Trump đề cử bộ trưởng tư pháp mới, chánh văn phòng sắp ra đi

Thứ Sáu, 07 Tháng Mười Hai 20181:45 CH(Xem: 6599)
Trump đề cử bộ trưởng tư pháp mới, chánh văn phòng sắp ra đi

Tổng thống Mỹ đề cử một luật sư bảo thủ vào chiếc ghế bộ trưởng tư pháp, vị trí được cho là có thể tác động đến cuộc điều tra liên hệ giữa Nga và ông Trump.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trải qua loạt biến động nhân sự mới khi đề cử cho các vị trí bộ trưởng tư pháp, đại sứ tại Liên Hợp Quốc được công bố, đồng thời có tin về việc chánh văn phòng Nhà Trắng, trợ lý gắn bó lâu nhất với ông Trump đến nay, sắp ra đi.

Tổng thống Trump ngày 7/12 công bố đề cử ông William Barr, bộ trưởng tư pháp dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, trở lại vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ. Người từng giữ ghế này là ông Jeff Sessions đã bị ông Trump sa thải vào tháng 11.

Động thái này là một phần trong kế hoạch thay đổi nhân sự mà ông Trump dự định tiến hành sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Cũng trong cuộc gặp phóng viên, ông Trump chính thức xác nhận đề cử bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Bà Nauert sẽ thay thế Đại sứ Nikki Haley, vốn đã nộp đơn từ chức vào tháng 10 ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ.

Ngoài ra, truyền thông Mỹ đã râm ran về việc ông John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng, sắp sửa nói lời chia tay sau 16 tháng gắn bó.

Hoài nghi cuộc điều tra Nga

"Lựa chọn trước nhất của tôi từ ngày đầu tiên. Tôi sẽ đề cử ông ấy", Tổng thống Trump trả lời báo chí bên ngoài Nhà Trắng về quyết định đề cử ông Barr làm bộ trưởng tư pháp. Ông nói cựu quan chức, một luật sư theo đường lối bảo thủ, là "người kinh khủng".

Trump de cu bo truong tu phap moi, chanh van phong sap ra di hinh anh 1
Ông William Barr (trái) là bộ trưởng tư pháp Mỹ thời Tổng thống George H.W. Bush (phải). Ảnh: AP.

Tổng thống Trump ban đầu bổ nhiệm ông Matthew Whitaker, chánh văn phòng của ông Sessions, giữ vai trò quyền bộ trưởng tư pháp. Quyết định này nhanh chóng vấp phải những phản ứng quyết liệt trong và ngoài Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng vị trí lãnh đạo tạm quyền phải được giao cho Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein, nhân vật số hai sau ông Sessions.

BuzzFeed ngày 4/12 đăng tải một tuyên bố ký bởi hơn 400 cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ phản đối quyết định bổ nhiệm ông Whitaker. Giới quan sát cũng bày tỏ lo ngại khi ông Whitaker từng chỉ trích công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người lãnh đạo cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Ông William Barr, đề cử mới của Tổng thống Trump, cũng là một nhân vật có lập trường hoài nghi về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử. Ông thậm chí từng ủng hộ điều tra hình sự các hoạt động của bà Hillary Clinton trong thời gian bà giữ chức ngoại trưởng Mỹ, theo Guardian.

Năm 2017, ông Barr cũng có bài viết ủng hộ quyết định sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey và cho rằng đội ngũ của công tố viên Mueller thiếu sự cân bằng.

Tuy nhiên, Nhà Trắng kỳ vọng kinh nghiệm làm việc của ông Barr trên cương vị bộ trưởng tư pháp từ năm 1991 đến năm 1993 sẽ giúp ông dễ dàng vượt qua "ải" Thượng viện để được phê chuẩn.

Trong khi phe Dân chủ có thể lo ngại các phát ngôn của ông Barr thời gian qua, một số chính khách Cộng hòa vẫn tự tin rằng cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ sẽ giữ được sự độc lập với Nhà Trắng. Ông từng có giai đoạn làm việc cùng ông Robert Mueller tại Bộ Tư pháp.

Trong một bài phát biểu năm 1992, ông Barr từng nhấn mạnh lời thề trung thành của bộ trưởng tư pháp là với hiến pháp Mỹ, chứ không chịu sự can thiệp của tổng thống.

"Lời thề của bộ trưởng tư pháp về việc bảo vệ hiến pháp cũng đồng thời đặt ra câu hỏi liệu người đảm nhiệm vị trí này có nghĩa vụ lớn nhất với tổng thống - người bổ nhiệm mình - hay với nền pháp quyền. Như tôi đã nói trong phiên điều trần của mình và nhiều lần sau đó, lòng trung thành tối thượng của một bộ trưởng tư pháp là dành cho nền pháp quyền", ông Barr khi đó khẳng định.

Trump de cu bo truong tu phap moi, chanh van phong sap ra di hinh anh 2
Ông William Barr từng thể hiện lập trường hoài nghi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Sắp có "quản gia" mới?

Trong khi đó, CNNNew York Times dẫn các nguồn thạo tin cho hay Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ từ chức trong vài ngày tới. Với 16 tháng tại nhiệm, ông Kelly sẽ trở thành trợ lý làm việc cùng ông Trump lâu nhất nói lời chia tay Nhà Trắng.

Mùa hè vừa rồi, ông Trump từng đề nghị ông Kelly tiếp tục làm việc đến cuối nhiệm kỳ vào năm 2021. Tuy nhiên, cả hai đã ngừng nói chuyện trong những ngày qua, theo các nguồn tin của CNN.

New York Times dẫn tiết lộ của một quan chức Nhà Trắng cho biết một cuộc họp nhân sự cấp cao sáng 7/12 đã bị hủy mà không rõ lý do. Văn phòng của ông Kelly sáng nay cũng không mở đèn.

Ông Trump đang ráo riết thảo luận kế hoạch nhân sự Nhà Trắng. Một nguồn tin tham gia vào quá trình này tiết lộ tổng thống Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về người thay thế ông Kelly. Trong số các lựa chọn khả thi có ông Nick Ayers, chánh văn phòng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

Thông tin về khả năng ra đi của ông Kelly được đăng tải đầu tiên trên trang tin Axios. Con gái của Tổng thống Trump là Ivanka và chồng Jared Kushner đang ủng hộ ông Nick Ayers được bổ nhiệm làm tân chánh văn phòng Nhà Trắng.

Trump de cu bo truong tu phap moi, chanh van phong sap ra di hinh anh 3
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly được cho là sắp từ chức. Ảnh: New York Times.

Axios cho biết vẫn còn nhiều nhân vật thân tín trong chính quyền Tổng thống Trump phản đối bổ nhiệm ông Ayers. Nguồn tin của CNN cũng thừa nhận mọi việc chỉ được định đoạt khi tổng thống Mỹ chính thức công bố bổ nhiệm nhân sự thay ông Kelly.

Vị tướng thủy quân lục chiến về hưu từng được kỳ vọng là nhân tố sẽ mang lại sự ổn định cho Nhà Trắng bằng kỷ luật kiểu "bàn tay sắt", CNN nhận định. Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, sức ảnh hưởng của vị "quản gia" dần trở nên nhạt nhòa khi Tổng thống Trump làm ngơ nhiều quy định và chính sách mà ông thiết lập.

Một số nguồn thạo tin từng tiết lộ ông Kelly bên bờ vực bị sa thải sau khi lớn tiếng tranh cãi với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người được ông Trump bổ nhiệm vào tháng 10 và dường như rất được lòng nhà lãnh đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn