Vì sao mọi người dễ trở nên cay nghiệt khi online?

Chủ Nhật, 19 Tháng Tám 20185:00 CH(Xem: 5282)
Vì sao mọi người dễ trở nên cay nghiệt khi online?
bbc.com
Gaia Vince BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Một buổi tối tháng 2/2018, Giáo sư Mary Beard đăng lên Twitter bức ảnh bà đang khóc.

Là người nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề cổ điển, làm việc tại Đại học Cambridge và có 200.000 người theo dõi trên Twitter, bà thấy hơi bối rối: sau khi đưa ra một bình luận về Haiti, bà nhận được một cơn bão bình luận cay nghiệt.


Bà viết trên Twitter: "Tôi nói từ tận đáy lòng (và dĩ nhiên, tôi có thể đã sai). Nhưng những phản hồi tồi tệ mà tôi nhận được là không thể chấp nhận được, thực sự không thể chấp nhận được."

Trong nhiều ngày tiếp theo, giáo sư Beard nhận được nhiều ủng hộ từ những người nổi tiếng - dù không phải ai trong số họ cũng đồng tình với nội dung ban đầu bà đăng trên Twitter.

Bản thân họ cũng từng bị tấn công.

Rồi khi một trong những người chỉ trích Beard, một đồng nghiệp nghiên cứu tại trường Cambridge tên là Priyamavada Gopal và là một phụ nữ gốc Á, thể hiện phản ứng với thông điệp ban đầu bà Beard đăng trên Twitter bằng một bài báo trên mạng, thì nữ tác giả này cũng nhận được hàng loạt những lời công kích.

Phụ nữ và người thiểu số dễ trở thành nạn nhân

Phụ nữ và những người thuộc cộng đồng thiểu số là nhóm bị nhắm tới trong những cuộc tấn công trên Twitter, trong đó có cả dọa giết và đe dọa tấn công tình dục.

Nơi nào có nhiều giá trị danh tính giao thoa thì sự bắt nạt và tấn công có thể trở nên đặc biệt dữ dội - theo kinh nghiệm của một nữ dân biểu da đen ở Anh, bà Diane Abbott.

Chỉ riêng mình bà đã nhận gần một nửa số lượng những lời ác ý tấn công trên Twitter nhắm tới nữ dân biểu khi chạy đua tranh cử trong kỳ tổng tuyển cử 2017 ở Anh Quốc.

Các nữ dân biểu là người da đen và gốc Á nhận được nhiều hơn 35% số lời tấn công trên Twitter so với các nữ dân biểu da trắng, ngay cả khi ta trừ trường hợp bà Abbott ra ngoài tổng con số trên.

Những tấn công trên mạng chớp nhoáng khiến người ta phải im lặng, đẩy họ khỏi không gian mạng và xa hơn nữa là làm giảm đi số lượng tiếng nói và ý kiến đa dạng từ nhiều phía.

Hành vi này không hề có dấu hiệu suy giảm.

Một khảo sát năm ngoài cho thấy 40% người trưởng thành ở Hoa Kỳ từng bị tấn công trên mạng, trong đó gần phân nửa nhận được những kiểu quấy rối nghiêm trọng như dọa đánh và rình mò. 70% phụ nữ coi quấy rối trên mạng là "vấn đề lớn".

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bà Diane Abbott (phải) đã phải hứng chịu hơn một nửa những lời tấn công trên Twitter nhắm tới các nữ dân biểu trong kỳ tổng tuyển cử ở Anh Quốc năm 2017

Internet đem lại cơ hội chưa từng có để con người chúng ta có thể hợp tác, liên lạc với nhau. Nhưng thay vì đón nhận sự mở rộng vô cùng lớn của mối quan hệ xã hội, con người dường như đang quay về kiểu chủ nghĩa bộ lạc và xung đột.

Dù đa số con người chúng ta có phản ứng lịch sự và tôn trọng với người lạ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng với thế giới trên mạng ta lại trở nên rất tồi tệ.

Liệu có cách nào để ta có thể học lại sự hòa hợp khiến ta tìm được tiếng nói chung và cùng phát triển với đồng loại?

Trò chơi quan hệ con người

"Đừng nghĩ nhiều quá, chỉ cần nhấn nút thôi!"

Tôi nhấn nút và nhanh chóng chuyển qua câu hỏi kế tiếp. Tất cả chúng ta đều chạy đua với thời gian. Đồng đội của tôi ở xa và tôi không biết là ai, vì thế tôi không biết liệu tất cả chúng tôi có đang hợp tác với nhau không hay tôi đang bị coi là một gã ngốc. Nhưng tôi biết rằng có những người khác đang phụ thuộc vào tôi.

Đây là trò chơi món hàng chung tại Phòng thí nghiệp về Hợp tác Con người của Đại học Yale, nơi các nhà nghiên cứu sử dụng một công cụ để hiểu vì sao và bằng cách nào mà con người hợp tác với nhau.

Qua nhiều năm, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều thuyết khác nhau nhằm lý giải vì sao con người lại hợp tác với nhau ở mức đủ chặt chẽ để tạo ra xã hội mạnh mẽ.

Giờ đây, người ta tin rằng nguồn gốc tiến hóa của lòng tử tế có thể bắt nguồn từ trải nghiệm sinh tồn cao cấp của con người, khi ta hợp tác thành nhóm.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Con người phát triển khả năng sinh tồn khi làm việc chung với nhau

Trong trò chơi này, tôi được ghép nhóm với bốn người ở các địa điểm khác nhau. Mỗi người trong nhóm được trao một số tiền bằng nhau. Chúng tôi được yêu cầu chọn cách sẽ đóng góp vào một hộp tiền chung của nhóm, và rằng số tiền trong hộp sẽ được nhân đôi rồi chia đều cho từng người.


Giống như nhiều cách hợp tác khác, điều này dựa trên niềm tin nhất định rằng mọi người trong nhóm sẽ đều là người tử tế.

Nếu mỗi người trong nhóm đều góp tất cả số tiền họ có, thì toàn bộ tiền sẽ được nhân đôi và chia lại cho bốn người, thế là ai cũng được nhận số tiền cao gấp đôi so với ban đầu. Mọi người đều có lợi!

"Nhưng nếu bạn nghĩ từ góc độ của từng cá nhân," giám đốc phòng thí nghiệm David Rand nói, "thì với mỗi đô la mà bạn đóng góp, nhân đôi sẽ thành hai đô la và sau đó chia làm bốn - nghĩa là từ mỗi một đô la mà bạn bỏ ra, bạn sẽ chỉ nhận lại được 50 cent mà thôi."

Nói cách khác, mặc dù nói chung mọi người sẽ được nhiều hơn khi đóng góp vào một dự án nhóm mà không ai quản lý riêng lẻ (ở ngoài đời thực, số tiền này có thể dùng để xây bệnh viện chẳng hạn), nhưng từng cá nhân vẫn phải chịu chi phí nào đó.

Nhóm của Rand đã tiến hành trò chơi này với hàng ngàn người.

Một nửa trong số người chơi được yêu cầu giống tôi, là quyết định sẽ đóng góp bao nhiêu trong 10 giây. Nửa còn lại được yêu cầu dành thời gian và cân nhắc quyết định cẩn thận hơn. Kết quả là những người đưa ra quyết định ngay lập tức thường hào phóng hơn.

"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự hợp tác là đặc tính trung tâm của quá trình tiến hóa của loài người," Rand nói.

"Ở xã hội có quy mô nhỏ mà tổ tiên ta từng sống, tất cả tương tác của ta sẽ xoay quanh những người mà ta sẽ gặp lại và tiếp xúc ngay trong tương lai gần." Điều này kiểm soát bất cứ ý định hành động hung hãn hoặc lợi dụng và lợi dụng 'ăn không' sự đóng góp của người khác.

Vì thế, thay vì lúc nào cũng phải chăm chăm xem lợi ích lâu dài ra sao để tỏ ra tử tế, thì ta chỉ cần đặt ra quy tắc cơ bản: nếu ta luôn tử tế với mọi người thì mọi thứ sẽ hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn.

Đó là lý do tại sao phản ứng tức thời của ta trong thí nghiệm trên lại luôn cho ra kết quả hào phóng hơn.

Nhưng những hành vi của chúng ta cũng có thể sẽ thay đổi.

Khi nào con người ích kỷ hơn?

Thông thường, những người tham gia thí nghiệm của Rand trong vòng phản ứng nhanh thường hào phóng và nhận được phần tiền chia lại nhiều hơn, và khiến họ củng cố thêm niềm tin vào sự hào phóng.

Tuy nhiên, những người được có nhiều thời gian để cân nhắc quyết định hơn lại thường ích kỷ hơn, dẫn đến kết quả là hộp tiền của nhóm ít hơn. Điều này củng cố cho quan điểm sẽ chẳng ích lợi gì khi ta trông chờ vào sức mạnh nhóm.

Trong một thí nghiệm sâu hơn, Rand đưa tiền cho những người từng chơi vòng một của trò này. Họ được hỏi liệu họ muốn đưa bao nhiêu tiền cho một người lạ vô danh. Lần này, họ chẳng được lợi lộc gì hết; đây sẽ là hành động hoàn toàn thiện nguyện.

Trong vòng hai, những người từng có xu hướng hợp tác ở vòng một của trò chơi đã cho đi số tiền gấp đôi so với những người ích kỷ.

"Chúng ta gây tác động đến đời sống nội tâm và hành vi của mọi người," Rand nói, "tác động tới cách họ hành xử, ngay cả khi không có ai quan sát và khi không có quy định nào về việc trừng phạt hay tưởng thưởng."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ở Kenya, nơi các cơ quan công quyền có mức tham nhũng cao, người chơi ban đầu có xu hướng cho ít tiền và ít hào phóng hơn với người lạ

Nhóm nghiên cứu của Rand đã thí nghiệm xem cách mọi người ở những quốc gia khác nhau chơi trò này và quan sát sức mạnh của các tổ chức xã hội như chính phủ, gia đình, giáo dục và hệ thống pháp lý ảnh hưởng ra sao tới hành vi con người.

Ở Kenya, nơi các cơ quan công quyền tham nhũng nhiều, ban đầu người chơi ít hào phóng hơn khi cho tiền người lạ so với người ở Mỹ, nơi tham nhũng xảy ra ít hơn.

Điều này cho thấy con người sẽ có tinh thần vì cộng đồng nhiều hơn ở nơi nào có hệ thống tổ chức xã hội đáng tin cậy hơn so với những nơi các tổ chức không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, sau khi chỉ chơi một vòng của phiên phản hợp tác - thúc đẩy của trò chơi món hàng chung, sự hào phóng của người Kenya lại ngang bằng với người bạn chơi ở Mỹ. Và mặt trái cũng tương tự: Những người Mỹ được huấn luyện để trở nên ích kỷ sẽ cho đi ít tiền hơn.

Vậy là có điều gì đó trong văn hóa trên mạng xã hội cổ súy cho hành vi ích kỷ. Không giống như xã hội săn bắn - hái lượm, vốn dựa vào sự hợp tác để con người sống sót và có quy định trong việc phân chia thức ăn, mạng xã hội lại có tính tổ chức rất yếu.

Mạng xã hội đem tới cho chúng ta sự kết nối từ xa tính về mặt khoảng cách vật lý, sự ẩn danh, và việc chúng ta hầu như không bị rủi ro đe dọa tới danh tiếng, không có nguy cơ bị trừng phạt nếu có hành vi xấu. Nếu bạn xấu tính, chẳng người quen nào thấy bạn thể hiện mặt xấu đó cả.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn