Vương Gia Vệ, đạo diễn bậc thầy của điện ảnh Hong Kong

Thứ Bảy, 01 Tháng Mười Hai 20186:00 SA(Xem: 5447)
Vương Gia Vệ, đạo diễn bậc thầy của điện ảnh Hong Kong

7958 Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Năm 1997, phim Xuân Quang Xạ Tiết đã đem về cho Vương Gia Vệ giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes

Điện ảnh Hong Kong, một thời được gọi là 'Hollywood phương Đông', tồn tại đã hơn một thế kỷ và là nơi xuất hiện nhiều nhà sản xuất phim tài giỏi.

Thế nhưng chỉ có một cái tên sáng chói trong danh sách bình chọn 100 bộ phim tiếng nước ngoài (các phim không sử dụng tiếng Anh) hay nhất của BBC Culture: Vương Gia Vệ.

100 phim tiếng nước ngoài hay nhất mọi thời đại

Bảy Samurai, bộ phim nước ngoài hay nhất mọi thời đại

Hong Kong, nơi Đông - Tây hội ngộ

Ba bộ phim của ông nằm trong danh sách này, gồm Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together, 1997), đứng vị trí 71, Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express, 1994), thứ 56, và Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love, 2000), thứ 9.

Tâm Trạng Khi Yêu cũng được bình chọn đứng thứ hai tròn danh sách 100 bộ phim hay nhất thế kỷ 21 của BBC Culture trong năm 2016.

Tổng số có 209 nhà bình luận phim từ 43 quốc gia đã đồng ý rằng dẫu cho điện ảnh Hong Kong vốn hay dài dòng, nhưng Vương là một, nếu không nói là người duy nhất, trong những đạo diễn Hong Kong thành công trong việc tạo ra những tác phẩm vượt ra ngoài giới hạn của ngôn ngữ và văn hóa.

Hong Kong từng là một nhân vật trung tâm trong nhiều phim của Vương. Nhưng điều khiến ông khác với các đạo diễn khác là ông nhìn thành phố bằng ống kính của người ngoài.

Nói chuyện với Laurent Tirad (nhà đạo diễn, viết kịch bản phim của Pháp) trong khóa đào tạo đạo diễn Moviemakers' Master Class: Private Lessions from the World's Foremost Directors (2002), ông tự mô tả rằng mình không phải là một đạo diễn, mà là "một khán giả đứng đằng sau ống kính".

Khác với các đạo diễn khác vốn để mình chìm đắm vào thành phố Hong Kong, như Đỗ Kỳ Phong (Johnnie To) và Châu Tinh Trì (Stephen Chow), việc giữ khoảng cách trong các phim của Vương cho phép ông tạo ra một thế giới điện ảnh mê hoặc, đầy bí ẩn.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Một cảnh trong phim Nhất Đại Tông Sư

Sinh năm 1958 tại Thượng Hải, Vương chuyển tới Hong Kong cùng cha mẹ khi được 5 tuổi. Không biết nói tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ được dùng ở Hong Kong, cậu bé Vương giao tiếp với mọi người còn khó chứ chưa nói tới chuyện kết bạn.

Hình tượng người điên trong phim ảnh

Kinh Thi trong đời sống và tư tưởng Trung Hoa

Vì sao giới nhà giàu TQ đổ tiền mua tranh Picasso?

Mẹ của cậu cũng vậy. Và thế là điện ảnh trở thành nơi trú ẩn cho hai mẹ con di dân này. "Đó là thứ mà ta có thể hiểu được tuy không biết người ta nói gì trong đó. Đó là một thứ ngôn ngữ phổ quát dựa trên hình ảnh," ông nói với Tirad.

Là một người đam mê phim ảnh, Vương thấy mình quả đã tới đúng chốn, đúng lúc.

Tân Trào của điện ảnh Hong Kong bắt đầu nổi lên từ 1979. Các đạo diễn trẻ chịu ảnh hưởng của phim ảnh phương Tây, như Hứa An Hoa (Ann Hui), Từ Khắc (Tsui Hark) và Đàm Gia Minh (Patrick Tam), bắt đầu làm những bộ phim khác biệt so với những sản phẩm phim trường chính thống khi đó của công ty Thiệu Thị Huynh Đệ (the Shaw Brothers) hay hãng phim Gia Hòa (Golden Harvest).

Hành trình trở thành đạo diễn điện ảnh của Vương khởi đầu từ thời điểm này.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hong Kong Polytechnic với chuyên ngành thiết kế graphic, anh đăng ký theo học chương trình đào tạo viết kịch bản của TVB, kênh truyền hình thương mại Hong Kong, vào năm 1981.

Một năm sau, anh bắt đầu viết kịch bản cho các phim, trong đó có Thắng Lợi Cuối Cùng (1987) do Đàm Gia Minh đạo diễn. Kịch bản phim này khiến anh được đề cử tranh giải thưởng điện ảnh Hong Kong Film Awards lần thứ bảy.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Đạo diễn Vương Gia Vệ đã tạo ra một thế giới điện ảnh bí ẩn với những tác phẩm như Tâm Trạng Khi Yêu

Vương đã vận dụng rất tốt cảm xúc tinh tế về hình ảnh mà anh từng thấm được hồi nhỏ khi rời khỏi kênh truyền hình này để đi làm phim riêng, vào thời điểm mà ngành công nghiệp phim ảnh địa phương đang ở thời hoàng kim.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Nam Kinh, thủ đô vĩ đại của Trung Quốc

Bắc Sơn Thành và cuộc chiến âm thanh Trung-Đài

Hai năm sau bộ phim Anh Hùng Bản Sắc (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm (John Woo), là bộ phim đã đưa dòng phim xã hội đen trở thành ăn khách, Vương ra mắt tác phẩm đầu tiên do ông làm đạo diễn, Vượng Giác Ca Môn (As Tears Go By, 1988), một bộ phim tinh tế nhưng cũng đầy chất xã hội đen Hong Kong, nói về hai tay giang hồ trẻ tuổi, do Lưu Đức Hoa (Andy Lau) và Trương Học Hữu (Jacky Cheung) thủ vai.

Vượng Giác Ca Môn đã đặt nền móng cho các tác phẩm về sau của Vương.

Thay vì để cốt truyện dẫn dắt, các bộ phim của Vương kể những câu chuyện thông qua hình ảnh và tâm trạng.

Ông đẩy phong cách này lên một bước cao hơn nữa trong A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild, 1990) - được đặt trong bối cảnh Hong Kong thời thập niên 1960.

Bộ phim quy tụ một dàn diễn viên lừng danh nhất thời đó, trong đó có Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung), một gã trai hoang đàng bị ám ảnh về quá khứ buồn, cùng những người tình trong phim, Trương Mạn Ngọc (Maggie Cheung) và Lưu Gia Linh (Carina Lau).

Hong Kong cho ra khoảng 200 phim mỗi năm trong thời kỳ đầu thập niên 1990. Thành công lớn của ngành điện ảnh khiến Vương có thể theo đuổi việc làm các phim ít tính thương mại hơn.

Bộ phim A Phi Chính Truyện quả là một thảm họa khi ra rạp ở Hong Kong, nhưng lại đem về cho Vương vị thế là một trong những người đi đầu thời đó.

Lướt đi trên sự thịnh vượng kinh tế của thập niên cuối cùng của thời thuộc địa, ông tìm được những cơ hội để khám phá và phát triển các tiếp cận độc đáo của mình trong việc sản xuất phim.

Với sự hỗ trợ của nhà quay phim Christopher Doyle và đạo diễn nghệ thuật Trương Thúc Bình (William Chang), Vương đã phát triển một thứ ngôn ngữ và thẩm mỹ điện ảnh bằng hình ảnh vô cùng độc đáo.

Trong các phim của Vương, hình ảnh luôn xuất hiện đầu tiên; thậm chí lời thoại và lời dẫn đứt đoạn cũng chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc nhanh chóng.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption A Phi Chính Truyện (1990) với Trương Quốc Vinh thủ vai chính nói về một kẻ hoang đàng có quá khứ buồn ở Hong Kong thời thập niên 1960

Vương thú nhận với Tirad rằng việc đi khảo sát địa điểm quay luôn được thực hiện trước khi viết kịch bản, và ông khám phá ý tưởng về không gian - không gian cảm xúc lẫn không gian thực tế - trong các bộ phim của mình.

Trùng Khánh Sâm Lâm vẽ ra những khoảng không song song những cuộc phiêu lưu lãng mạn, kỳ quặc của hai cảnh sát cô đơn ở Hong Kong.

Được đánh giá rộng rãi là một lời mời nhẹ nhàng làm ấm lòng người, bộ phim khám phá những chủ đề phức tạp về danh tính và sự lo lắng bồn chồn khi Hong Kong đối diện với việc được trao trả từ tay Anh quốc cho Trung Quốc.

Buenos Aires là một giai đoạn ở nước ngoài độc đáo cho Xuân Quang Xạ Tiết, bộ phim về một chuyện tình đồng tính bị mắc kẹt trong khoảng không cảm xúc ngột ngạt của những lần chia tay rồi hàn gắn lặp đi lặp lại.

Cho dù các câu chuyện có được đặt trong bối cảnh thời thập niên 1960 hay không, là một thành phố hiện đại với những tòa nhà chọc trời, hay trong những thời kỳ lịch sử, thì các phim của Vương vẫn đều thể hiện những chủ đề phổ quát. Người xem không cần phải có những kiến thức sâu sắc về văn hóa, lịch sử Hong Kong và lịch sử Trung Quốc cũng có thể hiểu được.

Điều này đặc biệt đúng trong phim Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time, 1994). Là một tác phẩm được các nhà bình luận ưa thích, bộ phim là một sản phẩm tốn kém, phải mất hai năm mới hoàn thành.

Thuộc dòng phim kiếm hiệp kinh điển, bộ phim nói về những sự nhớ, quên, một chủ đề mà người xem dễ dàng hiểu được, bất kể có nền tảng văn hóa ra sao.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Trùng Khánh Sâm Lâm nói về những phiêu lưu tình cảm của hai cảnh sát cô đơn ở Hong Kong

Đến giữa thập niên 1990, Vương đã tạo được danh tiếng bản thân là một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất khu vực, với Trùng Khánh Sâm Lâm đem về cho ông toàn bộ các giải thưởng vẻ vang nhất trong Giải Điện ảnh Hong Kong 1995.

Điện ảnh vẫn là một ngành kinh doanh phát đạt và béo bở của thành phố, nhưng Vương dường như muốn vươn ra xa hơn.

Trong lúc Ngô Vũ Sâm bắt đầu sự nghiệp làm phim hành động tại Hollywood thì Vương giành được giải Fipresci tại Liên hoan Phim Quốc tế Stockholm với Trùng Khánh Sâm Lâm.

Phim này cũng được Quentin Tarantino khen ngợi hết lời, và được cho là đã thúc đẩy để bộ phim được phát hành ở nước ngoài. Ghi được danh trên diễn đàn quốc tế này thì việc tiến đến Hollywood không phải là con đường duy nhất.

Xuân Quang Xạ Tiết công chiếu ngay trước khi thời gian Anh cai quản Hong Kong kết thúc và thành phố trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới.

Bộ phim đóng dấu vĩnh viễn vị thế ngôi sao của Vương, đem lại cho ông danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes, cũng là người Hoa đầu tiên nhận được trao giải này.

Những năm đầu tiên sau thời kỳ chuyển giao Hong Kong về tay Trung Quốc, ngành điện ảnh nơi đây vẫn phát đạt bởi thành phố cũng không có mấy thay đổi sau đó. Năm 2000, phim Tâm Trạng Khi Yêu công chiếu, là bộ phim tình cảm lãng mạn xảy ra trong bối cảnh Hong Kong thời những năm 1960, và được công nhận rộng rãi là tác phẩm đặc sắc nhất của Vương.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Năm 1997, phim Xuân Quang Xạ Tiết đã đem về cho Vương Gia Vệ giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes

Trong Tâm Trạng Khi Yêu, với bối cảnh kết thúc phim là năm 1966, một khoảnh khắc rơi lệ đánh dấu sự mở đầu của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và một năm trước khi nổ ra các cuộc bạo loạn Hong Kong.

Cảnh cuối cùng trong phim là nhân vật của Lương Triều Vĩ thì thầm những bí mật của mình vào hốc cây, nhớ về những năm đã biến mất. Nó đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bình minh của một tương lai chưa rõ sẽ ra sao, quả là đúng trong phim, và cũng đúng như sự nghiệp làm phim của Vương và số phận của Hong Kong.

"Trong thời gian 10 năm, ranh giới giữa các nhà làm phim Hong Kong và các nhà làm phim Trung Quốc sẽ trở nên rất mong manh," Vương nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn hồi 2006.

Lời dự đoán của ông quả đã thành sự thực. Kỷ nguyên hậu trao trả Hong Kong là giai đoạn chứng kiến sự thay đổi đột ngột của ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong giữa lúc thị trường Đại Lục có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, nơi trở thành mỏ vàng cho nhiều nhà làm phim.

Vương đã đi trước các đồng nghiệp. Xưởng Phim Bắc Kinh là một trong các công ty đã sản xuất phim Đông Tà Tây Độc. Câu chuyện lãng mạn mang xu hướng vị lai 2046 (2004), một tiếp nối lỏng lẻo của Tâm Trạng Khi Yêu, là sản phẩm có sự tham dự của Tập đoàn Điện ảnh Thượng Hải.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Vương Gia Vệ ngồi trước tấm poster bộ phim tiếng Anh đầu tiên của ông, My Bluebery Nights tại Thượng Hải, 12/2007

Và vượt ra bên ngoài Trung Hoa lục địa, Vương tiến vào điện ảnh phương Tây, sản xuất phim The Hand, một phần của phim gồm ba phần, Eros, ra hồi 2004, bên cạnh Michelangelo Antonioni và Steven Soderbergh, và làm bộ phim tiếng Anh đầu tiên của mình, My Blueberry Nights (2007), với sự tham gia diễn xuất của Norah Jones, Jude Law và Natalie Portman.

"Anh học được nhiều bài học, và điều quan trọng là phải tìm cho ra khán giả của mình thay vì cho rằng mình đã có sẵn," Vương nói với tôi. Ông tìm thấy khán giả của ông với Nhất Đại Tông Sư (The Grandmasters, 2013), nói về sư phụ của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) là Diệp Vấn (Ip Man), một biểu tượng của thế giới võ thuật Trung Hoa.

Phim với vai chính do Lương Triều Vĩ và Chương Tử Di (Zhang Ziyi) đảm nhận mất gần một thập niên mới hoàn thành, và trở thành tác phẩm thành công nhất về mặt thương mại của Vương tính đến nay.

Đó là một thiên hùng ca, có sức hấp dẫn với mọi cộng đồng nói tiếng Hoa trên toàn thế giới.

Một số nhà làm phim Hong Kong đã bị chỉ trích là làm mờ nhạt tính cách địa phương để tạo sức hấp dẫn với đại lục. Nhưng Vương là một trong số ít những người đã trở nên nổi tiếng mà chưa bao giờ phải tìm cách lấy lòng một nhóm khán giả nào.

"Bạn không sống cho mọi người mà sống cho chính mình," ông nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn