Whitney Houston, một cuộc đời bất hạnh

Thứ Bảy, 01 Tháng Mười Hai 20187:00 CH(Xem: 4163)
Whitney Houston, một cuộc đời bất hạnh
bbc.com
Nicholas Barber BBC Culture

7960 Bản quyền hình ảnh Miramax

Phim tài liệu về Whitney Houston của Kevin Macdonald, có tựa đề là Whitney, dành hầu hết thời gian để kể cho chúng ta nghe câu chuyện đã quá quen thuộc trong hầu hết thời gian phim.

Nhưng với 30 phút cuối phim, nó đem đến cho người xem đầy những thông tin, tư liệu, xứng đáng đem đến cho phim một vị trí quan trọng.

Đó không chỉ là một bộ phim hấp dẫn và đau lòng, mà còn là một bộ phim nặng ký.


Houston là một trong những ca sĩ có lượng băng đĩa bán chạy nhất trong Thế kỷ 20, nhưng việc nghiện ma túy đã biến cô thành đối tượng bị săn đuổi của các tờ báo lá cải và của cả một chat show chuyên châm biếm trong nhiều năm, trước khi cô qua đời trong bồn tắm khách sạn hồi 2012, khi mới 48 tuổi.

Macdonald, người gắn với nhiều phim tài liệu (như Touching the Void và Bob Marley) và phim truyện (The Last King of Scotland và State of Play), đặt câu hỏi vì sao nữ ca sỹ đã không thể thoát khỏi cơn nghiện, và làm thế nào mà một người trông luôn rạng ngời hạnh phúc và đầy sức sống hóa ra lại là nạn nhân bị hành hạ tàn tệ.

Phim đã phỏng vấn hầu hết, nếu không nói là tất cả, những người cộng sự gần gũi nhất của cô, kể cả người chồng cũ, Bobby Brown. Qua đó, Macdonald cho rằng có lẽ cô đã vừa bị một lời nguyền, lại vừa được ban phước ngay từ ngày mới chào đời.

Cô bé xinh xắn và giọng ca đẹp đến kỳ diệu của "Nippy" Houston đã nhanh chóng trở thành đề tài được bàn tán ở nhà thờ Newark, New Jersey.

Nhưng tình yêu của cô với các giai điệu phúc âm đã bị tổn thương khi mẹ cô, huấn luyện viên của dàn đồng ca nhà thờ, Cissy Houston, có quan hệ tình cảm với vị mục sư trị sự. Mối quan hệ này đã dẫn đến cuộc chia tay của cha mẹ cô.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Whitney Houston qua đời trong bồn tắm khách sạn hồi năm 2012, khi mới 48 tuổi

Cô bắt đầu đến với cocaine vào lần sinh nhật lần thứ 16.

Lúc đó, cô đã được tuyển vào làm thành viên ca đoàn trong các chương trình của mẹ, cũng giống như bản thân bà Cissy từng được tuyển làm thành viên hát nền cho những giọng ca như Elvis Presley và Aretha Franklin.

Khi trở thành một siêu sao ở độ tuổi mới ngoài đôi mươi, cô nổi tiếng nhờ giọng ca tuyệt vời trời phú và hình thể người mẫu. Cô trở thành gương mặt được cả nước Mỹ yêu mến, và được cho là xuất thân từ một gia đình Công giáo nền nếp.


Thế nhưng, ở phía sau hậu trường, trong khá nhiều các video gia đình, chúng ta thấy cô lúc đùa vui và cả lúc rơi vào tình trạng phê ma túy.

Cả bộ phim rất đáng xem. Nó đem lại cho ta cảm giác ngột ngạt, căng thẳng, nhưng không khiến ta ngạc nhiên.

Cuộc đời bất hạnh

Gần đây, đã xuất hiện xu hướng làm phim tài liệu về những giọng ca nữ vô cùng tài năng nhưng cuộc đời lại rơi vào bi kịch - như phim Janis: Little Girl Blue của đạo diễn Amy Berg; Amy, phim về Amy Winehouse của Asif Kapadia; và cả một phim về Houston vừa mới ra năm ngoái, Whitney: Can I be Me của Nick Broomfield.

Tìm hiểu về những nguyên nhân gây đau khổ cho Houston, Macdonald nêu ra một số điểm tương tự như nỗi nghi ngờ của Broomfield: một cô gái Mỹ gốc Phi xuất thân từ gia đình bình dân cố gắng giành tình cảm của nước Mỹ da trắng; xu hướng tình dục lưỡng giới mà Houston không muốn công khai thừa nhận.

Và có một số điểm giống tới mức khủng khiếp như những gì đã được nêu trong bộ phim tài liệu về Amy Winehouse của Kapadia: một cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng đáng sợ (Brown đã trở nên ganh ghen khi sự nghiệp của Houston làm lu mờ hoàn toàn sự nghiệp của chồng, sau khi phim The Bodyguard được phát hành); một người cha đã can thiệp quá nhiều trong vai trò người quản lý (mặc dù nói một cách công bằng thì ông Mitch Winehouse chắc chắn không bao giờ kiện con gái mình để đòi 100 triệu đô la như ông John Houston đã làm).

Macdonald cũng không cải thiện bộ phim của mình bằng cách đưa ra một số quyết định biên tập khắt khe.

Ông thích cắt chuyển cảnh các đoạn phim tư liệu trên truyền hình về Houston sang các tường thuật thời sự về các sự kiện thế giới ít nhiều có liên quan - chẳng hạn như Cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên được kết nối với các cuộc xung đột cá nhân của ca sĩ. Tôi cho rằng ông làm vậy cốt để cho câu chuyện được kể theo cách nhẹ nhàng hơn.

Macdonald phát hiện ra một điều có lẽ là chủ chốt, nguyên do tồi tệ có thể là nguồn cơn gây ra nỗi đau của Houston sau 90 phút, và bộ phim của ông bỗng khiến cho người xem cảm thấy choáng váng.

Ông đã thể hiện rõ ràng rằng Houston cùng các anh em trai thường phải ở cùng những người thân khác, từ người này tới người khác, trong thời gian mẹ cô đi lưu diễn.

Cáo buộc mà ông đưa ra sau đó là cô gái trẻ đã bị một trong những người họ hàng đó có hành vi lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Thủ phạm là Dee Dee Warwick, chị họ của cô và cũng là em gái của Dionne Warwick.

Nếu như vậy vẫn là chưa đủ khủng khiếp, thì câu chuyện tiếp tục kể cho người xem về vòng tròn lặp lại những hành vi bạo hành trẻ em.

Tuy không đưa ra gợi ý rằng con gái của Houston với Brown là Bobbi Kristina Brown đã bị lạm dụng tình dục, nhưng khi chúng ta nghe về việc cô bé bị nhốt trong một biệt thự hẻo lánh, nơi bố mẹ cô vẽ nguệch ngoạc hình ảnh những con quỷ lên khắp các bức tường và sàn nhà, thì từ 'bạo hành trẻ em' dường như rất phù hợp để mô tả những gì đã diễn ra.

Bobbi qua đời vào năm 2015, chỉ ba năm sau khi mẹ mất.

Nhưng có lẽ bằng cách chiếu sáng vào bóng tối giữa những thế hệ này, phim của Macdonald sẽ giúp đỡ cho những đứa trẻ đau khổ khác, ngay cả những đứa trẻ sống trong nhà của những người giàu có và vô cùng nổi tiếng.

Đánh giá phim ★★★★☆

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn