Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4-1975 (Kỳ 4)

Thứ Ba, 09 Tháng Tư 20244:39 CH(Xem: 478)
Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4-1975 (Kỳ 4)

V) NHỮNG CHUYỆN KỂ Ở TRẠM XÁ LONG THÀNH

(Hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…)

Thân tặng Moc Nguyen và những bạn đồng cảnh ngộ ở Long Thành-Xuyên Mộc (1975-1982).

V.1) CHUYỆN CHIẾC BÔ NHỰA VÀ BỊCH TRO THAN

Tháng 8.1975, học viên trường 15 NV (Làng cô nhi Long Thành cũ) cảm thấy thể chất của mình không còn được như cũ. Từ những bữa ăn có trị giá cao đến những bữa ăn theo chế độ tập trung bằng ngân sách nhà nước, cơ thể con người không kịp thích ứng, nhiều thứ bệnh “trời ơi đất hỡi” xuất hiện và lan truyền nhanh hơn virus Covid.

Trước tiên phải kể đến bệnh “gảy đàn”, các đương sự ngồi đâu gảy đó, gảy ngoài rồi đến gảy trong, gảy hết ban ngày đến ban đêm, gảy cả những ngóc ngách sâu kín nhất chưa từng gảy bao giờ. Dù sao, trong cái gảy này, còn có cái… sướng, nhiều người cố giảm thiểu chúng bằng những viên multivitamin mang theo.

Căn bệnh kế tiếp không sướng chút nào, đó là bệnh phù thũng (béri-béri). Ngủ một đêm dậy, nghe gương mặt mình nặng nề, mắt như híp lại, lấy tay ấn vào lớp thịt cổ chân, thịt lún sâu xuống rồi không chịu trở về nguyên trạng!

Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông ngoài đời đang cao giọng tố cáo tình trạng “phồn vinh giả tạo” của miền Nam trước 1975, theo nghĩa: Sự sung túc chỉ là bề ngoài, thực chất bên trong là sự đói kém, thiếu thốn trăm bề.

Những người tù còn mang danh “học viên” ở Long Thành lúc ấy đã nhanh chóng phát huy sáng kiến, cập nhật ngôn ngữ ngoài đời. Sáng sáng, cứ thỉnh thoảng nghe tiếng la toáng của một anh nào đó rằng thì là, “tụi bây ơi, tao bị phồn vinh giả tạo rồi!”. Ấy là lúc anh ta cảm thấy khuôn mặt của mình nở to ra, nặng chịch, ấn ngón tay vào cổ chân, thịt chỉ chịu lõm xuống mà chẳng chịu phồng lên. Thật, không có cách so sánh, ứng dụng nào tuyệt vời hơn thế!

Hai căn bệnh “gảy đàn” và “phồn vinh giả tạo” rõ ràng là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng, do sự thay đổi nhanh chóng chế độ ẩm thực, khiến cơ thể mất nhiều chất đề kháng, các thứ vi trùng, vi khuẩn tha hồ thâm nhập và hoành hành.

Tuy nhiên, đáng sợ hơn cả không phải là ngứa ngáy hay phù thũng, mà là bệnh kiết lỵ (dysenterie). Căn bệnh này hoành hành vì hố xí tập thể không xa nơi ở bao nhiêu, lại còn có sự hiện diện của hàng sư đoàn gián quanh nhà.

Sống chung cùng một đội với tui có kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Anh là một trong những học viên bị căn bệnh kiết lỵ tấn công sớm nhất, chỉ sau mấy ngày, mặt anh phờ phạc hẳn. Tui theo gót anh, với một hậu quả kinh khiếp hơn.

Câu chuyện liên quan đến anh Nh., sĩ quan cấp Thiếu tá, nguyên là Chủ sự phòng (như Trưởng phòng) thuộc Sở Nội dịch Phủ tổng thống, sau khi khuyết người đứng đầu, anh được cử làm xử lý thường vụ Chánh sở Nội dịch. Công việc chính của sở này là điều hành việc phục dịch chung cho toàn bộ Phủ tổng thống. Theo ngôn ngữ hành chánh của miền Nam trước 1975, xử lý thường vụ (XLTV) là hành vi hoàn toàn có tính tạm thời trong thời gian chờ cử người chính thức đảm nhiệm chức vụ.

Ngay cả khi đã chính thức là Chánh Sở Nội dịch, Thiếu tá Nh. cũng không đủ tiêu chuẩn được học tập cải tạo (HTCT), nói chi mới chỉ là người XLTV. Vì thế, khi đến trình diện tại trường Trưng Vương, anh bị từ chối cho nhập trường. Khốn nỗi, không vào được nơi đây, với cấp bậc (nay gọi là quân hàm) Thiếu tá, anh cũng phải trình diện cải tạo nơi khác, mà Nh. lại thích ở chung với anh em công chức, vui hơn. Cuối cùng, sau khi suy đi tính lại, anh đến gặp cán bộ tiếp nhận, khai rằng anh không phải Chánh sở, mà là XLTV Chánh sở. Nghe cụm từ có hai chữ “xử lý”, anh cán bộ chấp thuận cho N. vào, có lẽ vì theo ngôn ngữ lúc bấy giờ, chữ “xử lý” nghe có một cái gì đó to tát, nghiêm trọng hơn!

Buổi sáng hôm đó, Thiếu tá Nh. mang đến chỗ mình nằm một tô cơm nhỏ anh nấu chiều hôm trước, nhưng đến sáng thì bị đau bụng nhiều nên không ăn được. Vào thời điểm ấy, lương thực chính là bo bo, cơm trắng là sản phẩm cao cấp, ngu gì mà từ chối lòng tốt của người khác. Mình ăn ngay tô cơm của Nh. vào buổi trưa hôm đó, song không hiểu sao, ăn gần hết cơm, mình mới nghe bốc lên mũi mùi… gián! Đúng là có sự phản chủ của cái lỗ mũi!Thôi thì mọi chuyện đã lỡ làng, giờ chỉ còn trông cậy vào ông thần may rủi.

Chiều hôm ấy, bụng mình quặn thắt từng cơn, với những biểu hiện rõ ràng của bệnh kiết lỵ. Cơ thể đang suy yếu, bệnh thừa thắng xông lên, buộc mình phải đi ra, đi vào từ nhà ở đến cụm hố xí ngoài hàng rào mỗi ngày khoảng… 20 bận. Thuốc đường ruột Carboguanidine mang theo chỉ có tác dụng với bệnh tiêu chảy, thuốc kháng sinh Tétracycline chỉ chuẩn bị chút ít cho chuyến đi học 30 ngày, nốc sau một-hai ngày cũng hết. Bệnh này làm cho đường ruột bị tổn thương, không cho phép dung nạp đồ cứng, kể cả cơm gạo, người bệnh chỉ có thể ăn cháo mua ở căng-tin.

Vậy mà với tần suất đi ra, đi vào trung bình mỗi ngày 20 bận như vậy, mình đủ sức chịu đựng đến ngày… thứ 7, với cái bao tử chỉ chứa toàn cháo loãng trong suốt 7 ngày! Tổ trưởng của tui lúc ấy là cụ Trần Luyện, tuổi chắc cũng chỉ hơn 50, song có một chòm râu dài. Trước tháng 5.1975, cụ Luyện là Tổng Giám đốc Nha Khẩn hoang lập ấp của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp, mà người đứng đầu là bác sĩ Phan Quang Đán.

Thấy tình hình không ổn, cụ Luyện dẫn tui xuống Trạm xá, xin cho tui được nằm lại trạm. Được sự chấp thuận của người có thẩm quyền, cuộc sống của một bệnh nhân trạm xá bắt đầu.

Cũng cần nói thêm đôi chút về trạm xá Long Thành lúc ấy. Ban đầu nó chỉ gồm có hai bác sĩ cán bộ của trại. Gọi là “bác sĩ” cho lịch sự, chứ lúc đó, ông HC là một y sĩ (ngang với cán sự y tế trong chế độ cũ), còn ông H. là một y tá. Không lâu sau, do số bệnh nhân tăng cao, trạm xá được tăng cường bởi hai bác sĩ thực thụ, là các học viên đang HTCT. Đó là BS Hạnh, một chuyên gia đang làm việc ở Viện Pasteur Sài Gòn, và BS Tùng, một thầy thuốc rất mát tay.

Tiếng là “trạm xá”, song nơi đây nhỏ hơn một ngôi nhà cấp bốn, chỉ có một căn phòng rộng duy nhất vừa dùng làm nơi khám bệnh, phát thuốc, vừa là chỗ nằm điều trị của bệnh nhân nặng. Trạm không có nhà vệ sinh riêng, ai có nhu cầu, phải đi bộ ra hố xí công cộng ở sát hàng rào. Sau hơn 7 ngày chịu đựng, mình không còn khả năng đi ra hàng rào nhiều lần như thế nữa. Và chính trong tình thế này, mình mới phát hiện được một tình bạn cao đẹp.

Người đó là Nguyễn Chi Lăng, tốt nghiệp khóa Cao học 3 Học viện QGHC (1969), từng là bạn “đồng liêu” với mình trong thời gian cùng làm việc ở tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá). Để giúp giải quyết những bế tắc của một bệnh nhân kiết lỵ không còn khả năng đi xa, Lăng xuống căng-tin tìm mua cho mình một cái bô nhựa, loại dành cho trẻ em 3-4 tuổi, không quên xúc cho mình một bịch tro lấy từ bếp nấu ăn.

Có một chút may mắn là tuy chật hẹp, song trạm xá Long Thành còn có một nhà kho hẹp bỏ không, không cửa nẻo, trống huơ trống hoác, nằm cạnh lối đi vào nơi khám bệnh và phát thuốc. Mình bỏ chiếc bô nhựa và bịch tro trong nhà kho ấy, mỗi lần bụng quặn đau, không chịu nổi, thì lén vào đó, kéo quần, ngồi xuống, y như một chú bé lên ba.

Đó chưa phải là điều đáng sợ, đáng sợ hơn là hình ảnh đó trải ra trước mắt của hàng năm, bảy chục người – nam cũng như nữ – đi vào trạm xá để khám bệnh và xin thuốc mỗi ngày! Một quá khứ mới vừa qua đi, hình ảnh của những chiếc công xa, những bàn giấy lớn, những đống hồ sơ chất cao như núi… mọi thứ tan biến dần, nhường chỗ cho một thực tế rõ nét hơn, và cũng đau đớn hơn, đó là hình ảnh cái bô nhựa và bịch tro than góp phần cứu vãn cuộc sống của một con người.

Mình nhắc điều này với lòng biết ơn chân thành đối với Nguyễn Chi Lăng. Mỗi sáng sớm, Lăng chạy xuống căng-tin xin cho mình một ca nước nóng, làm vài việc cần thiết theo yêu cầu và một, hai ngày một lần, anh “giải quyết” cái bô nhựa có rải nhiều lớp tro của mình tại một nơi khuất lấp nào đó!

Nếu không có một tình bạn cao quý, không thể làm được như thế. Và trong suốt cuộc đời của mình, mình không bao giờ quên được điều này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn