Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 24 -4 -2024:

Thứ Tư, 24 Tháng Tư 20246:07 SA(Xem: 440)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 24 -4 -2024:
HoaLuc 5
****************
voatiengviet.com

Nga ‘phải đẩy lùi quân Ukraine xa hơn’ nếu Mỹ giao tên lửa tầm xa cho Kyiv

Reuters

Nga sẽ cần đẩy lùi quân Ukraine xa hơn nữa và mở rộng cái mà họ coi là ‘vùng đệm’ nếu Kyiv nhận được các hệ thống tên lửa dẫn đường ATACMS tầm xa tiên tiến của Mỹ, Điện Kremlin nói hôm 24/4.

Nhà Trắng hồi tháng 10 năm ngoái cho biết họ đã cung cấp cho Kyiv một dạng ATACMS có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 165 km. Nhưng một gói viện trợ mới của Hoa Kỳ đang được chuẩn bị sau khi dự luật viện trợ quân sự vốn bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng được Quốc hội thông qua. Nó dự kiến sẽ bao gồm loại tên lửa có tầm bắn xa hơn 300 km.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy hôm 22/4 cho biết rằng Kyiv sẽ nhận được hệ thống ATACMS tầm xa và cảm ơn Washington.

Điều đó gợi lên viễn cảnh Ukraine sử dụng những tên lửa loại này để tấn công các mục tiêu sâu hơn bên trong lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng, nhất là ở bán đảo Crimea vốn đã được Nga sáp nhập.

ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) được gắn trên xe tải và có thể phóng tên lửa đạt tốc độ Mach 3, tức là gấp ba lần tốc độ âm thanh, nhanh hơn đáng kể so với tên lửa hành trình của Anh và Pháp hiện có trong kho vũ khí của Ukraine.

Khi được hỏi hôm 24/4 về động thái này, phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết lập trường của Nga, mà họ đã đưa ra nhiều lần, sẽ không thay đổi.

“Không có gì thay đổi trong việc này,” ông Peskov nói.

Điện Kremlin hồi tháng trước cho biết cách duy nhất để bảo vệ lãnh thổ Nga trước các cuộc tấn công của Ukraine - bao gồm bốn tỉnh mà Moscow đã sáp nhập từ Ukraine - là có ‘một vùng đệm’ để những vùng đất này nằm ngoài tầm bắn của hỏa lực Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm ngoái cho biết quân Nga sẽ đáp trả việc phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa hơn cho Kyiv bằng cách cố gắng đẩy quân Ukraine ra xa biên giới nước này.

Việc Mỹ chuyển giao vũ khí, vốn khó có thể công khai khi nó xảy ra, có thể ràng buộc rằng Ukraine không thể sử dụng hệ thống ATACMS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Hai quan chức Mỹ nói với Reuters hôm 23/4 rằng Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ đô la cho Ukraine, gói viện trợ đầu tiên nằm trong dự luật viện trợ cho Ukraine vẫn chưa được Tổng thống Joe Biden ký.


************
voatiengviet.com

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel

Reuters

Một gói viện trợ nước ngoài sâu rộng đã dễ dàng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tối hôm 23/4 sau nhiều tháng trì hoãn, mở đường cho nguồn tài trợ mới đi đến Ukraine trong bối cảnh lực lượng xâm lược Nga đang tiến quân trong khi Kyiv thiếu thốn nguồn tiếp liệu quân sự, theo Reuters.

Thượng viện Mỹ thông qua 4 dự luật với 79 phiếu thuận, 18 phiếu chống. Trước đó, những dự luật này được Hạ viện thông qua hôm 20/4, sau khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đột ngột chuyển hướng vào tuần trước và cho phép bỏ phiếu về khoản viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD chủ yếu cho Ukraine, Israel, Đài Loan và các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bốn dự luật này được kết hợp thành một gói dự luật tại Thượng viện.

Khoản viện trợ lớn nhất cung cấp 61 tỷ USD cho Ukraine; khoản thứ hai cung cấp 26 tỷ USD cho Israel và viện trợ nhân đạo cho dân thường ở các khu vực xung đột trên khắp thế giới, và khoản thứ ba cung cấp 8,12 tỷ USD để “đối phó với Trung Quốc cộng sản” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dự luật thứ tư, được Hạ viện bổ sung vào tuần trước, bao gồm lệnh cấm đối với ứng dụng mạng xã hội TikTok do Trung Quốc kiểm soát, các biện pháp chuyển tài sản Nga bị tịch thu sang Ukraine và các lệnh trừng phạt mới đối với Iran.

Hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ ký gói dự luật này thành luật ngay khi nó được đưa đến bàn làm việc của ông và chính quyền của ông đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, gói đầu tiên được thực hiện từ dự luật nói trên.

Lãnh đạo khối đa số thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer phát biểu tại Thượng viện: “Đây là một bước ngoặt trong lịch sử. Nền dân chủ phương Tây có lẽ phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Phần lớn sự phản đối khoản viện trợ an ninh ở cả Hạ viện và Thượng viện đều đến từ các đảng viên Cộng hòa có quan hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người hoài nghi về viện trợ Ukraine, người đã nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết” khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

Lãnh đạo khối Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, người ủng hộ mạnh mẽ việc trợ giúp Ukraine, bày tỏ lấy làm tiếc về sự chậm trễ, phần lớn là do phe Cộng hòa theo đường lối cứng rắn phản đối việc bổ sung thêm tiền bên cạnh khoản 113 tỷ USD mà Washington đã cấp cho Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022.

Ông McConnell nói trong một cuộc họp báo: “Tôi nghĩ chúng ta đã xoay chuyển được phong trào theo chủ nghĩa biệt lập”.

Các nhà phân tích cho rằng việc cung cấp vũ khí sẽ cải thiện cơ hội cho Kyiv ngăn chặn việc quân xâm lược Nga đạt được một đột phá lớn ở miền phía đông Ukraine.

Hiện chưa rõ số tiền dành cho Israel sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc xung đột ở Gaza. Israel đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ an ninh hàng năm của Mỹ nhưng gần đây nước này phải đối mặt với cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên bằng đường không của Iran.

Những người ủng hộ viện trợ hy vọng viện trợ nhân đạo sẽ giúp ích cho người Palestine ở Gaza, nơi đã bị tàn phá bởi chiến dịch của Israel đánh vào Hamas nhằm trả đũa vụ tấn công ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng.

Cơ quan y tế Gaza nói chiến dịch này đã dẫn đến cái chết của hơn 34.000 thường dân ở vùng đất Palestine.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

3 phút

(Reuters) - Trung Quốc vẫn mua được chip trí tuệ nhân tạo, bất chấp việc Washington mở rộng lệnh cấm bán công nghệ cao cho Bắc Kinh. Theo bản báo cáo được Reuters công bố hôm nay, 23/04/2024, các trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc đã mua lại các chip này thông qua những nhà bán lẻ Trung Quốc ít tên tuổi. Các chip này là sản phẩm của Nvidia, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ, nổi tiếng với các sản phẩm về đồ họa, máy tính và trí tuệ nhân tạo. Trả lời Reuters, một chuyên gia cho biết chip Nvidia có thể đã được chuyển sang Trung Quốc mà nhà sản xuất không hề hay biết, do không hiểu rõ về chuỗi cung ứng.

(AP) - Malaysia : 2 trực thăng quân sự va chạm, toàn bộ 10 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Hôm nay, 23/04/2024, các nhà chức trách Malaysia cho biết vụ va chạm xảy ra trong cuộc diễn tập tại một căn cứ hải quân ở bang Perak phía bắc nước này để kỷ niệm 90 năm thành lập hải quân. Đoạn video ghi lại vụ việc cho thấy một trong những chiếc trực thăng đã va vào cánh quạt của một chiếc trực thăng khác, khiến cả hai lao xuống. Một trực thăng lao xuống sân thể thao vắng người, chiếc kia lao xuống bể bơi gần đó khiến 1 người đang bơi bị thương.

(AFP) - Bầu cử Ấn Độ : Đảng đối lập tố cáo thủ tướng Modi kích động tâm lý bài Hồi giáo. Đảng đối lập chính tại Ấn Độ, đảng Quốc Đại, hôm qua 22/04/2204, đã khiếu nại lên Ủy Ban Bầu Cử, chống lại thủ tướng Narendra Modi, bị cáo buộc ‘‘đã có những lời lẽ tấn công thô bạo’’, nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi tại Ấn Độ trong một cuộc vận động tranh cử gần đây. Gần một tỉ cư tri Ấn Độ đang trong cuộc bỏ phiếu bầu Quốc Hội, kéo dài hơn một tháng. Ấn Độ về mặt chính thức là một thể chế thế tục. Hiến pháp Ấn Độ và luật bầu cử cấm mọi tuyên truyền vận động tranh cử dựa trên tình cảm cộng đồng sắc tộc, tôn giáo.

(AFP) - Quốc Hội Anh thông qua dự luật trục xuất người di cư sang Rwanda. Trong đêm qua, 22/04/2024, dự luật gây tranh cãi về việc gửi những người xin tị nạn bất hợp pháp đến Rwanda đã được Thượng Viện Anh chấp thuận và dự kiến sẽ được trình lên vua Charles III vào cuối tuần này trước khi chính thức được ban hành. Chuyến bay đầu tiên chở những người này sẽ được khởi hành trong 10-12 tuần nữa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kế hoạch là vô nhân đạo và Rwanda cũng không phải là điểm đến an toan cho những người bị trục xuất.

(AFP) - Biến đổi khí hậu : 2,4 tỉ người lao động phải chịu nóng bức quá sức. Theo một báo cáo hôm qua, 22/04/2023, củaTổ chức Lao động Thế giới, khoảng 71% người lao động trên thế giới, tương đương 2,4 tỉ người, phải sống trong bối cảnh thời tiết nóng bức quá sức chịu đựng, vào một số giai đoạn của quá trình làm việc. Gần 23 triệu tai nạn lao động, được thống kế hàng năm, là do khí hậu bị hâm nóng, khiến ít nhất 19.000 người chết. Báo cáo mang tên ‘‘Bảo đảm an ninh và sức khỏe trong lao động vào kỷ nguyên biến đổi khí hậu’’ nhấn mạnh đến việc người lao động thường là nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu. 


*************

Chuyến đi ‘‘lịch sử’’ của tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ đến khu tự trị người Kurdistan, Irak

Trọng Thành

Hôm qua, 22/04/2024, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Taypp Erdogan, đến Erbin, thủ phủ khu tự trị của người Kurdistan tại Irak. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ công du Erbin từ 13 năm nay. Chuyến đi kéo dài ba giờ của tổng thống Erdogan được người đứng đầu khu tự trị đánh giá là có ‘‘ý nghĩa lịch sử’’.

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên Théo Renaudon tường trình từ Erbil :

‘‘Trên bàn thương lượng tối hôm qua, giữa chính quyền khu tự trị người Kurdistan của Irak và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, có vấn đề xuất khẩu trở lại dầu mỏ Kurdistan. Từ một năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ không xuất khẩu dầu của Kurdistan nữa. Đây là hậu quả của các bất đồng ngoại giao giữa chính quyền trung ương Irak và phía Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là khu tự trị người Kurdistan không còn tiền để trả lương nhân viên từ tháng 9/2023 đến nay. Không có bất cứ một thỏa thuận cụ thể nào về chủ đề này được đưa ra trong chuyến công du của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chủ đề bất đồng khác liên quan đến PKK, đảng dân tộc chủ nghĩa người Kurdistan Thổ Nhĩ Kỳ, đang trong chiến tranh với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều lực lượng của PKK cố thủ tại khu tự trị của người Kurdistan, suốt dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bật lực lượng, mà Ankara coi là khủng bố, ra khỏi khu vực nói trên, trong lúc chính quyền khu tự trị cho phép lực lượng du kích của PKK trú đóng tại vùng lãnh thổ này. Trong buổi tối hôm qua, đã không có thông báo cụ thể nào về vấn đề này.

Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng của chuyến công du của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện rõ. Tại thủ phủ Erbil của khu tự trị, hàng trăm quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ được treo trên đường phố, hay chiếu hình lên các tòa nhà. Chân dung của tổng thống Recep Tayyip Erdogan có mặt khắp nơi trên các áp phích quảng cáo. Tất cả là vì một chuyến thăm kéo dài ba giờ.’’


***********

Ba Lan có thể là bệ phóng hạt nhân cho NATO để tấn công Nga?

TRẦN PHƯƠNG

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu sau chuyến thăm Nhà Trắng, Mỹ, vào tháng 3-2024 - Ảnh: AFP

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu sau chuyến thăm Nhà Trắng, Mỹ, vào tháng 3-2024 - Ảnh: AFP

Ngày 22-4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trên báo Fakt rằng nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để đáp trả việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân sang nước láng giềng Belarus.

Đã bàn với Mỹ về vũ khí hạt nhân

Nhà lãnh đạo Ba Lan dẫn việc Nga "gần đây đã chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus" và đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Kaliningrad, một vùng lãnh thổ thuộc Nga ở Viễn Tây mà Ba Lan có chung đường biên giới.

"Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi... để củng cố sườn phía đông của NATO, chúng tôi sẵn sàng làm như vậy", ông Duda nói. 

Ông cho biết Ba Lan nhận thức được nghĩa vụ của mình trong liên minh gồm 32 thành viên này.

Ông Duda cũng chia sẻ Ba Lan đã thảo luận vấn đề này với Mỹ "một thời gian". 

"Tôi đã nói về vấn đề này nhiều lần. Tôi phải thừa nhận rằng khi được hỏi về vấn đề này, tôi đã tuyên bố sẵn sàng", ông nói sau chuyến thăm Mỹ, gặp cựu tổng thống Donald Trump và gặp đương kim Tổng thống Joe Biden vào tháng trước.

Sau đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tỏ ra thận trọng cho biết tiềm năng an ninh và quân sự của Ba Lan là ưu tiên, nhưng ông cần khẩn trương thảo luận đề xuất này với ông Duda. 

"Bất kỳ sáng kiến tiềm năng nào, trước hết, phải được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi những người chịu trách nhiệm về chúng và (tôi muốn) tất cả chúng tôi hoàn toàn tích cực rằng chúng tôi muốn điều đó", ông Tusk nói.

Thông điệp cho Nga

Mô hình một quả bom hạt nhân được trưng bày ở Matxcơva, Nga - Ảnh: AFP

Mô hình một quả bom hạt nhân được trưng bày ở Matxcơva, Nga - Ảnh: AFP

Giới chuyên gia quân sự cho rằng động thái của Ba Lan sẽ gửi "thông điệp vô cùng mạnh mẽ" đến Nga. 

"Đây là động thái táo bạo sẽ củng cố giá trị răn đe của Ba Lan trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga nếu họ có vũ khí hạt nhân đặt trong lãnh thổ của mình. Về chính trị, điều này sẽ gửi thông điệp vô cùng mạnh mẽ đến (Tổng thống Nga) Vladimir Putin", tờ The National dẫn lời ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy quân đội Anh, đánh giá. 

Ngay sau tuyên bố của ông Duda, Nga đã phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan sẽ phải tuân theo các bước cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga.

"Tất nhiên, quân đội sẽ phân tích tình hình nếu những kế hoạch như vậy được thực hiện, và trong mọi trường hợp sẽ làm mọi thứ cần thiết (sẽ thực hiện), tất cả các bước đáp trả cần có để đảm bảo an toàn của chúng tôi", ông Peskov nói.

Tiếp đó, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói Matxcơva sẽ cân nhắc mọi kịch bản Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan trong kế hoạch quân sự của mình. 

"Chính quyền Ba Lan không giấu giếm nỗ lực dựa gần hơn vào vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở châu Âu, và đang tích cực sử dụng những tham vọng này trong chính sách thù địch với Nga", bà Zakharova nói với Hãng tin TASS. 

Khi triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus cuối năm ngoái, ông Putin đã nói rằng việc này cũng giống như Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Hãng tin Sputnik của Nga cũng tố NATO leo thang nguy cơ xung đột hạt nhân, cho rằng vũ khí hạt nhân Nga chỉ được triển khai khi có nguy cơ bị tấn công, trong khi chính sách của Mỹ cho phép đánh phủ đầu.

Những nước NATO nào có vũ khí hạt nhân?

Ba thành viên NATO là cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh và Pháp. Mỹ hiện có các cơ sở hạt nhân để triển khai và lưu trữ vũ khí đặt tại một số nước đồng minh: Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Washington giữ quyền kiểm soát và giám sát tuyệt đối các loại vũ khí mà nước này triển khai.

Bảy thành viên của liên minh có máy bay có khả năng vừa mang bom thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân và sẵn sàng sử dụng nếu cần tấn công.


**********
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina: Nga bắn sập tháp truyền hình, ‘‘biểu tượng’’ của thành phố Kharkiv

Trọng Thành

Tháp truyền hình cao 240 mét của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina cách biên giới Nga khoảng 30 km, bị quân đội Nga oanh kích hôm qua, 22/04/2024. Chính quyền địa phương cho biết, một tên lửa Kh-59 đã làm sập tháp.

Đăng ngày:

3 phút

Theo Reuters, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong một phát biểu qua video ngày hôm qua đã tố cáo cuộc tấn công này là ‘‘một nỗ lực hù dọa để tất cả dân cư thành phố thấy rõ sự tàn bạo’’ của Nga. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày hôm qua, tổng thống Ukraina nhấn mạnh ‘‘đây rõ ràng là ý đồ của Nga nhằm làm cho Kharkiv trở thành một thành phố không thể sống nổi’’. Cách nay hai năm, trong những tháng đầu chiến tranh, quân đội Ukraina cùng với lực lượng dân quân địa phương đã từng bảo vệ thành công thành phố chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Về cuộc tấn công tháp truyền hình Kharkiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm:

‘‘Một biểu tượng của thành phố Kharkiv đã bị phá hủy ngày thứ Hai sau một cuộc oanh kích của Nga: tháp truyền hình thành phố trúng một tên lửa, khiến phần trên của tháp sụp xuống. Không có ai là nạn nhân trong cuộc tấn công này. Những hình ảnh về vụ oanh kích gây ấn tượng, thiệt hại là lớn. Cùng lúc đó, nhiều khu dân cư trong vùng cũng bị tấn công. Đây là bằng chứng mới về việc Nga tăng cường oanh kích nhắm vào thành phố Kharkiv, cách biên giới với Nga khoảng 30 km.

Kể từ đầu năm đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Kharkiv gia tăng, đặc biệt với việc các cơ sở hạ tầng năng lượng của thành phố lớn thứ hai Ukraina bị Nga oanh kích dữ dội. Đến cuối tháng 3, tất cả các nhà máy điện của thành phố đều bị phá hủy, khiến điện thường xuyên bị cắt. Kharkiv là nơi sinh sống của một triệu rưỡi cư dân thành phố, trong đó có hàng nghìn người chạy khỏi các vùng chiến sự.

Trong lúc đợt viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraina dường như mới sắp sửa bắt đầu, người Ukraina lo ngại Nga sẽ tiến hành các đợt tấn công mới với quy mô lớn trước khi các hệ thống phòng không mới và đạn dược, giúp bảo vệ bầu trời Ukraina, tới được nơi.’’

Zelensky và Biden thảo luận về dự án cấp tên lửa ATACMS tầm xa

Theo AFP, tổng thống Ukraina cho biết, trong cuộc điện đàm hôm qua với nguyên thủ Mỹ, hai bên ‘‘đã bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận an ninh’’ song phương. Trong những tháng gần đây, Kiev đã ký kết với nhiều thành viên NATO, như Anh, Pháp hay Phần Lan, các ‘‘thỏa thuận an ninh song phương’’, bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraina.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết Kiev và Washington đã có nhiều bước tiến trong vấn đề cấp tên lửa ATACMS ‘‘tầm xa’’ cho Ukraina. Tên lửa ATACMS, có tầm bắn từ 165 đến 300 km, được giới chuyên gia xem là vũ khí có thể tham gia thay đổi cục diện trên chiến trường. Cho đến nay Ukraina mới nhận được tên lửa ATACMS ‘‘tầm trung’’.

Thượng Viện Hoa Kỳ hôm nay sẽ bỏ phiếu về khoản viện trợ 61 tỉ đô la của Mỹ cho Ukraina, cùng với các gói viện trợ khác cho Đài Loan, Israel…, đã được Hạ Viện bật đèn xanh trước đó hôm 20/04, sau 6 tháng bế tắc. Tổng thống Biden cam kết sẽ ‘‘nhanh chóng’’ phê chuẩn quyết định viện trợ nói trên sau khi Quốc Hội lưỡng viện thông qua.


************
voatiengviet.com

Tòa Moscow bác đơn kháng cáo của nhà báo Mỹ Evan Gershkovich

AP

Nhà báo Evan Gershkovich của Wall Street Journal sẽ vẫn bị giam trong tù vì tội gián điệp cho đến ít nhất là cuối tháng 6, sau khi một tòa án ở Moscow hôm 23/4 bác bỏ đơn kháng cáo của ông yêu cầu chấm dứt việc giam giữ trước khi xét xử.

Công dân Hoa Kỳ 32 tuổi này bị bắt giữ vào cuối tháng 3 năm 2023 khi đang trong một chuyến tường trình và đã phải ngồi tù hơn một năm, khi chính quyền Nga thường xuyên gia hạn thời gian ngồi sau song sắt và bác bỏ đơn kháng cáo của ông. Tháng trước, việc giam giữ trước khi xét xử của ông lại tiếp tục – cho đến ngày 30/6 – trong một phán quyết mà ông và các luật sư của mình sau đó đã phản đối. Một tòa án phúc thẩm Moscow hôm 23/4 đã bác bỏ kháng cáo của họ.

Trong phòng xử án hôm 23/4, ông Gerhskovich mặc áo phông trắng và áo sơ mi ca-rô mở cúc, trông có vẻ thoải mái, đôi khi cười đùa và trò chuyện với các thành viên trong nhóm pháp lý của mình.

Vụ bắt giữ ông tại thành phố Yekaterinburg đã gây chấn động đối với các nhà báo ở Nga, nơi chính quyền chưa đưa ra chi tiết về những bằng chứng nào, nếu có, mà họ có để hỗ trợ cho cáo buộc gián điệp.

Nhà báo Gershkovich và cơ quan chủ quản của ông đã phủ nhận các cáo buộc này. Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố ông đã bị giam giữ oan trái.

Các nhà phân tích cho rằng Moscow có thể đang sử dụng những người Mỹ đang bị bỏ tù làm con bài mặc cả trong việc gia tăng căng thẳng Mỹ-Nga về hoạt động quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine. Ít nhất hai công dân Mỹ bị bắt ở Nga trong những năm gần đây, trong đó có ngôi sao bóng rổ WNBA Brittney Griner, và đã được trao đổi bằng những người Nga bị bỏ tù ở Mỹ.

Vào tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã đưa ra một đề nghị quan trọng để đảm bảo thả ông Gershkovich và ông Paul Whelan, một người Mỹ khác bị cầm tù ở Nga vì tội gián điệp, nhưng Moscow đã từ chối.

Các quan chức không cho biết cụ thể lời đề nghị này, mặc dù Nga được cho là đang tìm cách đòi tự do cho ông Vadim Krasikov, người bị kết án chung thân ở Đức vào năm 2021 vì tội giết Zelimkhan “Tornike” Khangoshvili, một công dân Georgia 40 tuổi ở Berlin, thuộc dòng dõi người gốc Chechnya, vốn là những người từng chiến đấu chống Nga ở Chechnya và sau đó xin tị nạn ở Đức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi được hỏi về việc trả tự do cho ông Gershkovich trong năm nay, có vẻ muốn chuộc lại ông Krasikov bằng cách đề cập đến một người đàn ông đã bị một đồng minh Hoa Kỳ bỏ tù vì tội giết người được cho là đã giết lính Nga trong cuộc giao tranh ly khai ở Chechnya.

Ngoài gợi ý đó, các quan chức Nga vẫn giữ im lặng về các cuộc đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov liên tục nói rằng trong khi “các giao tiếp nhất định” về việc trao đổi vẫn tiếp tục, “chúng phải được thực hiện trong sự im lặng tuyệt đối”.

Ông Gershkovich là phóng viên Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội gián điệp ở Nga kể từ tháng 9 năm 1986, khi Nicholas Daniloff, phóng viên ở Moscow của US News and World Report, bị KGB bắt giữ.

Ông Daniloff được thả mà không bị buộc tội 20 ngày sau đó để đổi lấy một nhân viên của phái bộ Liên Hiệp Quốc của Liên Xô, người đã bị FBI bắt giữ cũng vì tội gián điệp.


***********
voatiengviet.com

Giữa căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ cấp phi đạn hành trình siêu thanh cho Philippines

VOA News

Ấn Độ đã bắt đầu chuyển giao phi đạn hành trình siêu thanh cho Philippines khi hai nước thắt chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.

Phi đạn BrahMos đang được Philippines mua theo hợp đồng trị giá 375 triệu đô la được ký vào năm 2022.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hôm 19/4 tại một cuộc mít tinh bầu cử: “Bây giờ chúng ta cũng đang xuất khẩu phi đạn BrahMos. Lô phi đạn đầu tiên này sẽ đến Philippines vào ngày hôm nay”.

Ấn Độ và Philippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng khi mối lo ngại về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ngày càng sâu sắc ở cả hai nước.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã leo thang trong năm qua khi Bắc Kinh viện dẫn các quyền lịch sử để đưa ra yêu sách đối với các khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng đối đầu quân sự kéo dài 4 năm của New Delhi với Bắc Kinh dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya không có nhiều tiến triển.

Tại New Delhi, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ muốn tham gia vào việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn khi lo ngại gia tăng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

“Bản thân việc chuyển giao phi đạn BrahMos cho Philippines không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng ý tưởng là chúng ta là một phần của liên minh rộng lớn hơn gồm các quốc gia, trong đó có Mỹ, đang cố gắng xây dựng sức mạnh và củng cố an ninh cho các quốc gia nhỏ hơn như Philippines. Đó là cái mà chúng tôi gọi là chiến lược làm việc theo mạng lưới”, theo ông Sreeram Chaulia, khoa trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal.

Căng thẳng giữa Philippines và Bắc Kinh đã gia tăng sau những cuộc đối đầu gần đây giữa lực lượng tuần duyên và các tàu khác của hai nước.

Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, triển khai tàu tuần duyên để tuần tra những gì họ cho là vùng biển của mình. Ngoài Philippines, Bắc Kinh cũng có tranh chấp hàng hải với các nước bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Các phi đạn do Ấn Độ cung cấp được sản xuất dưới một liên doanh với Nga. Chúng là hệ thống chống hạm đặt trên bờ với tầm bắn 290 km. Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ cung cấp ba phiên bản của hệ thống phi đạn, theo truyền thông trong nước ở New Delhi.

Phụ tá tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, Jonathan Malaya, nói với các phóng viên ở Manila rằng phi đạn sẽ được Thủy quân lục chiến Philippines triển khai.

Ông Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, trong các bình luận được gửi qua email nói với VOA: “Điều này bổ sung thêm một lớp răn đe quan trọng và thực tế cho Philippines trong bối cảnh nguồn lực quân sự hạn chế của nước này trước Trung Quốc”. Ông cho biết các phi đạn này sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ ven biển để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền hiệu quả hơn ở Biển Tây Philippines vào thời điểm Trung Quốc không ngừng theo đuổi tham vọng bành trướng đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Các nhà phân tích cho rằng việc xây dựng hợp tác quốc phòng với Philippines cũng là tín hiệu cho thấy New Delhi hiện đang vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để góp phần duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm Manila vào tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nhắc lại “sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của nước này”.

Khẳng định rằng cả hai nước đều có “lợi ích rất sâu sắc” trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo, nói rằng “chính tại khu vực này và chính trong bối cảnh này, chúng tôi đang thường xuyên thảo luận sâu rộng về hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh.”

Một tàu tuần duyên Ấn Độ đã đến thăm Philippines trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ. Hai nước cũng dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận hải quân chung.

“Ấn Độ cũng là đối tác an ninh thân thiết của các đối tác chiến lược quan trọng của Manila, như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này khiến việc Philippines tăng cường quan hệ với Ấn Độ càng trở nên thiết thực hơn”, ông Don McLain Gill chỉ ra.

Ấn Độ trong nhiều năm đã do dự về việc xuất khẩu phi đạn BrahMos vì tin rằng hợp tác quốc phòng tiên tiến với các nước như Philippines mà Trung Quốc có tranh chấp sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng các nhà phân tích cho rằng New Delhi đã đảo ngược hướng đi. Ấn Độ cũng đang dần xây dựng quan hệ quân sự với Việt Nam, quốc gia cũng đang có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.

Ông Chaulia nói: “Khi tranh chấp của chúng tôi với Trung Quốc không được giải quyết, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quan điểm rõ ràng và họ đã quyết định hỗ trợ nhu cầu an ninh của các quốc gia như Philippines một cách rất cụ thể”. “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng họ không thể trang bị cho đối thủ của chúng tôi như Pakistan những vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến mà mong rằng chúng tôi sẽ không đáp lại”.

Việc chuyển giao phi đạn cho Philippines đánh dấu lần xuất khẩu hệ thống phi đạn đầu tiên của Ấn Độ. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phần lớn vũ khí của chính mình, là nước xuất khẩu thiết bị quân sự ở mức độ nhẹ, nhưng đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng.


************

Tin tức thế giới 24-4: Mỹ sắp thông qua hỗ trợ Ukraine

TRẦN PHƯƠNG

Lực lượng Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và vũ khí trầm trọng thời gian qua khi viện trợ của Mỹ bế tắc - Ảnh: AFP

Lực lượng Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và vũ khí trầm trọng thời gian qua khi viện trợ của Mỹ bế tắc - Ảnh: AFP

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về viện trợ Ukraine, lệnh cấm TikTok

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vào cuối ngày 23-4, giờ địa phương, để bật đèn xanh viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine, đồng thời tạo tiền đề cho việc cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok.

Gói hỗ trợ gần như chắc chắn sẽ được thông qua sau khi đã vượt qua ải Hạ viện đầy khó khăn. "Chúng ta đừng để bạn bè trên khắp thế giới phải chờ đợi thêm một phút nào nữa. Đã đến lúc hoàn thành công việc", Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer nói. Gói hỗ trợ quân sự lên tới 95 tỉ USD cho các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả tiền cho Israel và Đài Loan cùng với 61 tỉ USD dành cho Ukraine. Sau khi được thông qua, một số vũ khí có thể được Mỹ chuyển ngay cho Ukraine.

Ngoài ra, dự luật cũng sẽ đính kèm biện pháp cấm TikTok nếu mạng xã hội này không sớm cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc TikTok chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết ByteDance đang "cố gắng đánh cắp AI và hack công nghệ Mỹ mỗi ngày".

Ukraine tìm cách buộc nam giới trong tuổi quân sự về nước

Ukraine đình chỉ các dịch vụ lãnh sự đối với nam giới trong độ tuổi chiến đấu sống ở nước ngoài, một trong các biện pháp buộc thanh niên về nước trong bối cảnh quân đội nước này đang thiếu nhân lực để chống lại Nga.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Ukraine "tuyên bố tạm dừng nhận đơn đăng ký dịch vụ lãnh sự mới" đối với nam giới từ 18 đến 60 tuổi, tuy nhiên sẽ vẫn cung cấp các giấy tờ cho phép họ quay trở lại Ukraine.

Biện pháp này gắn liền với luật huy động quân sự sẽ có hiệu lực vào ngày 18-5. "Việc ở lại nước ngoài không làm giảm bớt nghĩa vụ của một công dân đối với quê hương", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói.

Tin tức thế giới 24-4: Mỹ sắp thông qua hỗ trợ Ukraine- Ảnh 3.

Nga bắt thứ trưởng quốc phòng vì nhận hối lộ

Ngày 23-4, Ủy ban điều tra Nga cho biết đã bắt giữ Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov vì nghi ngờ nhận hối lộ giữa lúc chiến sự với Ukraine đang nóng. Cơ quan này không cung cấp thông tin chi tiết về vụ bắt giữ hiếm hoi.

Tuy nhiên, Hãng tin AFP ông Ivanov đang bị Liên minh châu Âu trừng phạt với tư cách là quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng phụ trách xây dựng các cơ sở quân sự. Năm 2022, tổ chức chống tham nhũng của nhân vật đối lập Alexei Navalny cáo buộc ông Ivanov giám sát và thu lợi từ các dự án xây dựng ở Mariupol của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều tra mộ tập thể ở bệnh viện Gaza

Ngày 23-4, Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về các báo cáo về các ngôi mộ tập thể tại hai bệnh viện ở Gaza bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel. LHQ cho rằng có thể đã xảy ra tội ác chiến tranh. Văn phòng nhân quyền LHQ cầu "các cuộc điều tra độc lập, hiệu quả và minh bạch về những cái chết".

Trước đó, lực lượng phòng vệ Gaza cho biết các nhân viên y tế đã phát hiện gần 340 thi thể của những người Palestine tại bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Yunis. Phong trào Hồi giáo Hamas cáo buộc Israel sát hại và chôn những người này.

Quân đội Israel thừa nhận đã kiểm tra các thi thể tại bệnh viện Nasser để tìm kiếm các con tin nhưng bác bỏ cáo buộc rằng lực lượng này đã sát hại họ. "Tuyên bố rằng IDF (Lực lượng phòng vệ Israel) chôn thi thể người Palestine là vô căn cứ", Hãng tin AFP dẫn lời lực lượng này phản bác.

Trong hơn 6 tháng đánh vào Dải Gaza, Israel đã nhiều lần tấn công các bệnh viện tại khu vực này với cáo buộc Hamas đặt trung tâm chỉ huy, giấu vũ khí và con tin trong những cơ sở này.

Các thi thể được chôn tập thể ở bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Yunis phía nam Gaza - Ảnh: AFP

Các thi thể được chôn tập thể ở bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Yunis phía nam Gaza - Ảnh: AFP

Hezbollah phóng 'hàng chục' rocket vào Israel

Nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon tuyên bố đã phóng hàng chục rocket vào miền bắc Israel ngày 23-4 để đáp trả việc 2 thường dân thiệt mạng trong một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện ở phía nam Lebanon. Hãng tin quốc gia Lebanon xác nhận nhiều người bị thương bởi cuộc không kích.

Trước đó cùng ngày, Hezbollah cũng sử dụng máy bay không người lái đánh các căn cứ phía bắc Israel. Cuộc tấn công nhắm sâu vào Israel hơn khu vực biên giới mà nhóm này thường thực hiện. Những ngày qua, Hezbollah đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các vị trí bên trong Israel.

Hamas phát động leo thang khắp mặt trận nhắm vào Israel

Người phát ngôn của Lữ đoàn al-Qassam vũ trang của Hamas, Abu Ubaida, ngày 23-4 đã kêu gọi leo thang trên tất cả các mặt trận trong bài phát biểu trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Hamas tròn 200 ngày. Người phát ngôn Hamas ca ngợi cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 13-4 và kêu gọi leo thang ở Bờ Tây và Jordan, gọi đây là " một trong những mặt trận Ả Rập quan trọng nhất". Hamas cũng cáo buộc Israel đang trì hoãn việc đạt được thỏa thuận trao đổi con tin và đang cố gắng cản trở nỗ lực của các nhà hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Tại Gaza, căng tăng tăng lên khi Israel đẩy mạnh không kích khắp khu vực này. Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên quân đội Israel Avichay Adraee kêu gọi cư dân của 4 khu vực ở Beit Lahiya ở rìa phía bắc Gaza di chuyển đến nơi trú ẩn ở 2 khu vực được chỉ định.

Ông Trump có thể bị tòa phạt vì phát ngôn

Thẩm phán Juan Merchan dường như đã sẵn sàng xử phạt cựu Tổng thống Donald Trump vì vi phạm lệnh phải giữ miệng trong vụ án hình sự liên quan đến khoản tiền ông Trump trả cho ngôi sao khiêu dâm trước cuộc bầu cử 2016. Thẩm phán cho rằng ông Trump đã vi phạm hơn 10 lần với các bài đăng trên mạng Truth Social của ông.

Phiên tòa ngày 23-4 cũng xôn xao với việc nhà cựu xuất bản David Pecker của tờ báo lá cải National Enquirer kể về việc đã che giấu các câu chuyện bất lợi cho ông Trump năm 2016, chẳng hạn câu chuyện về mối quan hệ tình cảm giữa Trump và người mẫu Playboy Karen McDougal.

Lễ hội thả diều

Những con diều được tạo hình cá dễ thương tung bay trong Lễ hội diều quốc tế lần thứ 37 được tổ chức tại bãi biển Berck-sur-Mer ở miền bắc nước Pháp, ảnh chụp ngày 21-4. (Reuters/Sarah Meyssonnier)

Những con diều được tạo hình cá dễ thương tung bay trong Lễ hội diều quốc tế lần thứ 37 được tổ chức tại bãi biển Berck-sur-Mer ở miền bắc nước Pháp, ảnh chụp ngày 21-4. (Reuters/Sarah Meyssonnier)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn