Chế độ độc tài phong kiến và cộng sản: giống và khác

Thứ Tư, 12 Tháng Mười Hai 20186:35 CH(Xem: 5181)
Chế độ độc tài phong kiến và cộng sản: giống và khác

VNTB

Nguyễn Đình Ấm

Hiện nay trên thế giới vẫn còn một số chế độ độc tài ở mức độ khác nhau trong đó có loại chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Chế độ này có nhiều sự giống và khác chế độ độc tài phong kiến là chế độ phổ biến trên thế giới cho đến thế kỷ 20. Nay thử so sánh giữa hai chế độ này.

Giống

– Điểm chung quan trọng nhất mang tính chi phối các đặc điểm chế độ độc tài phong kiến và cộng sản toàn trị là nhà cầm quyền không do dân bầu ra mà do chiến thắng quân sự hoặc tranh cướp hoà bình giành được.

Do nhà cầm quyền không từ dân bầu, không có sự phán xét, giám sát của nhân dân(gồm các cuộc tổng tuyển cử, trưng cầu dân ý, Quốc hội do dân thực sự bầu, báo chí, văn học, nghệ thuật… tự do) nên quan điểm chính trị, phẩm chất, năng lực,trình độ quản lý đất nước của nhà cầm quyền chế độ độc tài là ngẫu nhiên, may rủi. Nhân dân, đất nước có phúc thì gặp được ông vua(phong kiến), nhà lãnh đạo, Tổng bí thư (cộng sản) có tài, vì nước vì dân như vua Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông ở VN, vua Minh Trị ở Nhật, Pyotr Đại đế ở Nga hoặc những ông vua khốn nạn như Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Lê Chiêu thống…

– Ở chế độ độc tài quyền của vua, nhà lãnh đạo(tổng bí thư hoặc bộ chính trị-vua tập thể” (Lời ông Nguyễn Văn An nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội VN) là trên hết, tất cả các thiết chế xã hội như luật pháp, nguyên tắc, đạo đức… đều dưới ý chí của vua, nhà lãnh đạo. Ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh đảng” (VnExpress ngày 2/9/2003).

Thời gian xem xét dự án bauxite tây nguyên “vua tập thể” độc tôn quyết định, nhiều nhân sĩ, trí thức kể cả ông Võ Nguyên Giáp gửi thư can ngăn cũng không được trả lời… Cùng một việc có thể vua, nhà lãnh đạo độc tài bảo đúng hoặc sai, tốt, xấu, tuỳ ý (“sáng đúng chiều sai, mai lại đúng”). Ở chế độ độc tài luật pháp chỉ cơ bản được vận hành đúng khi nó mang lại lợi ích, lợi thế cho cán bộ, nhà cầm quyền. Ở chế độ phong kiến vua, quan tuỳ nghi xử dân nên dân ta có câu: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”.

Ở chế độ CS cũng tương tự. Luật gia Ngô Bá Thành nguyên chủ nhiệm UB pháp luật Quốc hội từng nói đúng: “Chúng ta có rừng luật nhưng chỉ sài luật rừng”. Việc các vụ dân kiện quan chức, chính quyền sai phạm rất khó khăn, hầu hết dây dưa, thua kiện trong khi dân sai phạm nhất là đụng vào chính quyền, quan chức, công an thì pháp luật được thực thi nhanh chóng, án xử nặng… Dân trộm con vịt bị xử tù,quan chức, đại gia trộm, làm thất thoát chục tỷ, trăm tỷ chỉ “nghiêm khắc cảnh cáo, phê bình…”.

– Cơ quan truyền thông, các tổ chức mang tính chất dân sự của quốc gia hoàn toàn do vua, nhà cầm quyền độc tài quản lý phán xét, phải hoạt động phụng sự nhà cầm quyền trên hết, người dân không được có cơ quan ngôn luận. Dưới chế độ phong kiến nhân dân chỉ được nhận các thông tin như lời phán, chiếu chỉ, các bài thơ văn ca ngợi vua chúa do các nho sinh, quan lại… sáng tác ca ngợi chế độ, vua, quan.

Dưới chế độ độc tài cộng sản nền truyền thông cũng độc quyền của nhà cầm quyền, được hiện đại hoá như TV, các đài phát thanh, báo in, báo điện tử, loa phường, xóm, đội tuyên truyền viên… chuyển đến từng gia đình, người dân, băng rôn, khẩu hiệu, tượng đài ở khắp nơi tất cả phải tuyên truyền theo định hướng, lợi ích của đảng. Tháng 6/2018 nhà cầm quyền CS còn ra luật an ninh mạng trong đó có những điều ngăn chặn ý kiến trái lợi ích nhà cầm quyền của dân trên mạng Internet. Bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhở báo chí chỉ đăng tiêu cực chiếm 10% mặt báo. Tức dù thực tế thế nào thì báo chí của đảng CS cũng chỉ đăng phần rất nhỏ có chọn lọc phụng sự “vua tập thể” để gây cảm giác báo chí phản ánh khách quan cho khán, độc giả.

Chế độ độc tài độc quyền thông tin nên người dân dưới chế độ phong kiến phải dùng văn học dân gian khuyết danh để lên án chế độ như ca dao: “Con ơi nhớ lấy câu này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan… Bao giờ dân nổi can qua/Con vua thất thế lại ra quét chùa”… Dưới chế độ độc tài CS dân không có cơ quan ngôn luận cũng phải phê phán chế độ bằng ca dao, vè “ Mỗi người làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe…” (thời hợp tác xã), hoặc: “Tôn Đản là chợ vua, quan/Nhà thờ của bọn trung gian nịnh thần…”.

– Chế độ độc tài phong kiến, CS đều có ý chí tuyệt đối dùng mọi nguồn lực quốc gia, biện pháp, phương tiện để bảo vệ ngai vàng, quyền cai trị. Thời phong kiến ai không quy phục triều đình bị ghép tội “khi quân” nhẹ bị tù đày, nặng tru di tam tộc, dưới chế độ CS những người đòi tự do, dân chủ, bất đồng chính kiến, hăng háichống Trung Quốc xâm lược, bị gọi là “phản động, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, gây rối trật tự công cộng…” bị khủng bố, sách nhiễu, bắt giam, xử tù rất nặng, con cháu bị ghi lý lịch trả thù.

– Đặc điểm chung của chế độ độc tài là khó có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, thời đại nên bị suy thoái, tàn tạ theo thời gian. Ban đầu các thủ lĩnh phong kiến hoặc CS còn tốt, nêu ra, thực thi những chính sách hợp lòng dân nên tập hợp được nhiều người ủng hộ giành được chính quyền. Tuy nhiên, khi đã nắm quyền do chế độ không phải dân bầu, không có lực lượng đối lập, báo chí tư nhân phán xét, cảnh báo chỉ có báo chí độc quyền ca ngợi, pháp luật không dám đụng đến, cấp dưới không dám báo cáo thật với cấp trên… nên lãnh đạo và hệ thống quan chức nhà cầm quyền độc tài thấy mình luôn “anh minh, tài giỏi, quang vinh muôn năm…”, muốn làm gì cũng dễ ,từ đó bản năng tham lam, lộng hành trong họ “có đất dụng võ”.

Thời đại trôi qua, nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc, giá “mua quan, bán chức” tăng cao dẫn đến mỗi thế hệ quan chức độc tài ngày càng tham nhũng, lưu manh, tàn bạo, sa đoạ không thể ngăn cản nổi. Hãy xem đã bao năm nay đảng CS hô hào chống tham nhũng nhưng càng chống thì tham nhũng càng tăng hoặc “ổn định”. Những năm gần đây dù những vụ sai phạm, tham nhũng lớn liên tục bị phá, nhiều quan chức đến cỡ bộ chính trị, tướng soái vào tù nhưng khắp nơi tham nhũng vẫn ngang nhiên lộng hành như “ngày hội” (Báo Dân trí 24/10/2018), các vụ cướp phá, phô trương không thể dấu diếm như phá rừng lấy gỗ, khai thác cát, khoáng sản, cưỡng chế cướp bóc đất đai, xây lâu đài, biệt phủ nguy nga… không dứt. Từ đó, uy thế nhà cầm quyền suy yếu dần đến đáy. Khắp nơi người dân không còn nể sợ gì quan chức, chính quyền nữa.

Khác

– Chế độ phong kiến vua có quyền tối cao, mọi quyết định đúng, sai, thành bại do vua chịu. Lãnh thổ, chủ quyền quốc gia gắn chặt với triều đình, nếu nước bị xâm chiếm thì triều đình cũng mất, vua, chúa có thể mất mạng, bị ngoại xâm, phe đối nghịch trừng trị, vì vậy rất nhiều khi vua phải thân chinh cầm gươm ra trận cùng dân đánh đối địch.

– Lãnh đạo chế độ độc tài cộng sản là lãnh đạo tập thể, “vua tập thể”. Nếu đất nước phát triển bình thường thì báo chí độc quyền ca ngợi công lao vĩ đại của đảng, chính phủ, tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng nọ, kia… Ngược lại, nếu đường lối, chính sách sai, “suy nước, hại dân”, thậm chí để mất lãnh thổ, biển, đảo… thì cũng không ai chịu trách nhiệm. Dân gian tổng kết “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài đảng ta”.

– Sở hữu tài nguyên quốc gia: Chế độ phong kiến sở hữu đất đai, tài nguyên hỗn hợp. Nhà nước, tôn giáo sở hữu đất đai, các quan lại, vua chúa sở hữu điền trang, thái ấp,nhân dân sở hữu thổ cư, ruộng, vườn, ao hồ. Chế độ phong kiến có khả năng lập các điền trang, thái ấp rộng tạo cơ sở để sẩn xuất lớn. Dưới chế độ độc tài CS đảng CS quản lý tất cả tài nguyên, lợi ích quốc gia đất đai, khoáng sản, rừng, biển… Hiến pháp nói “đất đai sở hữu toàn dân” nhưng không người dân nào được phán xét một tấc đất ngoài cán bộ đảng CS.

– Chế độ độc tài phong kiến khi chiến tranh con cháu vua, chúa hoàng tộc khoẻ mạnh phải trực tiếp ra trận để nêu gương cho quân lính, nếu thua trận thì mất “cả thiên hạ” nhưng ở chế độ CS, con cháu các quan chức hầu hết không phải ra trận, nếu có đi lính thì họ cũng chỉ ở hậu phương hoặc đi học quân sự nọ, kia ở nước ngoài. Tôi đi bộ đội gần 9 năm trong đó 6 năm ở chiến trường đi nhiều đơn vị nhưng không gặp con cháu nào của quan chức từ cấp huyện, tỉnh trở lên…

Tóm lại, do đặc điểm lãnh đạo quốc gia không do dân bầu nên chế độ độc tài dù ở thời đại nào cũng theo quy luật “nhất nguyên” với nhiều sự tương đồng như không có dân chủ, luật pháp không nghiêm, quan chức nắm đặc quyền, đặc lợi chi phối hoạt động xã hội, bộ máy cầm quyền ngày càng tham nhũng, tha hóa… Những điểm khác giữa hai chế độ chỉ là thứ yếu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn