Liệu Facebook có đến ngày cáo chung?

Thứ Bảy, 15 Tháng Chín 20182:00 SA(Xem: 5699)
Liệu Facebook có đến ngày cáo chung?
bbc.com
Bryan Lufkin BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hồi 2004, khi đang là sinh viên năm nhất tại Đại học Indiana, lần đầu tiên tôi nghe thấy một trang web mới dành cho những người trong độ tuổi của tôi.

Lúc đó tôi đang chat với một số người bạn trên AOL Instant Messenger trong căn phòng ký túc xá đầu học kỳ mới.


"Cậu có nghe nói đến Facebook bao giờ chưa?" một vài người bạn của tôi hỏi. "Cậu nên vào đăng ký. Đó là trang web mới dành cho sinh viên đại học."

Cơn khủng hoảng của Facebook

Chuyển nhanh đến tháng 4/2018: Mark Zuckerberg, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Facebook, ngồi trước Quốc hội Mỹ, cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng mạng xã hội của ông, lúc đầu ra đời như là một cách để cho sinh viên liên lạc với nhau, không đặt ra mối đe dọa nào đối với sự ổn định của nền dân chủ phương Tây và không hề chểnh mảng trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tại phiên điều trần, Zuckerberg thừa nhận rằng công ty của ông đã chưa hành động đủ mức để ngăn chặn việc các dịch vụ của Facebook bị dùng để loan tin thất thiệt, để nước ngoài can thiệp vào bầu cử trong nước và rò rỉ dữ liệu.

Hồi tháng Ba, mọi việc vỡ lở, theo đó cho thấy công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ hàng triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ.

Vụ tai tiếng đã làm chao đảo Facebook đến tận gốc rễ, buộc người sáng lập phải xem xét lại cách hoạt động của mạng xã hội này.


Trong chuyến đi xin lỗi mới nhất, Zuckerberg đã phải đối mặt với Nghị viện châu Âu, đối diện với những câu hỏi chất vấn còn nghiêm khắc hơn vào lúc mà châu Âu đang sắp sửa đưa ra những đạo luật mới để giúp họ có một trong những quy định về bảo mật thông tin khắt khe nhất thế giới: Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR).

Đó là một sự thật khác xa những gì mà tôi và bạn bè đại học của tôi đã sử dụng Facebook 14 năm trước: gửi lời mời xin kết bạn từ lớp học toán, hay nhấp vào những tấm ảnh của buổi tiệc giữa các chiến hữu hồi thứ Sáu tuần trước.

Là một trong số vài ngàn người dùng Facebook đầu tiên, tôi cảm thấy sự phát triển và chức năng xã hội của Facebook vừa hay, lại vừa khiến ta khó chịu.

Ra đời đúng thời điểm

Làm cách nào mà một cuốn danh bạ ở trường học đã phát triển trở thành tồn tại lâu đến mức như vậy?

Tại sao nó nhân rộng trong khi những đối thủ như MySpace thất bại?

Tại sao có quá nhiều người dùng vẫn tiếp tục dùng nó bất chấp những thay đổi giao diện và những vụ tai tiếng liên tục?

Câu hỏi lớn nhất cứ gặm nhấm trong đầu tôi là liệu Facebook có dừng hoạt động trong tương lai hay không. Ngày càng có vẻ như là câu trả lời là không.

Phần lớn sự phát triển và thành công của Facebook là nhờ vào việc nó ra đời đúng lúc, đúng chỗ.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Friendster đã thất bại vì một lý do đơn giản: ra đời sai thời điểm," Bernie Hogan, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Internet Oxford, nói.

"Không chỉ là về sự sẵn sàng của người dùng trong việc tham gia vào một mạng kết nối xã hội, mà còn là về những vấn đề cơ bản."

Đơn giản là dạng công nghệ cho phép Facebook hoạt động ngày nay thì chưa hề tồn tại vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

Nhưng cho đến năm 2004, tốc độ Internet đã tăng nhanh và việc mã hóa, vốn là cơ sở tạo ra các trang web, đã trở nên tinh vi hơn.

Những giới hạn về mặt kỹ thuật của những mạng xã hội ban đầu như Friendster và Friends Reunited đã không còn nữa cho sự xuất hiện của Facebook.

Tuy nhiên, bất chấp những hàng rào kỹ thuật, những mạng xã hội kia đã dọn đường cho Facebook vào lúc mà mọi người vẫn còn một chút cảnh giác với việc đưa quá nhiều thông của mình lên trên mạng.

Vào những năm 1990, người dùng Internet đã được cảnh báo thậm chí là không nên đưa tên mình lên mạng, nhưng bây giờ những từ vựng như 'oversharing' (chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân) và 'selfie' (chụp ảnh tự sướng) đã trở nên thông dụng đến nỗi chúng được đưa vào Từ điển Tiếng Anh Oxford.

"Chúng giúp cho xã hội quen với việc trở nên thoải mái với mạng xã hội," Tim Hwang nói về các mạng xã hội Friendster và MySpace. Ông là giám đốc đạo đức và quản trị của Sáng kiến Trí tuệ Nhân tạo của Future Society.

"Phải mất vài lần thử thì người dùng mới nói được: 'Ồ, tôi đã hiểu sản phẩm này dùng để làm gì'."

Nhờ vào điện thoại thông minh

Khi đến giữa thời thập niên 2000, Facebook đã tuyển dụng được rất nhiều những kỹ sư tài năng từ Thung lũng Silicon, và việc này giúp họ xây dựng được dạng cơ sở hạ tầng của trang mạng có khả năng mở rộng quy mô với số lượng người dùng tăng theo cấp số nhân.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trang cập nhật của bạn không tự quản lý và điều chỉnh nội dung mà là nhờ vào việc các kỹ sư sử dụng thuật toán để chọn những thông tin có giá trị nhất từ những tin tức cập nhật của bạn bè của bạn.

Tuy nhiên Hwang cũng chỉ ra một nhân tố ăn may khác giúp cho Facebook vươn ra toàn cầu: điện thoại di động.

Ở nhiều nước phát triển, người dân chỉ có những chiếc điện thoại rẻ tiền để vào Internet. Thật ra, rất nhiều những người này nghĩ rằng Facebook chính là Internet.

"Chúng ta không thể xem nhẹ sức mạnh của công nghệ di động," Hwang nói.

Nó đã giúp cho các mạng xã hội lan tỏa hơn rất, rất nhiều. Bạn sẽ có mạng xã hội vào bất kỳ lúc nào trong túi của bạn vốn khiến nó trở thành một công cụ mạnh mẽ để theo dõi tin tức và trò chuyện vốn đã từng diễn ra chậm chạp trong kỷ nguyên chỉ có chiếc máy tính để bàn.

Khi sự thông dụng của Facebook lan rộng, thì những dự báo về 'sự đảo chiều' sắp xảy ra của mạng xã hội này cũng lan rộng.

Một nghiên cứu của Đại học Princeton vào năm 2014 dự đoán rằng Facebook có thể sẽ mất đến 80% số người dùng mà nó có vào thời cao điểm, từ 2015 cho đến 2017.

Lời tiên đoán này được đưa ra rất lâu trước khi vụ tai tiếng Cambridge Analytica đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho danh tiếng của công ty.

Vậy thì, bằng cách nào mà Facebook đã có thể sống sót từ hết cú sốc này đến cú sốc khác như thế?

Đánh vào nhu cầu con người

Đối với những người mới bắt đầu, Facebook đã trở nên ăn sâu và gắn chặt với môi trường kỹ thuật số của thế kỷ 21 đến nỗi khó mà tháo nó ra.

Giáo sư Hogan ở Đại học Oxford chỉ ra một khái niệm mà ông gọi là 'hoạt động thay thế cho nhau'. Đó là khi mà tài khoản đăng nhập vào Facebook được yêu cầu để sử dụng hay vận hành những dịch vụ trực tuyến khác.

"Như ngày nay tôi đi mua vé xem ca nhạc," Hogan giải thích. "Tôi phải đăng nhập vào Facebook. Tôi không dùng Facebook, nhưng tôi phải có tài khoản đăng nhập sẵn sàng. Facebook đã trở thành công cụ xác định danh tính trực tuyến trên thực tế."

Facebook cũng đánh vào những nhu cầu cơ bản của con người, theo các nhà tâm lý học.

Thậm chí đã có những phong trào trên mạng xã hội kêu gọi xóa bỏ Facebook, như #DeleteFacebook (Hãy xóa Facebook), hay có những quan ngại rộng lớn về quyền riêng tư, thế nhưng mọi người đều không thể từ bỏ.

"Hầu như ai cũng quay lại," Catalina Toma, phó giáo sư về khoa học giao tiếp tại Đại học Wisconsin, nói. "Các mạng xã hội đánh vào những gì định hình con người: chúng ta muốn kết nối với những người khác."

Tuy nhiên, có những lợi ích vượt lên trên cả việc giữ kết nối giữa mọi người với nhau.

"Rất nhiều nghiên cứu cho thấy con người càng sử dụng Facebook nhiều chừng nào, họ càng có nhiều vốn xã hội chừng đó - nhờ vào những tài nguyên mà chúng ta có được từ việc kết nối với người khác," Toma giải thích. "Có sự ủng hộ tình cảm, xin lời khuyên, hỏi ý kiến tư vấn."

Tất cả những điều này khiến cho người ta quay lại Facebook để tận dụng nó nhiều hơn, bất chấp một loạt những hành động xâm phạm mà Toma gọi là 'cái nhìn khao khát'. Đó là sự dò xét xăm soi vào cuộc sống của những người khác vốn đều có vẻ thành công hơn bạn.

"Họ cảm thấy tệ hại hơn, nhưng họ không thể dừng lại," Tomas nói.

Không gì có thể ngăn cản

Đối với nhiều người sử dụng Facebook thì họ thấy nó đem lại nhiều điều có lợi hơn là có hại: tìm kiếm những người bạn đã mất liên lạc từ lâu, có những dẫn dắt để đi đến một công việc, mở rộng việc làm ăn. Họ có thể đối phó được với 'cái nhìn khao khát'.

Ngay cả khi đối mặt với các tít báo đang làm thành vụ tai tiếng trên khắp thế giới, cộng đồng người dùng Facebook cũng chẳng tìm tòi nhiều như là bạn nghĩ, nhất là sau một năm báo chí đầy tệ hại.

Hogan đã chỉ ra bản chất đối chọi trong mối quan hệ giữa Facebook và dữ liệu của bạn. Miễn là chúng ta có kết nối với mạng Internet từ những chiếc điện thoại thông minh trong lòng bàn tay, những định chế đã được thể chế hóa như Facebook chắc chắn sẽ còn tác động đến cuộc sống của chúng ta.

"Các công ty mạng xã hội tìm cách lợi dụng sự quan tâm của công chúng để thu lợi nhuận," Hogan cho biết. "Thậm chí điều này không hề mơ hồ. Đó chính là những gì mà Zuckerberg đã trả lời trước Quốc hội Mỹ: 'Quý vị lấy tiền ở đâu?' 'Chúng tôi kiếm tiền từ các quảng cáo'."

Nhưng thậm chí sau thảm họa Cambridge Analytica - khi mà Zuckerberg cuối cùng cũng đưa ra lời xin lỗi đối với 87 triệu người dùng Facebook có dữ liệu cá nhân bị chia sẻ một cách không phù hợp - thì vẫn không có gì có thể ngăn cản sức mạnh của mạng xã hội.

"Việc kinh doanh của Facebook vẫn sẽ tiếp tục gia tăng," Scott Galloway, giáo sư về tiếp thị tại Đại học New York vốn là tác giả của cuốn sách 'The Big Four' - tác phẩm về làm thế nào mà chỉ vài công ty công nghệ lại có quyền lực đến như vậy, nói.

"Người dùng nói thì to tiếng đấy, nhưng đâu là nơi đầu tiên họ tìm đến để bày tỏ sự phẫn nộ? Chính là Facebook và Instagram. Và với hai tỷ người dùng hàng tháng, các nhà quảng cáo không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải lên Facebook."

Có thể đảo chiều?

Tuy nhiên, khuynh hướng này có thể đảo chiều vì tiền dùng cho quảng cáo đi theo những người trẻ vốn sẽ từ bỏ mạng xã hội.

Một dự đoán nữa về sự thoái trào của Facebook cũng thường được trích dẫn là sự từ bỏ ồ ạt của những người từ 22 tuổi trở xuống. Họ thích gửi những tin nhắn tạm thời vốn sẽ được tự đóng xóa khỏi những diễn đàn như Snapchat, và không đăng tất cả mọi thứ cho mọi người nhìn thấy trên Facebook, nơi mà các bậc phụ huynh của họ đang chơi.

Công ty nghiên cứu eMarketer hồi tháng Hai dự báo rằng số lượng người dùng trẻ trên Facebook đang giảm nhanh chóng: 2,8 triệu người Mỹ dưới 25 tuổi đã rời bỏ mạng xã hội này hồi năm ngoái, với thậm chí sẽ còn nhiều người hơn nữa được dự đoán sẽ ra đi trong năm 2018.

Tuy nhiên, với những người lớn tuổi hơn thì tình hình vẫn còn rất ổn định - thậm chí với những người cao tuổi.

Tương lai thật sự của mạng xã hội này suy cho cùng phụ thuộc vào việc các chính phủ trên thế giới sẽ quyết định có hành động gì, nếu có, trước ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Facebook.

"Tôi nghĩ câu hỏi ở đây không phải là điều gì sẽ giết chết Facebook," ông Sherry Turkle, giáo sư nghiên cứu xã hội về khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói, "mà vấn đề là, điều gì sẽ giúp mọi người sử dụng Facebook đúng cách."

Giờ đây chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với những nguy cơ về rò rỉ thông tin và tin thất thiệt.

"Và do đó, đang có một phong trào của người dùng yêu cầu những chuẩn mực thích hợp hơn cho Facebook."

"Mọi người yêu cầu cần phải kiểm soát cách Facebook sử dụng thông tin của họ và họ chỉ đưa lên Facebook những gì mà họ sẵn sàng chia sẻ."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn