Bà Trương Mỹ Lan là người duy nhất bị đề nghị án tử hình

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bà Trương Mỹ Lan là người duy nhất bị đề nghị tử hình

Chuyên gia nhận định với BBC rằng những sai phạm bị cáo buộc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB diễn ra suốt 10 năm trời, điều này có nghĩa là nhiều quan chức, thống đốc ngân hàng có thể liên quan đến vụ việc.

Vụ án Vạn Thịnh Phát được cơ quan chức năng xác định là có số tiền thiệt hại kỷ lục từ trước đến nay. Theo SCB, tạm tính đến thời điểm mở phiên tòa sơ thẩm vào ngày 5/3/2024 thì SCB bị thiệt hại hơn 760.000 tỷ đồng.

Còn theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại khoảng 498.000 tỷ đồng, khi áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

Dù là tính theo cách nào thì quy mô của vụ án cũng khiến nhiều người sửng sốt.

Điều đáng chú ý là những sai phạm mà bà Lan bị cáo buộc đã diễn ra hơn 10 năm trời, nhưng vì sao mãi cho tới gần cuối năm 2022, mọi việc mới bị phơi bày?

Và ngoài đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước và các quan chức cấp thấp bị cáo buộc nhận hối lộ, còn có quan chức nào đáng ra nên chịu trách nhiệm hay không?

Lãnh đạo nào nên chịu trách nhiệm?

Trong 86 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát, chỉ có 18 người thuộc đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước là những cán bộ bị đưa ra xét xử. Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II là bị cáo buộc nhận số tiền hối lộ "nhiều nhất từ trước đến nay" là 5,2 triệu USD.

Tất cả 17 thành viên còn lại trong đoàn thanh tra thì nhận tiền từ 100 triệu đồng đến 390.000 USD, với tổng giá trị mà nhóm này nhận gần 6 triệu USD, nhằm bưng bít sai phạm tại SCB.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 8/4, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhận định rằng vụ án Vạn Thịnh Phát là một "sự bẽ bàng cho Việt Nam".

Điều bất thường là cho tới nay, chưa có chính trị gia hay quan chức cấp cao nào phải chịu trách nhiệm cho bê bối này. Tiến sĩ Hiệp nhận xét rằng, sai phạm đã diễn ra hơn 10 năm trời, "có nghĩa là nhiều quan chức, thống đốc ngân hàng có thể có dính dáng hoặc phải chịu trách nhiệm".

Một số nhà quan sát cho rằng có thể nhắc đến trách nhiệm của ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Ông Lê Minh Hưng cũng được "đánh giá là một chính trị gia đầy triển vọng trước khi vụ việc Vạn Thịnh Phát vỡ lở".

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC News vào ngày 8/4 rằng: "Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó."

"Như vậy, tôi cho rằng ông ấy nên chịu một phần trách nhiệm cho vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng tới bây giờ, tên ông ấy vẫn không được nhắc đến trong tài liệu vụ án hay trên báo chí," nhà quan sát này đánh giá, với điều kiện ẩn danh do tính chất nhạy cảm của vấn đề khi ông Hưng vẫn còn là cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng.

"Liệu ông Lê Minh Hưng có thể phải chịu trách nhiệm hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ," người này nói.

Còn theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì "đến nay chưa có lãnh đạo cấp cao nào chịu kỷ luật cho vụ bê bối và điều này là khá là bất thường.”

Sau thời gian làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ông Hưng đã được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào đầu năm 2021.

Từ năm 2021 đến nay, ông là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chụp lại video,

Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa

Một số ý kiến cho rằng, người tiền nhiệm của ông Hưng là ông Nguyễn Văn Bình cũng là người có thể phải chịu trách nhiệm. Ông Bình làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2016.

Ông là người công bố quyết định hợp nhất ba ngân hàng Sài Gòn (SCB cũ), Đệ Nhất, Tín Nghĩa thành Ngân hàng SCB vào năm 2012.

Theo báo Tuổi Trẻ vào ngày 8/11/2020, Bộ Chính trị đã kỷ luật ông Bình bằng hình thức cảnh cáo vì các vi phạm, trong đó có việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, ông Bình còn chịu “trách nhiệm của người đứng đầu” khi để sai phạm xảy ra trong cơ quan do mình quản lý cũng như một số “khuyết điểm” trong vai trò quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, chẳng hạn vụ chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho ông Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.

Trong các sai phạm khiến ông Bình bị cảnh cáo mà được công khai cho báo chí, không thấy có nhắc đến chuyện ở Ngân hàng SCB.

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Bình được Đảng đánh giá là nghiêm trọng và nó có liên quan đến việc "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động tín dụng ngân hàng". Dù không chịu án hình sự nào nhưng sự nghiệp chính trị của ông Bình cũng bị đặt dấu chấm hết.

Trước tòa ngày 11/3, bà Trương Mỹ Lan đã khai rằng chính một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã "động viên", nhờ đích danh bà đứng ra giúp đỡ vì bà là người có tiếng nói và uy tín, dù bà đã từ chối nhiều lần với lý do mình không có nghiệp vụ về ngân hàng.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Kính thưa Hội đồng xét xử, lúc đó Ngân hàng Nhà nước là ông Trần Minh Tuấn và có cả ông Phạm Quý Ngọ, lúc đó là bên Tổng cục Cảnh sát, nói với tôi rằng: Chị yên tâm, chúng tôi biết chị là người không làm ngân hàng và sẽ không tham gia ngân hàng. Chúng tôi biết, chính vì thế, chúng tôi mới cần chị.

"Bây giờ, bao nhiêu doanh nghiệp chúng tôi mời mấy tháng nay mà không ai vào cả, chị giúp ngân hàng đi vì chị là một người có ảnh hưởng lớn tới các cổ đông, các bạn bè từ trong nước tới nước ngoài," bà Lan khai trước tòa.

Ông Trần Minh Tuấn là Phó Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một gian đoạn khá dài, từ năm 1998 đến khi ông về hưu vào tháng 6/2013.

Còn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2014. Trước đó, ông lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát.

Chụp lại video,

Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết

Yếu tố Trung Quốc khiến vụ án bị chậm trễ?

Bà Trương Mỹ Lan là một doanh nhân rất kín tiếng ở Việt Nam nhưng danh tiếng của bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì phủ sóng, vì sở hữu những bất động sản đắt đỏ và nhiều khu đất vàng ở TP HCM.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói rằng, từ lâu, nhiều người đã truyền tai nhau rằng bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng Ngân hàng SBC như con heo đất để rót tiền vào các dự án làm ăn của họ. Khi vụ án bị phanh phui, ông Hiệp cũng cố gắng lắp ghép các mảnh thông tin để hiểu vì sao chính phủ Việt Nam lại để cho nó xảy ra thời gian lâu đến vậy.

Chia sẻ với BBC, ông Hiệp nói khó mà có được câu trả lời, nhưng một số lý do có thể nghĩ đến là việc bà Trương Mỹ Lan có hành vi phạm tội quá tinh vi, bà đã cố gắng mua chuộc, hối lộ một số quan chức nhà nước che giấu những sai phạm ở SCB, như việc đưa bà Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD.

Đáng chú ý, ông Hiệp phỏng đoán yếu tố Trung Quốc có thể là một trong những rào cản gây trì hoãn vụ án.

"Tôi không rõ yếu tố Trung Quốc chiếm bao nhiêu vì bà Trương Mỹ Lan là người Việt gốc Hoa, chồng bà là một nhà kinh doanh người Hong Kong, vốn có mối liên hệ với quan chức Trung Quốc đại lục.

"Điều thứ ba thì có vẻ như đây là một chuyện thường xảy ra ở Việt Nam khi ngân hàng trở thành heo đất của một nhóm kinh doanh hoặc một gia tộc tài phiệt để họ có thể bơm tiền vào các dự án kinh doanh của mình. Có rất nhiều ví dụ tương tự khi chủ doanh nghiệp cũng là cổ đông lớn của một ngân hàng.

"Có lẽ chính phủ đã bỏ sót vụ Ngân hàng SCB vì có nhiều vụ tương tự trong ngành ngân hàng, vấn đề là quy mô của vụ án bà Trương Mỹ Lan quá lớn và rõ ràng mức độ thiệt hại là quá sức tưởng tượng. Do đó, có thể nó khiến cho chính phủ cần thời gian để nhận ra mức độ hệ trọng của vấn đề, vượt qua được một số trở ngại để đi đến quyết định giải quyết vụ việc," ông Hiệp nhận định.

Chụp lại video,

Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục

Một vấn đề nữa được nêu ra là sự "bảo trợ chính trị".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhắc việc cựu Bí thư Thành ủy TP HCM, người nắm quyền suốt hai nhiệm kỳ, từ năm 2006 đến 2015, trùng hợp với sự phát triển thăng hoa của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

"Tôi có nghe rằng ông ấy là người đỡ đầu về mặt chính trị cho bà Lan. Có thể là sự bảo trợ về mặt chính trị này là một yếu tố khác khiến việc đưa vụ án ra ánh sáng bị trì trệ," ông Hiệp nói và thêm rằng, dù sao đi nữa thì chính phủ đã vào cuộc và giải quyết vụ án này, đây là điều đáng ghi nhận.

Về thời điểm, ông Hiệp cho rằng có thể chính phủ đã nhận ra quy mô tham ô tại SCB, hoặc họ có thể đã vượt qua được một rào cản đã được dựng lên trước đó – vì thân thế gốc Hoa của bà Lan.

"Thêm nữa, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam hiểu rằng, nếu không hành động bây giờ thì vụ án sẽ trở nên quá lớn, khó mà xử lý. Nhìn vào con số và số tiền mà Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra để duy trì SCB thì nếu mà không giải quyết thì sẽ khó mà giải quyết mà không gây thiệt hại gì lên nền kinh tế.

"Và may mắn là chính phủ Việt Nam đã xử lý vụ án mà không làm tổn hại gì nhiều đến nền kinh tế. Đương nhiên, chính phủ đáng ra nên hành động sớm hơn trước khi thiệt hại đội lên con số lớn như vậy, nhưng ít ra họ đã làm. Nhưng câu hỏi lớn hơn là làm sao để khắc phục được một vài phần thiệt hại để bù vào tiền thuế của người dân và trả lại tiền cho khách hàng của SCB," ông Hiệp nêu vấn đề.

Việc xét xử bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, cũng được xem là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ngân hàng thương mại khác và các doanh nhân khác, để họ nhìn vào phiên xử Vạn Thịnh Phát mà ngưng những cách kinh doanh phạm pháp của mình.

"Nếu chính phủ có thể dùng vụ án này như một đòn roi để cảnh cáo những người khác, để thay đổi cách làm ăn, để thị trường ngày một minh bạch và rõ ràng hơn thì điều này sẽ tốt cho nền kinh tế hơn.

"Việt Nam muốn đạt được mục tiêu 2045 thành nước phát triển, thu nhập cao. Và để làm được điều này, phải chịu nỗi đau ngắn hạn mới có thể trụ được cuộc chơi dài," ông Hiệp phân tích.

Điều này, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, là sự phơi bày bê bối Vạn Thịnh Phát, vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

Về vụ án Vạn Thịnh Phát đang được xét xử, dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 11/4.