Thị trấn sát nhân' Canada tìm cách hồi sinh

Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy 20186:00 CH(Xem: 7126)
Thị trấn sát nhân' Canada tìm cách hồi sinh
bbc.com
Lorcan Archer BBC Capital

Lorcan Archer Bản quyền hình ảnh Lorcan Archer

Nằm lọt thỏm giữa vùng thôn quê xanh mướt thoai thoải ở tây nam tỉnh Québec là một nơi được gọi là thị trấn nguy hiểm nhất Canada.

Danh xưng đáng sợ

Khu vực dân cư yên ả này, nằm về phía đông một chỗ uốn lượn của sông Nicolet, đã trở nên thịnh vượng nhờ vào mỏ khoáng chất quý giá ẩn giấu trong lớp đá dưới lòng thị trấn trong vòng hơn 110 năm.


Ngành khai mỏ có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế địa phương đến nỗi thị trấn này lấy tên là Asbestos (trong tiếng Anh có nghĩa là amiăng).

Là nơi có mỏ amiăng lớn nhất thế giới cho đến tận năm 2012, thị trấn này đã thay đổi vĩnh viễn khi sự độc hại của loại khoáng chất vốn đã tạo nên danh hiệu và bản sắc của thị trấn đã khiến khu mỏ phải đóng cửa.

Lorcan Archer Bản quyền hình ảnh Lorcan Archer

Việc đóng cửa mỏ Jeffrey đánh dấu sự chấm dứt của một ngành công nghiệp vốn đã đem đến những việc làm ổn định, chắc chắn trong nhiều thế hệ nhưng đồng thời cũng gây tổn hại đến sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc của người dân địa phương.


Khu mỏ cũng để lại một di sản khác cũng gần như gây tranh cãi như loại khoáng chất mà nó khai thác - bản thân danh xưng của thị trấn. Chẳng hạn như các doanh nghiệp địa phương đã gặp phải những khó khăn để băng qua biên giới với Mỹ ở gần đó với các sản phẩm và xe cộ có mang dòng chữ 'asbestos'.

Tuy nhiên, vào năm 2006, hội đồng thị trấn đã nhất trí bỏ phiếu thông qua việc giữ lại tên gọi này và kể từ đó quyết định này đã khiến thị trấn bị mắc kẹt.

Đối với một nơi mà sự tồn tại của nó lệ thuộc vào một loại hóa chất mà giờ đây đang ngày càng bị cấm - việc đi lên ra khỏi cái bóng của khu mỏ cần phải có trí tưởng tượng và sự liều lĩnh. Tuy nhiên Asbestos có thể cuối cùng cũng rũ bỏ được quá khứ độc hại của nó.

Moulin 7 Bản quyền hình ảnh Moulin 7
Image caption Yan St-Hilaire (trái) và Danick Pellerin (phải) thành lập một nhà máy bia nhỏ và đã rất thành công, tuy nơi sản xuất bia chỉ cách mỏ amiăng lộ thiên nay đã bỏ hoang chừng 100m ở Asbestos

'Khoáng chất thần kỳ'

Asbestos là tên gọi của một loại khoáng chất có thành phần chủ yếu là silicate tồn tại trong tự nhiên vốn tạo thành những tinh thể dài thành thớ. Nó đã được khai thác trên khắp thế giới kể từ thời cổ đại nhờ vào độ cứng cáp và khả năng chịu được lửa của nó.


Trong thế kỷ thứ 19, những người định cư đã phát hiện ra ở vùng đông nam Québec có một số mỏ amiăng lớn. Nằm gần biên giới Mỹ-Canada, những mỏ này có lượng amiăng đủ lớn để thực hiện việc khai thác ở quy mô lớn.

Hoạt động khai mỏ lớn nhất trong số này là ở thị trấn Asbestos và mỏ Thetford ở gần đó. Có lúc mỏ Jeffrey ở Asbestos cung cấp phân nửa lượng amiăng trên thế giới, và giúp Canada trở thành nhà xuất khẩu amiăng lớn nhất thế giới cho đến những năm 1970.

Ngành công nghiệp này đã cho ra lượng sản phẩm trị giá trên 230 triệu đô la Canada vào năm 1973 (nếu điều chỉnh sau lạm phát thì sẽ có giá trị là 1,35 đô la Canada vào năm 2018 tương đương với 1,04 tỷ đô la Mỹ).

Mont Gleason Bản quyền hình ảnh Mont Gleason
Image caption Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Mont Gleason sử dụng một nguồn tài nguyên đáng giá của Asbestos trong các mùa đông: tuyết trắng

Một thời được gọi là 'khoáng chất thần kỳ', amiăng đã trở thành một tài nguyên được sử dụng nhiều trong nhiều ngành công nghiệp, nhất là trong xây dựng - nó được sử dụng thông dụng như là chất cách nhiệt - và trong ngành đóng tàu.

Mãi cho đến năm 2008, Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu amiăng với số lượng lớn từ các mỏ của Canada.

Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tính chất độc hại chết người của amiăng. Việc tiếp xúc với amiăng giờ đây có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển bệnh phổi và ung thư biểu mô - một dạng ung thư hung ác vốn đã tạo nên tên tuổi tàn bạo của loại hóa chất này.

Di sản chết chóc

Ngày nay, hố khai mỏ lộ thiên khổng lồ ở Asbestos nằm im lìm, nhưng nó đã để lại một vết sẹo toang hoác sâu 350 mét trên diện tích rộng sáu cây số vuông.

Canada vẫn phải đương đầu với di sản chết chóc của hóa chất được di dời khỏi hố. Nhiều năm sau khi ngừng khai mỏ, tỉnh Québec đứng đầu Canada trong số những trường hợp ung thu biểu mô được ghi nhận.

Năm nay, chính quyền Canada cuối cùng cũng sẽ cấm 'sản xuất, sử dụng, nhập khẩu và xuất khẩu' amiăng và những sản phẩm có chứa amiăng.

Việc hóa chất chết chóc này chỉ được cấm hoàn toàn trong năm nay, 2018, nhiều thập niên sau khi các quốc gia khác đã tuyên bố sử dụng amiăng là bất hợp pháp, cho thấy amiăng đã có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu của Canada lâu đến chừng nào.

Giờ đây, khi bị mất đi nguồn thu nhập chính, Asbestos buộc phải tìm cách khác để nuôi sống cư dân của mình.

Tuy nhiên đó là một thách thức mà người dân thị trấn đã đương đầu với sức mạnh bất ngờ.

Câu chuyện của Danick Pellerin là câu chuyện mà nhiều công dân trẻ ở Asbestos có thể thấy mình trong đó.

Sinh ra trong một thế hệ đã chứng kiến những năm tháng cuối cùng của ngành khai mỏ amiăng ở thị trấn, Pellerin đã ra đi để tìm việc làm.

Mở hãng bia

Nhưng vào năm 2014, bia đã đưa anh trở lại Asbestos cùng với khát vọng được góp phần vào thị trấn đang hồi sinh.

Lorcan Archer Bản quyền hình ảnh Lorcan Archer
Image caption Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Mont Gleason hoạt động kể từ năm 1968

Cùng với một người dân địa phương khác là Yan St-Hilaire, anh sáng lập ra xưởng chế bia nhỏ Moulin 7 với sự tài trợ của chính quyền tỉnh Québec.

"Trước đó, chúng tôi toàn là làm việc bên ngoài Asbestos, cho nên ưu tiên của chúng tôi là sản xuất bia ngon, và sản xuất nó tại chỗ," Pellerin nói.

"Một số người có thể có cái nhìn u ám về cộng đồng này, coi đó là một nơi buồn tẻ, không có gì nhiều, nhưng rõ ràng có rất nhiều thứ đang diễn ra. Đó là một môi trường mới ở đây."

Mở một xưởng bia ở một thị trấn có tên gọi là Asbestos dường như không phải là một động thái kinh doanh khôn ngoan lúc đầu, nhất là khi xưởng bia chỉ nằm cách rìa của hố khai mỏ chỉ trên 100 mét.

Nhưng thay vì che giấu sự thật này, Pellerin và St-Hilaire đã toàn tâm toàn ý tôn vinh mối liên hệ của họ với di sản khai khoáng của thị trấn.

Cha của St-Hilaire, ông Normand, từng làm việc ở mỏ Jeffrey, và hai người đã tìm cách thể hiện lịch sử của thị trấn trong tên của loại bia của họ.

Trong số các sản phẩm của họ có một loại bia nhẹ có tên là Mineur (có nghĩa là thợ mỏ trong tiếng Pháp) và một loại bia vàng Mỹ gọi là Spello - trong tiếng của các thợ mỏ có nghĩa là 'tạm nghỉ'.

Hai người thậm chí còn sản xuất một loại bia trắng của Ấn Độ có tên gọi là 'La Ciel Ouvert' (Bầu trời Mở) sử dụng nguồn nước được lấy từ một cái hồ vốn tích tụ lại dưới đáy mỏ. Khi sản phẩm bia đó được tung ra, mọi người đều bàn tán, nhưng Pellerin không nao núng.

Lorcan Archer Bản quyền hình ảnh Lorcan Archer

"Chúng tôi đã đem mẫu nước đi phân tích và nó hoàn hảo," anh nói. "Mọi người muốn uống thử nó."

Hãng bia giành được giải thưởng này giờ đây đã thu hút nhiều tay lái xe đạp của Québec ghé qua Asbestos khi làm một hành trình qua vùng thôn quê của Québec.

"Chúng tôi không nằm trên con đường du lịch chính, nhưng mọi người vẫn cứ ghé," Pellerin nói. "Vào lúc này, chúng tôi có khoảng 19 nhân viên làm việc giữa quán rượu và xưởng sản xuất. Chúng tôi đã có tăng trưởng tốt, và chúng tôi hy vọng sẽ tăng sản lượng lên 30% vào năm tới."

Đứng vững trở lại

Pellerin tin tưởng rằng thị trấn sẽ đứng vững trở lại bất chấp việc giữ danh xưng độc hại này.

"Mọi người đang quay trở lại," anh nói. "Tôi nghĩ rằng họ đang trở lại một nơi đã thay đổi, và cởi mở hơn nhiều và ít có tâm lý khép kín hơn."

Ông Hugues Grimard, thị trưởng của Asbestos, nhận ra rằng gần 7.000 cư dân của thị trấn phải đối mặt với một thách thức lớn khi một khoản cho vay gây tranh cãi từ chính phủ trị giá 58 triệu đô la Canada (45 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ cho khu mỏ bị hủy bỏ hồi năm 2012, dẫn đến việc khu mỏ phải đóng cửa.

Thị trấn đã chứng kiến sự ra đi ồ ạt trong nhiều thập niên khi ngành khai mỏ suy tàn, với dân số giảm từ trên 10.000 người vào thời điểm đỉnh cao của khu mỏ vào những năm 1970 xuống còn chỉ hơn 6.000 người vào năm 1999 - năm mà nước Anh đã cấm hoàn toàn nhập khẩu amiăng.

Việc khu mỏ cuối cùng cũng đóng cửa là cú sốc nhưng nó không dẫn đến làn sóng ra đi mới.

"Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải lạc quan," ông Grimard nói. "Vươn lên từ thách thức mà chính quyền để lại cho chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc để đưa mọi người trong thị trấn lại với nhau."

Và đã có một số tin tức đáng khích lệ kể từ cuộc điều tra dân số lần gần đây nhất vào năm 2011 với tỷ lệ thất nghiệp ở thị trấn đã giảm từ 12,4% xuống còn 7,6% vào năm 2016.

Harry Rowed/Wikipedia Commons Bản quyền hình ảnh Harry Rowed/Wikipedia Commons
Image caption Vào thời hoàng kim, Mỏ Jeffrey ở thị trấn Asbestos cung ứng khaongr một nửa lượng khoáng chất gây tranh cãi này cho toàn thế giới

Chế biến vịt và trượt tuyết

Thị trấn này có những lợi thế ngoài khu mỏ để giúp hồi sinh nền kinh tế - vị trí gần với biên giới với Mỹ khiến nó trở thành nơi đặt trụ sở của một số công ty vận tải, trong khi nông nghiệp là việc làm dự phòng cho những người thất nghiệp.

Khả năng thích ứng tốt giờ đây cũng là một phần trong chiến lược của thị trấn.

"Bằng cách đó, nếu như cơ hội đến, chúng tôi coi đó là vấn đề ưu tiên, cần nắm bắt," Grimard cho biết. "Hiện tại, tôi có thể nói rằng chúng tôi đã đáp ứng được thử thách trong việc đa dạng hóa nền kinh tế."

Một thắng lợi lớn kể từ khi khu mỏ đóng cửa là việc thành lập trung tâm chế biến ở khu vực của một trong những thực phẩm được ưa chuộng ở Canada - vịt.

Nó đã giúp tạo việc làm cho trên 100 công nhân và các bảng 'đang tuyển dụng' vẫn còn đang tiếp tục bên ngoài nhà máy mặc dù nó đã đi vào hoạt động từ năm 2016.

Sự gắn kết của thị trấn với một loại hóa chất như amiăng không hề cản trở công ty tạo dựng nên phân xưởng này, Brome Lake Ducks. Với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Canada và việc tiếp cận thị trường mới cho thịt vịt như Mexico, công ty đặt ra mục tiêu tới năm 2020 sẽ sản xuất được bốn triệu con vịt mỗi năm.

Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng nền kinh tế của thị trấn không chỉ giới hạn ở thực phẩm và thức uống. Trên những ngọn đồi xung quanh Asbestos là một tài nguyên khác bên cạnh loại khoáng sản từng được quý giá một thời - tuyết.

Chỉ cách thị trấn một vài phút lái xe về phía bắc là khu trượt tuyết Núi Gleason, vốn là nơi cung cấp việc làm thời vụ chính trong khu vực trong mùa đông tuyết rơi ở Québec.

Hoạt động từ năm 1968, khu trượt tuyết này sắp sửa kỷ niệm 50 năm ngày đi vào hoạt động vào tháng 12.

Núi Gleason khác nhiều khu trượt tuyết thương mại châu Âu ở chỗ nó hoạt động phi lợi nhuận, bắt rễ sâu vào các cộng đồng lân cận, trong đó có Asbesto. Nó có bốn đường dây cáp treo và gần 10 km bờ dốc trượt tuyết.

Mặc dù công việc ở Mont Gleason cũng tan biến vào mùa xuân cùng với tuyết tan, nhưng vào mùa đông nó là nơi cung cấp cung việc làm thường xuyên.

"Chúng tôi có trên 250 người làm việc làm mùa đông," ông Maryse Gingras, người đến từ Victoriaville ở gần đó và là người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của khu trượt tuyết, cho biết.

"Rất nhiều người đã từng làm việc ở đây nhiều lần, và chúng tôi cũng thuê nhiều sinh viên và người về hưu. Họ làm việc ở các vị trí công việc rất khác nhau, có người làm việc ở bộ phận cáp treo, ở trường trượt tuyết hoặc ở trong nhà hàng. Chúng tôi đông khách nhất là từ tháng Mười Hai cho đến tháng Ba".

Khai thác tiền ảo

Một dạng khai mỏ rất khác nhiều khả năng cũng sẽ xuất hiện ở khu vực Asbestos.

Cách một tiếng về phía nam, tại thành phố đại học Sherbrooke, một trong những khu vực khai thác Bitcoin lớn nhất trong tỉnh Québec đã xuất hiện với doanh số lên đến 250 triệu đô la Canada (tương đương 195 triệu đô la Mỹ), và công ty tiền ảo BitFarms đang khuếch trương trên khắp miền nam Québec.

Hồi tháng Ba, truyền thông địa phương đưa tin về những kế hoạch hoạt động khai thác tiền ảo tại nhà máy bỏ hoang ở Mỏ Thetford. Giá điện rẻ cộng với những cơ sở lớn và kết nối điện ở quy mô lớn có sẵn khiến nó trở thành một địa điểm thu hút.

Tuy nhiên, thị trưởng của Asbestos, ông Hugues Grimard, tỏ ra thận trọng, không sẵn sàng hứa hẹn quá mức điều gì về ý tưởng những hoạt động tương tự ở Asbestos.

"Nếu có một nhà phát triển nào đó tiếp cận thì chúng tôi sẽ xem xét dự án," ông nhấn mạnh, nhưng cũng nói thêm ưu tiên của ông là những dự án phát triển có thể kích thích nền kinh tế địa phương.

Trong khi đó, Thủ hiến Québec, ông Philippe Couillard bày tỏ nghi ngờ về sự nhân rộng của các cơ sở khai thác tiền ảo trong tỉnh. Ông nghi ngờ về việc liệu nó có đem lại lợi ích thực tế cho cộng đồng hay không.

Nhưng ngay cả khi không có kiểu công nghệ cao này thì không ai nghi ngờ gì về việc Asbestos đang chuyển đổi để trỗi dậy từ cái bóng do loại khoáng chất mà thị trấn từng cung cấp cho toàn thế giới để lại.

Đối với những người dân sống ở đó, danh xưng của thị trấn là điều mà họ muốn tự hào chứ không phải cảm thấy xấu hổ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn