Đệ nhất kỹ nữ khiến hai hoàng đế Trung Quốc mất cả giang sơn

Thứ Hai, 07 Tháng Giêng 201911:00 SA(Xem: 5760)
Đệ nhất kỹ nữ khiến hai hoàng đế Trung Quốc mất cả giang sơn

Đệ nhất kỹ nữ Trung Hoa thời nhà Minh là một trong số những người phụ nữ hiếm hoi có tầm ảnh hưởng sâu rộng, dẫn đến sự thay đổi triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Theo Shine.cn, Trần Viên Viên ngày nay được các nhà sử học đánh giá là một trong số 8 người phụ nữ đẹp nhất lịch sử Trung Hoa. Nàng không chỉ khiến hoàng đế nhà Minh là Sùng Trinh “ngày đêm thao thức”, mà còn có mối quan hệ với dũng tướng bậc nhất bấy giờ là Ngô Tam Quế.

Hai mối quan hệ tranh cãi của Trần Viên Viên đã dẫn đến những bi kịch khiến cả triều đại nhà Minh hùng mạnh sụp đổ, để người Mãn tiến vào Trung Nguyên lập nên nhà Thanh.

8432
Hình tượng Trần Viên Viên trong phim Trung Quốc.

Đệ nhất kỹ nữ Trung Hoa

Trần Viên Viên là đại mỹ nhân của Trung Quốc thời kỳ cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh. Nàng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, gia cảnh khốn khó.

Mẹ Viên Viên sinh nàng chẳng được bao lâu thì mất. Cha vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do gia cảnh bần hàn nên đã bỏ xứ mà đi, để lại Viên Viên cho em vợ nuôi. Mồ côi sớm nên lớn lên Viên Viên mang theo họ Trần của nhà dì ruột.

Chính công nuôi dưỡng của người dì đã giúp Trần Viên Viên sớm thành thục cầm, kỳ, thi, họa - bốn thứ tài năng được đánh giá cao ở người Trung Hoa thời xưa, nhất là phụ nữ.

Khi trưởng thành, Trần Viên Viên bị bán cho một kỹ viện nổi tiếng ở Nam Kinh.

Viên Viên còn tham gia vào vở kịch “Căn phòng phía Tây”, được rất nhiều người mến mộ. Nhiều người đàn ông ngày ngày tìm tới gặp Viên Viên, nhưng một học giả tên Mao Xiang lại là người may mắn nhất và cũng bất hạnh nhất.

Sau nhiều lần gặp nhau năm 1641, cả hai đem lòng yêu nhưng tình hình rối ren lúc bấy giờ khiến họ phải chia xa. Mao mất dấu của Viên Viên, mãi sau này mới biết cha của hoàng hậu trong cung bỏ tiền mua Viên viên để dâng lên hoàng đế Minh Tư Tông, theo lời kể sau này của Mao.

 

Vào cung, mọi nhất cử nhất động của Trần Viên Viên đều nghe theo kế hoạch của hoàng hậu. Thế nhưng, hoàng hậu không thể ngờ rằng, với vẻ đẹp kiểu diễm và tài năng múa hát, Viên Viên khiến cho Minh Tư Tông ngày càng sủng ái nàng hơn, luôn luôn giữ nàng bên cạnh, không cho rời nửa bước.

Đó là thời điểm khởi nghĩa nông dân bùng lên ở khắp nơi, khiến nhà Minh tổn thất nhiều binh lực và cả tướng tài. Khởi nghĩa do Lý Tự Thành phát động là mạnh mẽ nhất, đánh chiếm ba thành trì lớn. Đến lúc này, Minh Tư Tông mới nghe lời can gián của đại thần, tạm gửi Viên Viên ở phủ của Chu quốc trượng (cha vợ của vua), để mình có thể tập trung dẹp loạn.

Trong phủ của Chu quốc trượng, có một lần Viên Viên được mời ra để rót rượu múa hát, vẻ đẹp thuần khiết của nàng đã lọt vào mắt của một vị tướng hàng đầu thời bấy giờ là Ngô Tam Quế.

Ngô Tam Quế say mê vẻ đẹp của Viên Viên, đem lòng thương mến. Hoàng đế Minh Tư Tông miễn cưỡng ban Viên Viên cho Ngô Tam Quế và phong làm Tổng đốc Sơn Hải Quan. Đây được coi là vị trí trọng yếu ở vùng biên ải.

Viên Viên được Ngô Tam Quế yêu thương hết mực nhưng nàng vẫn phải ở lại kinh thành, không thể theo cùng người tình ra tiền tuyến.

Năm 1644, quân nổi dậy do Lý Tự Thành chỉ huy đánh chiếm kinh thành, Ngô Tam Quế ở xa không kịp về ứng cứu. Hoàng đế Minh Tư Tông bỏ chạy không thành rồi bị bức tử chết, nhà Minh sụp đổ.

Biết danh Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành vội sai người đón Ngô Tam Quế giữa đường để thuyết phục vị danh tướng này phục vụ trong triều đình mới.

Khiến hai hoàng đế Trung Hoa mất nước

Năm 1644, Lý Tự Thành chấm dứt 276 năm trị vì của nhà Minh, lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế lập ra nhà Đại Thuận.

Ngô Tam Quế vốn đã định đồng ý đầu hàng, nhưng lại biết tin Lý Tự Thành đã chiếm đoạt người đẹp của mình, đem vào cung hầu hạ thì đã có quyết định tạo ra bước ngoặt của lịch sử Trung Hoa.

Ngô Tam Quế quay về Sơn Hải Quan, liên kết với người Mãn ở phương bắc, mở cổng thành để đại quân Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên. Triều đình do Lý Tự Thành lập nên chưa bình ổn được bao lâu thì phải đối mặt với hiểm họa từ phương bắc.

Lý Tự Thành chống cự yếu ớt dần và cho tàn quân cướp toàn bộ vàng bạc châu báu, đốt thành trì và rút khỏi Bắc Kinh chạy về hướng Tây. Tàn quân của Lý Tự Thành bị Ngô Tam Quế và quân Thanh truy đuổi ráo riết.

Năm 1645, Lý Tự Thành đang quan sát địa hình trên núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, tỉnh Hồ Bắc thì bị tập kích giết chết. Người Mãn sau khi chiếm được Trung Hoa thì lập nên nhà Thanh, thống trị trong suốt 300 năm sau.

 

Ngày nay, Ngô Tam Quế được các học giả Trung Quốc coi là kẻ làm phản, còn Trần Viên Viên là “con ngựa thành Troy”.

Nhưng dù thế nào, cả hai cũng đóng góp vào sự thay đổi cốt lõi trong lịch sử Trung Quốc. Mối tình Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên được khai thác sâu rộng mãi về sau ở Trung Quốc.

Các nhà sử học Trung Quốc đều đồng tình rằng nàng kỹ nữ Trần Viên Viên kết cục không mấy tốt đẹp. Sau khi quân Mãn Thanh dẹp được Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế nhờ vậy cũng trở thành một vị đại tướng nhà Thanh. Nhưng hai người không đoàn tụ với nhau mà Ngô Tam Quế để cho Viên Viên vào chùa, tránh điều tiếng.

Có nguồn tin khác nói rằng Viên Viên đã đổi tên, trở thành ni cô tại một ngôi chùa ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau khi khởi nghĩa Ngô Tam Quế chống nhà Thanh thất bại.

Các sử gia chính thống Trung Quốc luôn coi kỹ nữ Trần Viên Viên là kẻ tội đồ, làm sụp đổ triều đại nhà Minh. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, sự sụp đổ của triều Minh được coi là một sự tất yếu của lịch sử.

Nhưng không thể phủ nhận rằng Trần Viên Viên là nàng kỹ nữ hiếm hoi trong lịch sử Trung Hoa có thể khiến hai hoàng đế nối tiếp nhau để mất giang sơn vào tay thế lực phương Bắc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn