Vương Kỳ Sơn “mất tích” trong cuộc chiến thương mại

Thứ Tư, 05 Tháng Chín 20187:00 SA(Xem: 6409)
Vương Kỳ Sơn “mất tích” trong cuộc chiến thương mại

Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn được cho là “cánh tay phải” của lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình, được mệnh danh là “Đội trưởng cứu hỏa”, thế nhưng dường như Vương hoàn toàn mất tích trong các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Nguyên nhân vì đâu?

vương Kỳ Sơn
Theo truyền thông Hồng Kông, có thể ông Vương Kỳ Sơn chỉ phụ trách về các vấn đề trong nước (Ảnh: Getty Images)

Tình hình không như dự đoán của giới quan sát

Vài tháng trước khi xung đột thương mại Trung – Mỹ không ngừng leo thang, đã có nhiều thông tin cho rằng Vương Kỳ Sơn sẽ đến Mỹ đàm phán.

Ngày 13/5, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đã nói về thông tin mà giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ cử ông Vương Kỳ Sơn sẽ đến Mỹ vào cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy. Ngày 20/5, Reuters Mỹ cũng đưa tin, ông Vương Kỳ Sơn sẽ đến thăm Mỹ vào giữa năm nay và ký một gói thỏa thuận với Mỹ.

Ngày 21/6, Bloomberg Mỹ đưa tin, các quan chức của Ủy ban Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng dự định mời Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đến thăm Mỹ….

Nhưng cuối cùng nhiều lần đàm phán thương mại sau đó chủ yếu do Phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách, đặc biệt gần đây nhân vật phía Trung Quốc đến thăm Mỹ để khởi động lại đàm phán thương mại chỉ là quan chức Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn. Trong vai trò Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Vương Thụ Văn cũng là Phó Đại diện đàm phán thương mại, là người dẫn đầu phái đoàn đến thăm Mỹ vào cuối tháng Tám để làm việc với Thứ trưởng Tài chính Mỹ Malpas dẫn đầu phái đoàn tham vấn của Mỹ.

Chia sẻ với Đài Á châu Tự do (RFA), ông Tăng Phục Sinh (Tzeng Fuh-Wen) cố vấn Quỹ Nghiên cứu Chính sách quốc gia Đài Loan cho biết, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã leo thang đến cấp độ chính trị, hai nhà lãnh đạo và các nhân vật chính trị cấp cao hai nước đang đối mặt với áp lực và rủi ro chính trị. Vì vậy, trước khi chưa thể nắm chắc chắn thì họ sẽ án binh bất động, vì như thế mới có thể hy vọng tự bảo vệ được mình.

Ngày 16/8,  Wall Street Journal (WSJ) Mỹ trích nguồn tin cho biết, thương thảo về vấn đề kinh tế Trung – Mỹ lần này chỉ mang tính thăm dò, nếu tình thế không thuận lợi, thì hai bên có thể giữ được thể diện. Cùng ngày Bloomberg Mỹ có phân tích cho biết các nhà kinh tế không có nhiều kỳ vọng trong cuộc đối thoại lần này.

Vương Kỳ Sơn đã từng bác bỏ thông tin tham gia vào đàm phán trong cuộc chiến thương mại

Ngày 23/8, SCMP Hồng Kông đưa tin, theo một học giả trong ngành truyền thông gần đây trò chuyện với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tiết lộ, Vương Kỳ Sơn không tham gia vào đàm phán thương mại Trung – Mỹ như nhiều nhà quan sát đã dự đoán. Thông tin cho biết, mặc dù ông Vương Kỳ Sơn am hiểu về thương mại và mối quan hệ Trung – Mỹ, có quan hệ rộng trong giới chính trị Mỹ, nhưng trong một cuộc họp riêng vào tháng trước, ông Vương đã cố gắng xua tan suy đoán về vấn đề được ông Tập Cận Bình bổ nhiệm phụ trách các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến thương mại đang leo thang.

“Gần đây tôi đã nói chuyện với ông ấy, xem chừng trạng thái ông ấy rất ổn”, nguồn tin cho biết. Nhưng khi nói về cuộc chiến thương mại, ông ấy (Vương Kỳ Sơn) nói rằng bản thân chỉ làm việc như một phó chủ tịch nước.

Nguồn tin còn cho biết, trong kế hoạch toàn cầu của ông Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước, có vẻ như ưu tiên phụ trách giúp Chủ tịch nước các vấn đề trong nước. Cách dùng Vương Kỳ Sơn của Tập Cận Bình thiên về nhiệm vụ giúp Tập gia cố quyền lực.

Còn tờ Epoch Times chia sẻ quan điểm của ông Robert Sutter, giáo sư Đại học George Washington: “Vương Kỳ Sơn đến Washington là rất nguy hiểm, bởi vì chuyện này (đàm phán Trung – Mỹ) có thể là một thất bại lớn.” “Có thể ông ta biết điều này. Bây giờ chưa phải lúc.”

Tuy nhiên về vấn đề này, trước đó (ngày 31/7) WSJ đã dẫn nguồn tin chỉ ra, hồi tháng Năm, khi ông Vương Kỳ Sơn gặp quan chức thương mại của Mỹ cũng đã phủ nhận bản thân là “người phụ trách quan hệ Trung – Mỹ”. Vương đã chia sẻ rằng công việc của bản thân là phó chủ tịch nước, mọi việc chỉ làm theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình.

Hiện tại, người phụ trách mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ là một thân tín khác của Tập Cận Bình: Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Ngoài việc dẫn đầu các cuộc đàm phán với Mỹ, ông Lưu Hạc cũng chịu trách nhiệm đối thoại kinh tế với Liên minh châu Âu (EU).

Tập không muốn bạn liên lụy hay Vương khôn ngoan né tránh?

Kể từ tháng Ba năm nay, xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng leo thang, những diễn biến cuộc chiến hoàn toàn trái ngược với những ngôn từ tuyên truyền kiểu dân túy (mị dân) của truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó khi kích thích quá đà lòng tự hào dân tộc, hệ quả là sau đó kiểu tuyên truyền này đã bị quy trách nhiệm là nguyên nhân gây ra cuộc chiến thương mại leo thang như hiện nay.

Trước khi khai màn cuộc chiến thương mại, trên truyền thông Đài Loan từng có bài xã luận trích dẫn lời “người trong cuộc” của ĐCSTQ chỉ ra, những người phái thực dụng như Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Uông Dương hiểu rõ tiềm lực có hạn của Trung Quốc nên không muốn tham chiến. Nhưng phái bảo thủ mà đại diện là các quan to làm công tác Đảng cổ xúy mạnh mẽ tình cảm chủ nghĩa dân tộc, cổ vũ gây chiến tranh thương mại với Mỹ.

Cuộc chiến tranh thuế quan Trung – Mỹ bắt đầu ngày 06/7, cùng ngày xuất hiện động thái hiếm thấy khi một số quan chức Trung Quốc giấu tên chia sẻ trên truyền thông Hồng Kông về cuộc chiến thương mại. Họ đồng loạt đổ trách nhiệm cuộc chiến thương mại vào bộ máy truyền thông của Đảng, cho rằng lãnh đạo hệ thống này đã diễn giải sai lầm quan điểm của “Tập hạt nhân” dẫn đến chỉ đạo công tác tuyên truyền sai lầm.

Ngày 09/8, Reuters Mỹ dẫn nguồn tin cho biết, với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ leo thang đã làm làm cho nội bộ ĐCSTQ chia rẽ, các mũi nhọn của những lời chỉ trích trong nội bộ Đảng nhắm vào trợ lý tư tưởng của Tập Cận Bình là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tuyên truyền ý thức hệ Vương Hộ Ninh. Theo nguồn tin, ông Vương Hộ Ninh đã bị ông Tập Cận Bình phê bình nặng nề vì chỉ đạo nhào nặn quá đáng hình ảnh chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc làm cho người Mỹ tức giận. Nhiều nguồn tin chỉ ra Vương Hộ Ninh đang gặp rắc rối vì phải chịu trách nhiệm về kiểu chỉ đạo tuyên truyền khoa trương quá đà này.

Đối với việc ông Vương Kỳ Sơn không “tham chiến”, nhiều phân tích cho rằng vì cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đối với Trung Nam Hải là khá nhạy cảm, không ai muốn gánh vác.

Ngày 07/8, Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây cho biết, dường như Bắc Kinh không muốn ông Vương Kỳ Sơn tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại này. Vì ông Vương Kỳ Sơn là bạn rất thân thiết của Tập Cận Bình, nếu ông ta phạm sai lầm trong các cuộc đàm phán thương mại sẽ chẳng khác nào là sai lầm của chính cá nhân ông Tập Cận Bình.

Về vấn đề này, truyền thông Hồng Kông đặt câu hỏi rằng điều này phải chăng do bản thân ông Vương Kỳ Sơn cũng không muốn bị liên lụy vì cuộc chiến thương mại? Dường như cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ là “vùng nguy hiểm” mà nhiều quan chức không muốn lao vào.

Trả lời tờ Vision Times, “Thái tử Đảng” La Vũ sống lưu vong tại Mỹ cho biết: việc không tham gia vào cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, “điều này cho thấy ông Vương Kỳ Sơn rất thông minh, ông ta nhận thức rõ rằng đây là một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể chiến thắng.”

Ông La Vũ cho rằng ông Vương Kỳ Sơn hiểu rõ nếu hệ thống chính trị của Trung Quốc không thay đổi thì không có cách nào đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại này, nhưng ông ấy không dám đề cập đến vấn đề này. La Vũ nói: “Sở dĩ ông ta không tham gia là vì phí công vô ích, ông ta biết Trung Quốc quá yếu thế trong cuộc chiến này, không đủ sức ‘ăn miếng trả miếng’”.

Huệ Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn