Mùa Noel đi thăm thành phố Metz

Thứ Bảy, 29 Tháng Mười Hai 20186:49 SA(Xem: 8259)
Mùa Noel đi thăm thành phố Metz
mediaNhà thờ Saint-Étienne, biểu tượng của Metz được xây từ năm 1240Tuấn Thảo / RFI

Vào mùa Noel, bầu không khí gần nhà thờ chính toà Saint-Étienne lại trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Thành phố Metz là nơi tổ chức dài ngày nhất ‘‘Ngôi làng Giáng Sinh’’. Chương trình sinh hoạt kéo dài trong vòng 7 tuần lễ, so với 5 tuần chợ Noel tại các thành phố khác ở miền Đông là Strasbourg, Colmar, Reims hay là Kaiserberg.

Với hơn 180 gian hàng chuyên bán các món quà hay sản phẩm Noel, ‘‘Ngôi làng Giáng Sinh’’ của thành phố Metz thu hút khoảng một triệu rưỡi du khách trong gần hai tháng, tương đương với một nửa doanh thu ngành du lịch trong năm. Tuy không lớn bằng chợ Noel tại thành phố Strasbourg (2,5 triệu du khách mỗi năm), nhưng Metz vẫn thu hút được khá nhiều khách thăm viếng nhờ vị trí thuận lợi, chỉ cách thủ đô Paris có 1g25 phút bằng tàu cao tốc TGV, hơn ba tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe hơi (320 km).

noel_metz_25Với 180 gian hàng, Ngôi làng Giáng Sinh của Metz thu hút 1,5 triệu du khách hàng nămTuấn Thảo / RFI

Theo dòng lịch sử, thành phố Metz nằm ở phía Đông thuộc vùng Grand Est (trước kia còn thường được gọi là vùng Lorraine) từng bị sát nhập nhiều lần vào nước Đức. Ảnh hưởng của văn hóa Đức không những chỉ thấy rõ trong lối kiến trúc chẳng hạn như Toà Bưu Điện thành phố Metz, Dinh Thống Đốc hay là Cửa khẩu Pháo đài (Porte des Allemands) do nước Đức từng xây cất ở phía đông thành phố từ thế kỷ XIII, mà còn được biểu hiện trong cung cách sinh hoạt thường ngày kể cả việc tổ chức chợ Noel hàng năm.

marche_noel_35Lối vào Ngôi làng Giáng Sinh bên cạnh khuôn viên nhà thờTuấn Thảo / RFI

Cho tới cuối tháng 12, thành phố Metz thật sự chìm đắm trong bầu không khí lung linh huyền ảo của mùa Giáng Sinh, du khách khó thể nào mà bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Metz một lần cho biết, nhất là trong không khí lạnh rét, giá buốt mùa đông. Thế nhưng, thời tiết bên ngoài càng lạnh, không khí Giáng Sinh lại càng ấm màu. Chợ Noel của Metz được phân chia thành nhiều ngôi làng khác nhau, toạ lạc xung quanh khuôn viên nhà thờ Saint-Étienne trong đó có các quảng trường như Saint-Louis, Saint-Jacques, Place d’Armes, Place de Chambre. Thành phố Metz còn cho dựng một hang đá Giáng Sinh to lớn với những pho tượng với kích cỡ cao như người thật. Hang đá được dựng trong một khuôn viên lợp đầy cây xanh, nằm ngày trước mặt nhà ga thành phố trên quảng trường Place Charles de Gaulle.

creche_ok_okChợ Noel của Metz được phân chia thành nhiều ngôi làng khác nhau, xung quanh nhà thờ Saint-ÉtienneTuấn Thảo / RFI

Một trong những tụ điểm quan trọng nhất là Ngôi làng Gáng Sinh ở quảng trường Saint-Jacques, nơi mà bạn có thể tìm thấy đủ loại gian hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh, như vòng lá mùa vọng, các loại nến hương, những sợi dây kim tuyến đủ màu, các tấm hình nền, bưu thiếp Noel, hay các bức tượng nhỏ treo cây thông, các quả cầu bạc hay bằng thủy tinh có sơn thêm thú vật hay phong cảnh mùa đông, rực rỡ màu sắc, các loại đèn lồng hình ngôi sao rực rỡ lung linh, sắc màu kim quang soi sáng dự báo mùa lễ Hiển linh, đúng theo truyền thuyết ba vì vua từ phương xa đến thờ lạy Chúa, kính dâng lễ phẩm gồm bạc vàng, nhũ hương, mộc dược,

20181209_174812_hdr2Các gian hàng bán đồ trang trí Noel rực rỡ màu sắc, các loại đèn lồng ngôi sao lung linh, dự báo mùa lễ Hiển linhTuấn Thảo / RFI

Bên cạnh đó còn có các quầy hàng, bán đồ chơi truyền thống làm bằng gỗ, các loại búp bê thú bông, các tượng lính bằng đồng. Về các món ăn đường phố, chợ Noel không thể nào thiếu rượu vang nóng (kể cả rượu đỏ và trắng) ướp với mùi hương của quế và trái cây, các loại xúc xích (chẳng khác gì các loại wurst của Đức) ăn kèm với dưa cải chua, càri hay là mù tạt, các loại bánh bûche hình khúc gỗ, các loại bánh kẹo, chocolat, bánh bông lan cupcake với lối trang trí cầu kỳ hay đơn giản hơn nữa là món hạt dẻ nướng nhâm nhì thưởng thức với một ly rượu trắng.

20180826_145054_hdr2Toàn bộ lớp kính màu của nhà thờ Metz đã được thực hiện trong 7 thế kỷTuấn Thảo / RFI

Ghé thăm chợ Noel của thành phố Metz, khách thăm viếng thế nào rồi cũng đi xem nhà thờ chính tòa Saint-Étienne, bề thế hoành tráng không kém gì Vương cung thánh đường Saint-Étienne tại Vienne thủ đô nước Áo (nhà thờ Stephansdom zu Wien). Công trình xây cất nhà thờ Saint-Étienne bắt đầu từ năm 1240, và chỉ kết thúc ba thế kỷ sau đó, thế nhưng điểm đặc biệt là lối kiến trúc vẫn giữ được nét hài hoà thuần nhất phần lớn cũng vì ông Pierre Perrat (1340-1400) cũng như các kiến trúc sư sau đó đều đeo đuổi cùng một mục đích, họ làm việc trên cùng một dự án và trong mỗi chiến dịch xây dựng họ tôn trọng các tiêu chí của thế hệ trước.

20180826_143359_hdrCông trình xây cất nhà thờ Saint-Étienne bắt đầu từ năm 1240 và chỉ kết thúc ba thế kỷ sau, nhưng lối kiến trúc vẫn giữ được nét hài hoàTuấn Thảo / RFI

Được mệnh danh là "ngọn đèn rực sáng của Thiên Chúa", nhà thờ chính toà Metz là công trình kiến trúc có nhiều cửa sổ gothic thuoicn vào hàng lớn nhất châu Âu. Diện tích của các cửa sổ kính màu lên tới 6.500 thước vuông, trong khi nóc nhà thờ cao tới 41 mét so với chính điện, thuộc vào hàng nhà thờ cao nhất nước Pháp có lối kiến trúc gothic ‘‘rạng rỡ’’ (gothique rayonnant). Khi bước vào nhà thờ và ban ngày, khách thăm viếng có thể nhận ra ngay vì sao nhà thờ Metz được gọi là "ngọn đèn rực sáng của Chúa", vì tứ bề được soi bằng ánh sáng tự nhiên.

Ngay ở phía bên trong các nhà nguyện xuyên dọc chính điện, khách thăm viếng có thể thấy đầy những pho tượng thánh và các bức tranh khắc gỗ, trong đó có nhiều tác phẩm thuộc triều đại Carolingien (Karolinger), do thành phố Metz từng là nơi đóng đô của dòng dõi quý tộc Frank, nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất trong dòng họ này có Đại đế Charlemagne (Charles the Great).

20180826_143201_hdr2Bộ đàn orgue khổng lồ bên cạnh chính điện nhà thờ MetzTuấn Thảo / RFI

Bộ kính màu của nhà thờ Metz thuộc vào hàng kiệt tác, từng được thực hiện bởi các bậc thầy như Hermann de Munster (thế kỷ XIV) nổi tiếng nhờ bộ kính ‘‘hoa hồng’’ xây dựng vào năm 1384, Théobald de Lixheim và Valentin Bousch (thế kỷ XVI), quan trọng nhất là giai đoạn trùng tu từ năm 1504 đến năm 1545, cho tới các nghệ sĩ lừng danh thế kỷ XX trong đó có Marc Chagall với bộ kính màu Tạo hóa (vitrail de la création) và nhất là Jacques Villon (anh trai của nghệ sĩ Marcel Duchamp), tác phẩm của ông cực kỳ gây ấn tượng với bộ kính màu 5 tấm.

20180826_142101_hdrNghệ sĩ Jacques Villon gây ấn tượng với bộ kính màu 5 tấm trong nhà nguyện Saint SacrementTuấn Thảo / RFI
Cho dù toàn bộ lớp kính màu của nhà thờ chính toà Metz đã được thực hiện trong vòng 7 thế kỷ, xuyên qua rất nhiều thời kỳ nghệ thuật cực kỳ khác nhau, nhưng trong cách tạo hình và ghép màu, các nghệ sĩ ở đây mỗi người một nét lại tạo ra được một ‘‘bức tranh tổng thể’’ lung linh sáng ngời, kỳ diệu tuyệt vời, toàn cảnh có thế được xếp vào hàng kỳ quan thế giới
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn