tổng thống có được chiến thắng lớn nhất trong nhiệm kỳ.

Đợt đóng cửa lần này chỉ ảnh hưởng một phần chính phủ Mỹ (khoảng 25%) và cả ông Trump cũng như phe Dân chủ đều không phải chịu quá nhiều áp lực để đạt được một thỏa thuận. Cuộc chiến nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn đến trước ngày phát biểu Thông điệp Liên bang của tổng thống, dự kiến là 29/1. Thời điểm này là cơ hội thích hợp để hai phe công kích lẫn nhau, và nhân vật đối trọng của ông Trump chính là lãnh đạo hạ viện Nancy Pelosi.

Về phần mình, đảng Dân chủ cũng đã làm chính phủ đóng cửa hai lần năm 2018 (trong đó một lần chỉ kéo dài vài tiếng) để yêu cầu sự thay đổi trong chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump, nhưng họ chấp nhận xuống nước chỉ sau vài ngày.

Đó là trước khi bà Pelosi trở thành chủ tịch hạ viện.

Vào lúc này, phe Dân chủ tin rằng họ đã nhượng bộ tất cả những gì có thể vào năm ngoái, bà Pelosi cũng có uy tín tăng cao trong nội bộ đảng sau khi dập tắt những ý kiến phản đối trong nội bộ đảng để có lần thứ 2 trong sự nghiệp làm chủ tịch hạ viện. Sau lưng bà Pelosi là một đảng Dân chủ đoàn kết, và bà cũng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của lãnh đạo Dân chủ ở thượng viện là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.

Cũng giống như ông Trump, nếu bà Pelosi chấp nhận nhượng bộ, uy tín của bà trong đảng Dân chủ sẽ giảm sút nhanh chóng. Nếu nữ chính trị gia đến từ California có thể chặn đứng kế hoạch bức tường của tổng thống, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy quốc hội, vốn 2 năm qua thuộc về phe Cộng hòa, bây giờ sẽ là sự cản trở với ông Trump. Động lực này sẽ tiếp sức cho hàng loạt cuộc điều tra được hạ viện lên kế hoạch nhắm vào tổng thống trong vòng 2 năm tới.

Và trong khi chính phủ đóng cửa, bà Pelosi và ông Trump tăng cường công kích lẫn nhau để gây áp lực, điều hướng những chỉ trích đến với người còn lại.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 6

Chủ tịch hạ viện bắt đầu bằng việc so sánh tổng thống với con chồn hôi, ngụ ý chỉ trích tổng thống xử sự như trẻ con khi tuyên bố mình “đang cố gắng hành xử như một người mẹ” sau cuộc gặp với tổng thống ở Nhà Trắng. Bà Pelosi cũng cho rằng ông Trump đang lên cơn giận dỗi để đòi bằng được bức tường, và ví bức tường như một thứ giúp ông Trump chứng tỏ chất đàn ông.

Cuộc đấu bước lên một tầm cao mới khi bà Pelosi yêu cầu ông Trump hoãn kế hoạch đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 29/1, lấy lý do tình trạng đóng cửa khiến cho các cơ quan đảm bảo an ninh cho sự kiện không thể hoạt động, và đề nghị tổng thống mở cửa chính phủ trở lại hoặc đưa ra thông điệp bằng văn bản.

Đáp lại, ông Trump cắt máy bay công du của chủ tịch hạ viện đi Afghanistan một ngày sau đó. Tổng thống cũng tranh thủ khiêu khích bà Pelosi khi cho rằng bà nên dành thời gian ở lại Washington để đàm phán giải quyết tình trạng chính phủ đóng cửa, hoặc “tham gia phong trào An ninh Biên giới Vững mạnh”.

"Tại sao Nancy Pelosi muốn xuất ngoại cùng các thành viên khác của đảng Dân chủ cho chuyến đi 7 ngày trong khi 800.000 người dân vĩ đại đang không được trả lương", ông Trump viết trên Twitter hôm 18/1.

Tổng thống Mỹ, người đại diện cho sự hỗn loạn và kiểu chính trị không truyền thống, đang đối đầu với một chủ tịch hạ viện có hàng chục năm kinh nghiệm chính trường, nổi tiếng với sự thông thái và hiểu biết về các điều luật. Song mặc dù vậy, nhiều người đã tỏ ra thất vọng với cái cách lãnh đạo hai đảng xử lý tình trạng chính phủ đóng cửa, rõ ràng là chưa ai chịu ai và cuộc chiến giữa ông Trump và bà Pelosi nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

“Hiện cuộc đàm phán để giải quyết tình trạng chính phủ đóng cửa chỉ là hai người trưởng thành đối xử hành xử như trẻ con. Liệu tiếp theo họ sẽ lấy đi món đồ chơi bóng loáng nào nữa để trừng phạt người kia?", nhà báo Colby Itkowitz viết trên Washington Post.

Nhưng tổng thống Mỹ còn có sự trợ giúp đắc lực đến từ lãnh đạo đa số thượng viện Mitch McConnell, một người cũng đầy kinh nghiệm và toan tính chính trị. Thực chất ông Trump chưa từng phải phủ quyết dự thảo ngân sách nào trong thời gian ở Nhà Trắng của mình, vì ông McConnell tuyên bố sẽ chặn đứng tất cả các cuộc bỏ phiếu với các kế hoạch không được tổng thống ủng hộ, trong đó có 2 dự thảo ngân sách gần đây được hạ viện đề xuất.

Tổng thống Trump hôm 20/1 đã cáo buộc đảng Dân chủ phản đối thỏa thuận do ông đề xuất để mở cửa chính phủ trở lại ngay cả khi ông chưa công bố đề xuất với họ.

"Nancy Pelosi và một số đảng viên Dân chủ hôm qua đã bác bỏ đề xuất của tôi thậm chí trước cả khi tôi nêu ra", ông viết trên Twitter. "Họ không thấy tội phạm và ma túy, họ chỉ nhìn thấy năm 2020 - mà họ sẽ không thể giành chiến thắng. Nền kinh tế tốt nhất! Họ nên làm điều đúng đắn cho đất nước và cho phép mọi người trở lại công việc".

"Nancy Pelosi đã cư xử một cách vô lý và đã trở nên quá thiên tả đến nỗi giờ đây bà ấy đã chính thức trở thành một đảng viên Dân chủ cấp tiến. Bà ấy đang quá sợ hãi những 'kẻ cánh tả' trong đảng của mình mà bà đã mất kiểm soát", ông Trump tiếp tục chỉ trích.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 9

Với việc chỉ 25% cơ quan chính phủ không hoạt động, tác động của việc đóng cửa đến nước Mỹ tới lúc này là không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình tại Washington cho thấy rất khó để sự tiến triển diễn ra nếu không có một tình trạng báo động xuất hiện vì chính phủ đóng cửa.

Hôm 20/1, Tổng thống Trump đã đưa ra "thỏa hiệp" liên quan đến những người được gọi là "Dreamer" - thanh thiếu niên được cha mẹ đưa đến Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ. Ông nói sẽ gia hạn bảo vệ cho khoảng 700.000 "Dreamer", trong khi chính ông đã bãi bỏ chính sách này vào năm ngoái.

Song có lẽ việc đảng Dân chủ giờ đây đang kiểm soát hạ viện đã khiến tính toán của ông phải thay đổi.

"Động thái của tổng thống có thể gây áp lực lên các đối thủ để trở lại bàn đàm phán nhưng họ vẫn cảm thấy họ có ưu thế. Trừ khi tổng thống thú nhận rằng ông đã sai, tình trạng đóng cửa chính phủ nhiều khả năng sẽ còn kéo dài", nhà bình luận Anthony Zurcher viết trên BBC.

Tình trạng đóng cửa chính phủ hiện vẫn chưa phải là thảm họa cho nền kinh tế Mỹ trên diện rộng, song những nguy cơ thực sự nằm ở việc tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn nữa. Một thành viên đảng Cộng hòa cho rằng tình trạng có thể tiếp diễn tới tháng 3, khi ngân sách cho chương trình tem thức ăn cạn kiệt, và đó sẽ là cuộc khủng hoảng lương thực mà Washington không thể bỏ qua.

"Tình trạng này càng kéo dài lâu, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn hơn càng cao", Ican Shepherdson, một nhà kinh tế tại hãng nghiên cứu Pantheon Economics, nói với Vox. "Nếu chính phủ đóng cửa kéo dài cả quý, đây sẽ không còn là chuyện vặt vãnh nữa".

Các nhân viên liên bang cuối cùng cũng sẽ được trả lương khi chính phủ mở cửa trở lại, nhưng hiện tại họ đang không bơm nhiều tiền vào nền kinh tế như bình thường và nhiều người đang chật vật với việc chi trả các hóa đơn. Một nhân viên bị buộc phải nghỉ phép thậm chí còn đem nhẫn cưới đi cầm đồ, và họ hàng của người này đã quyên tiền để chuộc lại chiếc nhẫn, theo NBC.

Những chuyên gia khác cảnh báo về tình trạng ùn tắc tại các sân bay của nước Mỹ, nơi các nhân viên của Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ và các kiểm soát viên không lưu đã phải làm việc không lương trong gần một tháng vừa qua. Phóng viên Robert Costa của Washington Post trích lời một quan chức đảng Cộng hòa cho biết tình trạng đóng cửa sẽ tiếp diễn cho đến khi người dân Mỹ giận dữ vì không thể bay đi nơi khác.

Một số ý kiến khác cho rằng vụ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ sẽ để lại "vết sẹo" cho hệ thống cơ quan công quyền liên bang cũng như nền kinh tế Mỹ rất lâu sau khi những cánh cửa đã được mở lại và nhân viên liên bang quay lại làm việc, theo Politico.

"Thậm chí nếu tình trạng đóng cửa được giải quyết trong ngày mai, tác động sẽ kéo dài hàng tháng, nếu không nói là hàng năm", cựu bộ trưởng an ninh nội địa Jeh Johnson nói.

Dong cua chinh phu ky luc o My va 'cuoc chien cua nhung ke lo bich' hinh anh 12
Một nơi cung cấp thức ăn và cà phê miễn phí ở Washington D.C. cho các nhân viên chính phủ bị buộc phải tạm nghỉ việc hoặc làm việc không lương trong lúc một phần chính phủ Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters.

Ở Đồi Capitol, một số nhà lập pháp Cộng hòa đã lên tiếng về tác động đáng sợ trong dài hạn mà tình trạng đóng cửa có thể gây ra cho việc đầu tư, đặc biệt là trong các dự án cần sự chuẩn thuận của chính phủ.

"Mỗi một ngày chính phủ không phục vụ nền sản xuất là một ngày ra đi mãi mãi", Thượng nghị sĩ Kevin Cramer đến từ bang North Dakota, nơi có nhiều nhà sản xuất dầu khí lớn, phát biểu. "Tất cả những điều này sẽ tạo ra sự bất định vốn luôn là kẻ thù của đầu tư".

Theo nhà bình luận Zurcher, khi việc đóng cửa chính phủ trở nên tồi tệ hơn, sẽ ngày càng khó khăn cho ông Trump trong việc giữ cho đảng Cộng hòa trong quốc hội không bị phá vỡ hàng ngũ. Đã có 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi mở cửa lại chính phủ mà không cần tiền xây bức tường biên giới. Khi hạ viện bỏ phiếu về một dự luật của đảng Dân chủ để mở cửa lại chính phủ, 7 thành viên Cộng hòa đã cùng tham gia.

"Trong tương lai, số phiếu chắc chắn sẽ tăng lên. Các nhà lập pháp của cả hai viện đều đang tìm kiếm một giải pháp trong các cuộc đàm phán để thoát khỏi mớ hỗn độn này", ông Zurcher nhận định.

Dù vậy, với tất cả những diễn biến kịch tích, những chiêu trò cũng như tuyên bố công khai, không bên nào chịu nhượng bộ trong lập trường về bức tường biên giới. Thay vì đưa tổng thống và phe đối lập ngồi lại để cùng tìm ra giải pháp, vụ đóng cửa chỉ khiến họ ngày càng xa nhau.

"Có cảm giác đây là sân khấu của những kẻ lố bịch", Hạ nghị sĩ Dân chủ Gerry Connolly nhận xét.

Bức tường ở biên giới phía nam nước Mỹ (ảnh dưới) vẫn chưa thành hình. Song một bức tường khác ngày càng rõ diện mạo đang được dựng lên ở Washington D.C. và cái giá của nó có lẽ không chỉ là 5,7 tỷ USD.

Quốc Thăng - Đông Phong

Đồ họa: Nhân Lê; Ảnh: Reuters

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn