Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 17 -4 -2024

Thứ Tư, 17 Tháng Tư 20245:00 SA(Xem: 415)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 17 -4 -2024


Hoaluc 4************
rfi.fr

Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với TT Putin để ngừng chiến tranh ở Ukraina

Thu Hằng

Ngày 16/04/2024, trong ngày công du cuối cùng ở Trung Quốc, thủ tướng Đức đã được chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Ông Olaf Scholz đã đề nghị nguyên thủ Trung Quốc gây sức ép với Matxcơva ngừng « chiến dịch vô nghĩa » và « rút hết quân khỏi ở Ukraina » vì theo ông, « lời nói của Trung Quốc có trọng lượng ở Nga ».

Đăng ngày:

3 phút

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm :

« Chắc phải tin rằng ông Tập Cận Bình và Olaf Scholz có rất nhiều chuyện nói với nhau. Cuộc gặp hơn 3 tiếng giữa hai lãnh đạo là cơ hội để thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi cải thiện điều kiện thâm nhập thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Đức, sau khi đã đề cập với thủ tướng Lý Cường những chủ đề gây khó chịu về kinh tế vào buổi sáng.

Theo truyền thông Nhà nước, đối với chủ tịch Trung Quốc, cần « phát triển quan hệ song phương toàn diện trong viễn cảnh chiến lược lâu dài ». cũng được đề cập. Người đứng đầu Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Trung-Đức là một cơ hội chứ không phải là nguy cơ, vào lúc căng thẳng gia tăng giữa châu Âu và Trung Quốc, và vào đúng ngày chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo một loạt biện pháp hạn chế thương mại mới nhắm vào quốc gia có 1 tỷ rưỡi dân.

Liên quan đến Ukraina, giống như những nhà lãnh đạo châu Âu đến Bắc Kinh trước đó, thủ tướng Olaf Scholz làm hài lòng đối tác Trung Quốc khi khẳng định nhờ vị thế của mình, Trung Quốc là một trong những nước quan trọng nhất gây được ảnh hưởng với đồng minh Nga. Thủ tướng Đức nhất trí với đồng nhiệm Trung Quốc về việc ủng hộ Hội nghị về Hòa bình ở Ukraina do Thụy Sĩ dự kiến tổ chức ngày 15 và 16/06 ».

Trên mạng X ngày 16/04, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ca ngợi rằng « vai trò tích cực của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiến bộ » trong việc « mở ra con đường hòa bình công bằng cho Ukraina » thông qua Hội nghị ở Thụy Sĩ.

Hội Đồng Châu Âu họp bàn hỗ trợ thêm cho Ukraina

Hội Đồng Châu Âu họp tại Bruxelles, Bỉ, ngày 17/04/2024 với hai chủ đề chính : gia tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraina và tình hình căng thẳng ở Trung Cận Đông. Khoản tiền lãi 3 tỉ euro hàng năm từ tài sản của Nga đã được 27 nước thành viên Liên Âu nhất trí sử dụng để viện trợ cho Kiev. Cuộc họp lần này sẽ thảo luận « cơ chế » hỗ trợ và giải quyết « một vài chi tiết pháp lý ».

Trước đó, ngày 12/04, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển và lâu dài cho Ukraina », đồng thời « thảo luận về những sáng kiến của Liên Âu hỗ trợ quân sự » cho Kiev.


**************

Cư dân nói xe tăng Israel quay lại bắc Gaza, máy bay chiến đấu tấn công vùng Rafah

Reuters

Hôm 16/4, xe tăng Israel lại xông vào các khu vực phía bắc Dải Gaza mà họ đã rời đi vài tuần trước, trong khi máy bay chiến đấu tiến hành các cuộc không kích vào vùng Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở phía nam vùng lãnh thổ, giết chết và làm bị thương một số người, các bác sĩ và người dân cho Reuters biết.

Người dân nói rằng internet bị ngừng hoạt động ở các khu vực Beit Hanoun và Jabalia ở phía bắc Gaza. Các xe tăng Israel đã tiến vào vùng Beit Hanoun và bao vây một số trường học nơi các gia đình di cư đang trú ẩn, người dân và cơ quan truyền thông của nhóm chiến binh Palestine Hamas cho hay.

“Lực lượng chiếm đóng đã ra lệnh cho tất cả các gia đình ở trong trường học và những ngôi nhà gần đó phải sơ tán, xe tăng đã tiến tới đó. Binh lính đã bắt giữ nhiều người đàn ông”, một người dân ở phía bắc Gaza nói với Reuters qua một ứng dụng nhắn tin.

Vùng Beit Hanoun, nơi sinh sống của 60.000 người, là một trong những khu vực đầu tiên bị Israel tấn công vào Gaza vào tháng 10 năm ngoái. Cuộc bắn phá dữ dội đã biến phần lớn vùng Beit Hanoun, từng được gọi là “vựa trái cây” vì có vườn cây ăn quả, thành một thị trấn ma gồm những đống gạch vụn.

Một số người dân nói rằng nhiều gia đình đã quay trở lại Beit Hanoun và Jabalia trong những tuần gần đây sau khi lực lượng Israel rút quân, nhưng hôm 16/4 họ lại bắt đầu phải chuyển đi vì cuộc đột kích mới.

Các quan chức y tế Palestine cho biết một cuộc tấn công của Israel đã khiến 4 người chết và làm bị thương một số người khác ở vùng Rafah, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người dân Gaza đang trú ẩn và chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố giáp biên giới Ai Cập.

Các quan chức y tế Palestine nói rằng ngay trước nửa đêm, một cuộc không kích của Israel đã đánh trúng một ngôi nhà ở Rafah khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em và làm bị thương một số người khác. Hiện chưa có bình luận ngay lập tức của Israel về vụ việc này.

Các quan chức y tế Palestine và truyền thông Hamas cho hay một cuộc không kích của Israel cũng đã giết chết 11 người Palestine, bao gồm cả trẻ em, tại trại tị nạn Al-Maghazi ở trung tâm Dải Gaza. Quân đội Israel không trả lời ngay lập tức cho đề nghị đưa ra bình luận của Reuters.

Bộ Nội vụ do Hamas điều hành cũng cho biết một cuộc không kích của Israel đã đánh trúng một xe cảnh sát ở quận Tuffah của Thành phố Gaza, khiến 7 cảnh sát thiệt mạng.

Quân đội Israel nói lực lượng của họ tiếp tục hoạt động ở trung tâm Dải Gaza và họ đã tiêu diệt một số tay súng đang cố gắng tấn công họ.

“Hơn nữa, trong ngày qua, các máy bay chiến đấu và những máy bay khác của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phá hủy một bệ phóng tên lửa cùng với hàng chục cơ sở hạ tầng của quân khủng bố, đường hầm khủng bố và các khu quân sự nơi những kẻ khủng bố có vũ trang của Hamas ẩn náu”, tuyên bố cho biết thêm.

Tại trại tị nạn Al-Nusseirat ở trung tâm Dải Gaza, người dân nói rằng máy bay Israel đã ném bom và phá hủy bốn tòa nhà dân cư nhiều tầng hôm 16/4.

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hôm 16/4 rằng Israel vẫn đang áp đặt các hạn chế “bất hợp pháp” đối với hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Gaza, bất chấp những khẳng định từ Israel và các nước khác rằng các rào cản đã được nới lỏng.

Theo cơ này của Liên Hiệp Quốc, Israel đang chịu áp lực quốc tế phải cho phép thêm viện trợ vào Gaza, đặc biệt là các khu vực phía bắc nơi nạn đói dự kiến sẽ xảy ra vào tháng 5.

Quân đội Israel cho hay họ đã tạo điều kiện cho 126 xe tải đi vào phía bắc Gaza vào tối ngày 15/4 từ phía nam.

Bộ Y tế Palestine đưa ra thông tin rằng hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng vì hỏa lực của Israel kể từ ngày 7/10/2023, trong đó có 46 người chết trong 24 giờ qua.


***********

Điện đàm với Trung Quốc, Mỹ nói tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

NHẬT ĐĂNG

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định tiếp tục các cuộc tuần tra ở Biển Đông, bất chấp mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin - Ảnh: REUTERS

Đây là một trong những nội dung trao đổi liên quan tới Biển Đông giữa ông Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân ngày 16-4, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lầu Năm Góc cho biết tại cuộc trao đổi, ông Austin nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động của tàu thuyền và máy bay "theo cách an toàn và có trách nhiệm, ở mọi nơi miễn được luật pháp quốc tế cho phép".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời nói Mỹ muốn "nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tôn trọng tự do hàng hải ở các vùng biển cả, vốn được đảm bảo bằng luật pháp quốc tế, đặc biệt tại Biển Đông".

Cuộc trao đổi trực tuyến qua video này được xem như lần thảo luận đáng kể đầu tiên giữa sếp quốc phòng Mỹ và Trung Quốc trong gần một năm rưỡi qua.

Mối quan hệ quốc phòng hai bên đã căng thẳng đặc biệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi năm 2022. Chính vì vậy, trao đổi giữa ông Austin và ông Đổng cũng có thể được xem như nỗ lực duy trì liên lạc, khôi phục đối thoại giữa hai nước.

Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chính sách cạnh tranh với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra "vì tự do hàng hải" (FONOPs). Bắc Kinh luôn phản đối sự hiện diện của Mỹ cũng như FONOPs.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đánh giá việc duy trì liên lạc với Trung Quốc rất cần thiết để tránh căng thẳng vượt tầm kiểm soát.

"Hai quan chức đã thảo luận về quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung và các vấn đề an ninh khu vực, toàn cầu. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng về việc tiếp tục mở rộng đường dây liên lạc giữa quân đội với quân đội của Mỹ và Trung Quốc", Lầu Năm Góc mô tả nội dung thảo luận trong thông cáo.

Lần sau cùng ông Austin có cuộc tương tác đáng chú ý với người đồng cấp của Trung Quốc là từ tháng 11-2022, thời điểm ông gặp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc khi ấy Ngụy Phượng Hòa ở Campuchia.

Ông Ngụy sau đó được thay bằng ông Lý Thượng Phúc, người đã bắt tay và nói chuyện ngắn với ông Austin tại Singapore vào tháng 6-2023. Tuy nhiên thời điểm ấy hai bên không tổ chức họp chính thức.


*************

Thách thức Nhật Bản trở thành một « cường quốc công nghiệp vũ khí

Thanh Hà

Kết thúc tuần lễ công du Hoa Kỳ, thủ tướng Nhật ra về với khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hoàn thành mục tiêu đưa quan hệ song phương lên hàng « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh ». Mở rộng quan hệ quốc phòng với Mỹ là đòn bẩy cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật vốn đang bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Bắc Kinh đứng trước thách thức Tokyo trở thành một nhà máy sản xuất, một kho vũ khí ngay sát cạnh.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ từ ngày 10 đến 13/04/2024. Giới quan sát phương Tây đồng loạt đánh giá đây là một chuyến đi lịch sử với hai cột mốc quan trọng là thượng đỉnh song phương tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc họp tay ba với nguyên thủ Hoa Kỳ và tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng.

Lần đầu tiên từ Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ-Nhật thắt chặt hợp tác quốc phòng « chặt chẽ » chưa từng thấy. Trong những tuần lễ sắp tới Lầu Năm Góc cùng với các bộ Quốc Phòng và Công Nghiệp Nhật Bản đi sâu thêm vào chi tiết cụ thể các chương trình hợp tác, song báo chí tại Washington và Tokyo nói đến « khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng » đã được thông qua.

Viễn cảnh Nhật sản xuất vũ khí cạnh Trung Quốc

Những thỏa thuận nói trên xoay quanh ba trục : Ưu tiên « nâng cao hiệu quả khả năng tương tác » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nghĩa là để các đơn vị của Mỹ tại Nhật Bản bớt phụ thuộc vào bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đặt tại Hawaii, cách thủ đô Tokyo đến 6.000 cây số.

Trục thứ nhì là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và chiến lược bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Vế thứ ba liên quan đến hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng hai nước. Washington và Tokyo cam kết « cùng nhau phát triển, sản xuất tên lửa, cùng nhau bảo trì chiến hạm và máy bay quân sự của Mỹ tại Nhật Bản ». Ngành công nghệ quốc phòng của hai nước « phối hợp chặt chẽ với nhau hơn » ở nhiều khâu, từ nghiên cứu khoa học kỹ thuật đến khả năng sản xuất những thiết bị trong công nghệ không gian phục vụ cả các mục tiêu dân sự và quân sự… Kết hợp với Mỹ, Nhật Bản khai thác những thế mạnh của mình để trở thành một nguồn sản xuất và cung cấp vũ khí trên thế giới- kể cả cho Hoa Kỳ.  

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre Antoine Donnet nói đến một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Ông Donnet từng điều hành các văn phòng của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh và Tokyo, và hiện là một cây bút chính của báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst : 

Pierre Antoine Donnet : « Một trong những vế chính của hàng loạt những thỏa thuận quốc phòng song phương là Mỹ -Nhật cùng nhau sản xuất các loại vũ khí thế hệ mới. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với cả Washington lẫn Tokyo. Hợp tác quân sự lại càng khắn khít hơn khi đôi bên đồng ý nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật, với một mục đích rõ ràng là đối phó với hiểm họa Trung Quốc. (...) 

Tôi nghĩ rằng lợi ích ở đây là cả đối với hai phía Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện tại, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật chậm phát triển hơn nhiều so với của Trung Quốc và còn kém cỏi so với một số quốc gia khác nữa. Trái lại, đội ngũ kỹ sư của Nhật được đào tạo và có chuyên môn rất cao. Từ nhiều thập niên qua Nhật Bản luôn dẫn đầu về công nghệ mới. Thành thử khi mà Mỹ, Nhật hợp tác với nhau để cùng chế tạo thiết bị quân sự hay vũ khí thì hai nền công nghiệp này sẽ bổ sung cho nhau, họ sẽ nhanh chóng sản xuất được nhiều và với giá rẻ. Thêm một lợi thế khác nữa là vũ khí sẽ sản xuất trên lãnh thổ Nhật Bản. Điều này cho phép nền công nghiệp quốc phòng của Nhật nhanh chóng phát triển và có nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn. Nói cách khác đây là một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ».   

Đành rằng trong thông cáo chung, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cùng nhấn mạnh chủ đích của đôi bên là « tăng cường khả năng răn đe », để bảo đảm Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng biển « tự do và rộng mở trước những thách thức ngày càng lớn đối với an ninh khu vực ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet mục tiêu răn đe đó của Hoa Kỳ và Nhật Bản trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.

Pierre Antoine Donnet« Trong những ngày vừa qua chúng ta thấy rõ tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng quyết tâm thiếp lập một liên minh quân sự càng lúc càng chặt chẽ giữa hai quốc gia đồng minh này và cùng với một số nước khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để cưỡng lại áp lực đang lớn mạnh từ phía Trung Quốc. Áp lực đó ngày càng rõ nét để trở thành một mối đe dọa về mặt quân sự. (...)

Một trong những người đầu tiên chủ trương tái vũ trang Nhật Bản là cố thủ tướng Shinzo Abe và như đã biết, ông đã bị ám sát hồi năm 2022. Giờ đây thủ tướng đương nhiệm, Fumio Kishida, khẳng định rằng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc đã lớn đến mức mà Nhật Bản cần nhanh chóng hiện đại hóa quân đội để có thể đối phó trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Chính ông Kishida quyết định đẩy ngân sách quốc phòng của Nhật đang từ 1 % GDP lên thành 2 % trong một thời gian rất ngắn và đây là điều chưa từng xảy ra tại một quốc gia có bản Hiến Pháp chủ hòa như ở Nhật từ khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai năm 1945 ». 

Từng công tác lâu năm tại Bắc Kinh và Tokyo, Pierre Antoine Donnet không quên yếu tố Philippines trong những tính toán của cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản như đã được ghi nhận nhân thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines hôm 11/04/2024 vừa qua :

Pierre Antoine Donnet : «Thực ra thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines quan trọng không kém, vì Biển Đông trải rộng trên diện tích khoảng 4 triệu cây số vuông là nơi mà Trung Quốc không ngừng phô trương thanh thế, lắp đặt các cơ sở quân sự… Đây là một khu vực quan trọng bậc nhất về mặt địa chính trị và là một ngả giao thương quốc tế, mà hàng tỷ đô la hàng hóa đi qua. Những hành vi hù dọa, uy hiếp tàu thuyền Philippines từ hơn một tháng nay là nhằm thị uy, để Manila tách rời khỏi Washington và công nhận Trung Quốc là ông chủ trong vùng biển này. Qua đó Philippines phải thuần phục Bắc Kinh, thuần phục đảng Cộng Sản Trung Quốc »..  

Chiến lược phát triển công nghiệp vũ khí của Nhật

Để trở thành « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh » của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã có những bước chuẩn bị dài hơi : tháng 12/2023 chính quyền Fumio Kishida thông qua ngân sách quốc phòng hơn 50 tỷ đô la cho giai đoạn 2024-2025, tăng 17 % so với một năm trước đó.

Tokyo từ 2022 trong hai tài liệu về Chiến Lược Quốc Phòng và Chiến Lược An Ninh Quốc Gia đã đề ra mục tiêu dành đến 2 % GDP cho các chi phí quân sự mà chủ yếu là « tăng tốc hiện đại hóa quân đội » như vừa nói có nghĩa là, thiết kế tàu chiến thế hệ mới, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Aegis của Mỹ, tăng cường khối lượng dự trữ tên lửa, mua thêm tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, phát triển hệ thống phòng không chống tên lửa siêu thanh... Tokyo cũng dành hẳn nhiều ngân sách cho các vế sản xuất drone, mở rộng các hoạt động về an ninh mạng và mảng « công nghệ không gian phục vụ các mục tiêu quân sự ».

Nhà nghiên cứu Marianne Péron Doise, chuyên về an ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Paris lưu ý, Nhật Bản là một quốc gia duy nhất trên thế giới quyết định « tăng chi phí quốc phòng tương đương với 1 % GDP lên thành 2 % tổng sản phẩm nội địa trong vỏn vẹn 5 năm ». Đó là yếu tố đầu tiên khiến Mỹ rất hài lòng.

Hơn nữa, do cuộc chiến Ukraina, Tokyo đã nới lỏng một số nguyên tắc cho phép chuyển giao thiết bị quân sự, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho một số quốc gia. Từ 2014 Nhật Bản đã bắt đầu xuất khẩu thiết bị quân sự với điều kiện đó không là vũ khí sát thương, nhưng đến cuối 2023 thì danh sách hàng được xuất khẩu trong lĩnh vực này đã được mở rộng thêm và bao gồm cả 80 « loại vũ khí và thiết bị sát thương, 13 quốc gia được giao dịch với các tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực này ». Hãng tin Kyodo khẳng định « Nhật Bản, tựa như Hoa Kỳ hay Pháp muốn trở thành một nguồn xuất khẩu vũ khí trên thế giới và đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử »

Những thay đổi nói trên vừa là cơ sở vừa là cơ hội cho các chương trình hợp tác tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản.

Ẩn số về tiềm lực của mạng lưới công nghiệp Nhật Bản

Câu hỏi còn lại là liệu rằng các tập đoàn công nghiệp của Nhật như Toshiba, Mitsubishi Electric hay Subaru, Daikin có đủ sức và dễ dàng chấp nhận lao vào cuộc chơi cộng tác rồi cạnh tranh với những « ông lớn » trong ngành như Lockheed Martin của Mỹ hay BAE Systems PLC của Anh hay không ?

Theo một điều tra của Reuters (26/03/2023) nếu như trong nhiều thập niên qua các tập đoàn nói trên, với tên tuổi rất quen thuộc với người tiêu dùng, đã « kín đáo trang bị cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng công suất để trở thành những con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí không là chuyện dễ vì số này sợ rằng sẽ mất đi cảm tình của người tiêu dùng bình thường tại một quốc gia mà công luận có khuynh hướng chủ hòa. Một nhà báo độc lập tại Tokyo được báo The Diplomat hôm 10/04/2024 trích dẫn lo ngại về khả năng sản xuất của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản vừa phục vụ các mục tiêu dân sự và quân sự có hạn.

Thí dụ như Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy bay phản lực và tên lửa để răn đe Trung Quốc nhưng hoạt động chính của tập đoàn này là chế tạo động cơ máy bay dân sự và trang thiết bị cho các nhà máy điện, sản xuất máy móc cho các dây chuyền lắp ráp xe ô tô … Các hợp đồng với chính phủ Nhật chỉ chiếm « 10 % doanh thu của đại công ty này ».  

Không chắc các thỏa thuật phát triển vũ khí chung với Mỹ mà thủ tướng Fumio Kishida vừa đạt được nhanh chóng cho phép đảo ngược thế cờ.

Dù vậy nhìn từ Bắc Kinh, viễn cảnh Nhật Bản và Mỹ hợp tác để trở thành những nguồn cung cấp vũ khí cho thế giới, viễn cảnh tên lửa hiện đại hay các hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu thanh sắp ra đời ngay trên lãnh thổ Nhật Bản gần sát Trung Quốc không là một điềm lành.

Đây sẽ là một yếu tố mới gây thêm hiềm khích giữa Tokyo và Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm mà kinh tế Nhật Bản thì đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid, các chỉ số chứng khoán của Tokyo đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trái lại không khí trên các sàn chứng khoán Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.

Do vậy giới phân tích chờ đợi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng cường tiềm năng công nghiệp quốc phòng để vẫn giữ được thế thượng phong so với các tập đoàn của Nhật, để không bị ảnh hưởng vì chiến thuật « răn đe » từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ.


*********
rfi.fr

Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?

Trọng Thành

Tối ngày 13/04/2024, Iran ồ ạt oanh kích Israel với gần 300 drone và tên lửa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Teheran trực tiếp tấn công lãnh thổ Israel. Với cuộc tấn công rầm rộ, mà Iran khẳng định là để trả đũa vụ oanh kích vào lãnh sự quán Iran ở Damas, Syria, Teheran được lợi những gì và phải gánh chịu các thiệt hại, rủi ro nào ? 

Sau đây là tóm lược một số nhận định với đài Bỉ RTBF, của nhà chính trị học Jonathan Piron, chuyên gia về Trung Đông và Iran, thành viên Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh (GRIP). Các nhận định được đưa ra ngay sau cuộc oanh kích chưa từng có. 

Phản ứng mạnh, nhưng chừng mực: Iran khẳng định không ở thế yếu

Nhà chính trị học Jonathan Piron ghi nhận trước hết về tính chất chừng mực của cuộc tấn công tuy có quy mô lớn gây ấn tượng mạnh, nhưng trên thực tế chế độ Teheran ‘‘đã không có lựa chọn nào khác hơn là buộc phải trả đũa, và trả đũa khá mạnh’’ để đáp lại việc Israel ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’. Ngay sau cuộc tấn công này, Teheran đã khẳng định là vụ việc đã khép lại, và đối với Iran, cuộc oanh kích quy mô này chỉ để đáp trả hành động của Israel ngày 01/04/2024.

Teheran không thể không có một phản ứng được coi là mạnh mẽ. Cuộc tấn công này có ý nghĩa đối ngoại cũng như đối nội với chế độ Hồi giáo. Iran muốn chuyển thông điệp cùng lúc đến nhiều thế lực bên ngoài, bao gồm Israel, Hoa Kỳ, cũng như các lực lượng đồng minh với Teheran tại Trung Cận Đông : Đó là quốc gia này không ở thế yếu trong tương quan lực lượng với Israel, sau vụ lãnh sự quán ở Syria bị tấn công. Cuộc oanh kích cũng cho thấy là riêng một mình Iran có thể tiến hành một cuộc tấn công có tổ chức, với các phương tiện hùng hậu, trên quy mô toàn bộ khu vực vùng Trung Đông. Trong thời gian cuộc oanh kích này, hàng loạt không phận tại khu vực đã phải đóng cửa, cho thấy rõ nhà nước Hồi giáo có khả năng nâng cấp ‘‘mức độ răn đe ở quy mô chưa từng có’’. 

Với trong nước, chế độ Hồi giáo cũng muốn chứng minh cho dân chúng thấy là ‘‘họ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn’’. Cuộc oanh kích hôm 13/04 diễn ra ngay sau một đợt tuyên truyền mạnh mẽ báo trước sẽ tấn công Israel. 

Thất bại quân sự: 99% drone, tên lửa bị chặn...

Đâu là những thiệt hại, rủi ro với Iran khi tiến hành cuộc tấn công chưa từng có này nhắm vào Israel? Cho đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Israel đều được Teheran tiến hành thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, đặt biệt là tổ chức Hezbollah, và nhiều nhóm vũ trang khác trong khu vực, trong đó không thể không kể đến tổ chức Hamas Palestine. Với cuộc oanh kích ngày 13/04, Iran lần đầu tiên buộc phải ‘‘lộ mặt’’.

Cho dù còn có hàng loạt yếu tố liên quan đến cuộc oanh kích chưa từng có này còn cần tiếp tục được giải mã, nhưng rõ ràng là xét về mặt quân sự, Iran đã thất bại, khi có đến 99% số drone và hỏa tiễn bị đánh chặn, với hệ thống phòng không được mệnh danh là ‘‘mái vòm sắt’’ của Israel, cũng như hỗ trợ từ phía các đồng minh, nhất là trên bầu trời Jordanie, quốc gia láng giềng của Israel. Nếu xem xét kỹ lưỡng hơn, có thể thấy các vũ khí của Iran tỏ ra không mấy hiệu quả. Có đến 50% số tên lửa của Iran đã bị rớt trên đường bay hoặc trong lúc cất cánh. Nếu coi các tên lửa đạn đạo là một trong các yếu tố chủ chốt của hệ thống vũ khí răn đe của Teheran, thì cuộc tấn công vừa qua cho thấy rõ ‘‘những điểm yếu lớn’’ của quân đội Iran.

Viễn cảnh Israel thoát thế cô lập, Iran mất đối tác

Ngoài khía cạnh quân sự nói trên, cuộc oanh kích của Iran được coi là gây nhiều lợi bất cập hại với chế độ Hồi giáo. Trước cuộc tấn công này, Israel vốn đang bị cô lập trên trường quốc tế, sau 6 tháng chiến tranh chống tổ chức Hamas tại dải Gaza, cuộc chiến giết hại hàng chục nghìn thường dân, gây bao thảm họa nhân đạo tại các vùng đất của người Palestine, gây phẫn nộ không chỉ trong thế giới Ả Rập. Chuyên gia Jonathan Piron nhấn mạnh, về một mặt nào đó, với cuộc oanh kích rầm rộ ngày 13/04 của Teheran, Israel đã phần nào thoát khỏi thế cô lập, và Jerusalem sẽ tìm cách có các hành động nhằm thoát khỏi tình thế bất lợi này.

Với cuộc tấn công trực tiếp nói trên của Iran vào Israel, và cuộc chiến của Israel chống Hamas tại dải Gaza có nguy cơ trở thành ‘‘vấn đề thứ yếu’’, ít còn được cộng đồng quốc tế chú ý hơn. Nếu điều này xảy ra, thì đây sẽ là điểm cộng cho Israel, tuy nhiên, chuyên gia Jonathan Piron cũng lưu ý là điều này cũng phụ thuộc nhiều vào phản ứng của Israel với Iran trong những ngày tới, những tuần tới. 

Chủ thuyết ''kiên nhẫn chiến lược'' của Iran và ''thế cân bằng'' mong manh mới

Để đánh giá được sát những điều được, điều mất của Iran với quyết định lần đầu tiên oanh kích lãnh thổ Israel, chuyên gia Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh Bỉ (GRIP) lưu ý đến quan điểm ẩn đằng sau chủ thuyết ‘‘kiên nhẫn chiến lược’’ của chế độ Hồi giáo. Cụ thể là chiến lược làm suy yếu dần mòn Israel và đồng minh Hoa Kỳ, mà không cần đụng độ trực tiếp, tức thông qua các lực lượng ủy nhiệm, các con cờ của chế độ Teheran trong khu vực, bên cạnh đó là việc Iran cố gắng duy trì các quan hệ vốn có, hoặc đang được cải thiện, với nhiều quốc gia Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Ả Rập Xê Út. 

Với cuộc oanh kích này, nguyên tắc gọi là ‘‘kiên nhẫn chiến lược’’ của Iran bị suy yếu, thậm chí có nguy cơ thất bại, cụ thể như dự án mở lại không phận với Jordanie, quốc gia láng giềng với Israel, nơi tên lửa Iran vừa bay qua. Theo chuyên gia Jonathan Piron, những cái được, cái mất của Iran liên quan đến nguyên tắc “kiên nhẫn chiến lược’’ này còn cần phải theo dõi kỹ trong thời gian tới. 

Những được mất của Iran cũng phụ thuộc nhiều vào các phản ứng của Israel và trong tương quan với Israel. Jonathan Piron nhấn mạnh tính chất tương phản cao độ trong các toan tính của hai bên. Nếu như chính quyền Israel - một chính phủ dân cử - bị đặt trước áp lực phải hành động mau chóng, để thu hoạch được các kết quả thấy rõ trong cuộc chiến chống Hamas tại dải Gaza, cũng như cuộc chiến chống nhiều lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, thì chế độ Iran dường như có lợi thế hơn xét về dài hạn. Với tư cách là một chế độ độc tài, Teheran không lo ngại đối mặt với thách thức thay đổi quyền lực trong nước, do bầu cử, do áp lực xã hội. Trong hiện tại, chế độ Hồi giáo dường như với cuộc tấn công trả đũa ở mức độ được coi là chừng mực này đã cố gắng xác lập một ‘‘thế ổn định’’ mong manh mới trong tình hình bất ổn nói chung. 

Nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực gia tăng

Chuyên gia về Trung Đông Jonathan Piron đặc biệt lưu ý đến tình hình nguy hiểm hơn tại khu vực sau cuộc oanh kích của Iran, với nguy cơ gia tăng về việc xung đột lan rộng ra toàn khu vực, điều đã bắt đầu sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 07/10/2023, dẫn đến chiến dịch can thiệp hơn nửa năm nay của Israel tại Gaza, và các hoạt động tấn công vào Israel cùng các đồng minh của nhà nước Do Thái tăng vọt.

Tình hình nguy hiểm này buộc cộng đồng quốc tế phải gia tăng các nỗ lực ngoại giao để tránh có thêm các hành động khiêu khích mới, mà nếu xảy ra sẽ khó lường đoán căng thẳng sẽ leo thang đến mức nào. Một cuộc ‘‘tấn công bất ngờ’’ của Iran nhắm vào Israel gây tổn hại nghiêm trọng, khác hẳn với cuộc tấn công ngày 13/04, ắt sẽ dẫn đến những hệ quả rất khó dự đoán. 


************

Ông Tập nói với Thủ tướng Đức: Hợp tác không phải là rủi ro

Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hợp tác Đức-Trung là một cơ hội chứ không phải là rủi ro, ngay cả khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 16/4 kêu gọi cho một sự tiếp cận thị trường tốt hơn và một sân chơi bình đẳng cho các công ty Đức.

Chuyến thăm ba ngày của ông Scholz tới đối tác thương mại lớn nhất của Đức diễn ra vào thời điểm khó khăn khi Liên minh châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược – được gọi là “giảm thiểu rủi ro” – và điều tra xem liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có bán phá giá hàng hóa được trợ cấp trên thị trường của mình hay không.

Trong cuộc gặp hơn ba giờ ở Bắc Kinh, cả ông Tập và ông Scholz đều nhấn mạnh phạm vi tăng cường trao đổi kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và châu Âu.

“Chúng ta phải xem xét và phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện từ góc độ chiến lược và lâu dài,” ông Tập nói.

Ông Tập bác bỏ những khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc Trung Quốc sản xuất dư thừa công nghệ xanh như xe điện, vốn được hỗ trợ không công bằng bởi các khoản trợ cấp “khổng lồ” của nhà nước.

“Việc xuất khẩu xe điện, pin lithium và các sản phẩm quang điện của Trung Quốc không chỉ làm phong phú thêm nguồn cung toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát mà còn góp phần to lớn vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và giảm carbon,” ông Tập nói với ông Scholz.

“(Đức và Trung Quốc) nên cảnh giác trước chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, xem xét vấn đề năng lực sản xuất một cách khách quan và biện chứng từ góc độ định hướng thị trường và toàn cầu,” ông Tập nói.

Ông Scholz, người có một loạt CEO tháp tùng trong chuyến đi, đã thận trọng trong việc đẩy ra xa Trung Quốc, một thị trường quan trọng đối với Đức. Lãnh đạo Đức đã nói rằng EU không nên hành động vì lợi ích bảo hộ của mình. Tuy nhiên, ông nói tại Thượng Hải hôm 15/4 rằng sự cạnh tranh giữa các hãng phải công bằng.

“Nói cách khác, không có hành vi bán phá giá, không có sản xuất dư thừa, bản quyền không bị vi phạm”, ông Scholz nói.

Hôm 16/4, khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông đã thúc giục Trung Quốc cải thiện điều kiện kinh doanh cho các công ty Đức, đảm bảo tiếp cận thị trường bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và một hệ thống pháp lý đáng tin cậy.

“Tôi bày tỏ mối quan ngại của mình… rằng các quyết định chính sách kinh tế đơn phương ở Trung Quốc đang tạo ra những khó khăn lớn về cơ cấu cho các công ty ở Đức và châu Âu”, ông nói.

‘Thị trường lớn’

Chuyến đi Trung Quốc đã đưa ông Scholz đến các thành phố lớn như Trùng Khánh ở tây nam, nơi ông đến thăm nhà máy pin nhiên liệu hydro của nhà cung cấp ô tô Đức Bosch.

Tháp tùng ông có các giám đốc điều hành cấp cao của Đức như Ola Kallenius, chủ tịch của Mercedes-Benz và Oliver Zipse, giám đốc điều hành của BMW – cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ông Kallenius nói với đài truyền hình ARD của Đức tại Bắc Kinh hôm 16/4 rằng mối quan hệ kinh tế Trung-Đức không chỉ cần được vun đắp mà còn phải được mở rộng.

“Rút lui khỏi một thị trường rộng lớn như vậy không phải là một giải pháp thay thế mà tốt hơn là nên củng cố vị thế của chúng ta,” ông nói về chiến lược của công ty tại Trung Quốc.

Ông Zipse, lãnh đạo của BMW, cũng bày tỏ quan điểm tương tự về Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

“Chúng tôi thực sự nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là rủi ro,” ông nói với chương trình tin tức Tagesschau của ARD.

Ông Tập nói với ông Scholz rằng Trung Quốc và Đức có “tiềm năng rất lớn” để hợp tác trong cả hai lĩnh vực truyền thống như sản xuất máy móc, ô tô và các lĩnh vực mới nổi bao gồm chuyển đổi xanh và trí tuệ nhân tạo kỹ thuật số.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Tập kêu gọi tất cả các bên hợp tác để khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt và giữ cho xung đột không vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Tập nói với ông Scholz rằng Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới giải pháp hòa bình, cũng như tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên.

Ông Scholz cho biết ông đã yêu cầu ông Tập “gây áp lực lên Nga để (Tổng thống Vladimir) Putin cuối cùng phải dừng chiến dịch điên rồ của mình, rút quân và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này”.

Ông cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí phản đối các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân.

Về cuộc xung đột ở Trung Đông, ông Scholz cho biết ông và ông Tập nhất trí rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đạt được an ninh và hòa bình lâu dài cho người Israel và Palestine.


************

Ukraine ‘hết tên lửa’ chặn Nga tấn công nhà máy điện, ban hành luật tuyển mộ mới

Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng việc thiếu tên lửa phòng không đã cản trở Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công tên lửa của Nga vào tuần trước, vốn phá hủy nhà máy điện lớn nhất khu vực xung quanh thủ đô Kyiv.

Bình luận của ông Zelenskyy, theo sau những cảnh báo lặp đi lặp lại từ chính phủ của ông tới các đồng minh về sự khan hiếm đạn dược của lực lượng phòng không, phản ánh tình hình tồi tệ mà Ukraine đang gặp phải khi Nga tăng cường tấn công vào hệ thống năng lượng của nước này.

“Có 11 tên lửa bay tới. Chúng tôi đã phá hủy 7 tên lửa đầu tiên và 4 tên lửa (còn lại) đã phá hủy Trypillia. Tại sao? Bởi vì không còn tên lửa nào. Chúng tôi đã hết tên lửa để bảo vệ Trypillia”, ông Zelenskyy nói trong cuộc phỏng vấn với đài PBS của Mỹ.

Reuters không thể xác minh các thông tin này một cách độc lập.

Ông Zelenskyy trước đó cảnh báo rằng Ukraine đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về những gì cần bảo vệ và nói rằng đất nước ông có thể hết tên lửa phòng thủ nếu các cuộc tấn công của Nga tiếp tục diễn ra.

Bị phá hủy trong cuộc tấn công ngày 11/3, nhà máy nhiệt điện Trypilska là cơ sở năng lượng lớn nhất gần Kyiv và được xây dựng có công suất 1.800 megawatt, nhiều hơn nhu cầu trước chiến tranh của thành phố lớn nhất Ukraine.

Hiện tại, các trạm nhiên liệu và thiết bị nhập khẩu khác đã lấp đầy khoảng trống nhưng người dân Ukraine được khuyến khích tiết kiệm điện.

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công kết hợp bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào hệ thống lưới điện của Ukraine kể từ giữa tháng 3. Đây là cuộc tấn công phối hợp thứ hai của Nga vào hệ thống năng lượng kể từ khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine hơn hai năm trước và đã được chứng minh là có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với cuộc tấn công đầu tiên.

Trong các cuộc tấn công gần đây, Ukraine đã mất khoảng 7 gigawatt công suất phát điện, trong đó các nhà máy nhiệt điện lớn, và khả năng truyền tải bị hư hại đáng kể.

Moscow nói các cuộc tấn công nhằm mục đích làm suy giảm khả năng chiến đấu của Ukraine và nhằm trả đũa các cuộc tấn công gần đây bên trong lãnh thổ Nga.

Các đồng minh phương Tây đã do dự trong việc gửi thêm thiết bị phòng không tới Ukraine. Quốc gia này cho biết họ cần 25 hệ thống Patriot để bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hợp lý. Đức đã cam kết cung cấp một hệ thống khác sau những lời kêu gọi khẩn cấp từ Kiev.

Thiếu binh sĩ trầm trọng

Trong một động thái khác, Tổng thống Zelenskyy hôm 16/4 ký thành luật một dự luật sửa đổi các quy tắc tuyển mộ vào quân đội, khi Ukraine tìm cách giải quyết tình trạng thiếu binh sĩ trầm trọng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Sau hơn hai năm tham chiến, Ukraine đang ở thế yếu và chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này ở tiền tuyến phía đông cho biết lực lượng Nga đông hơn lực lượng của họ tới 10 lần. Kiev cần thêm binh sĩ mới để củng cố các vị trí và luân chuyển lực lượng quân đội đã kiệt sức của mình.

Luật này sẽ có hiệu lực một tháng sau khi được công bố chính thức. Luật bắt buộc nam giới phải cập nhật dữ liệu quân dịch của mình với chính quyền, tăng tiền lương cho những người tình nguyện và bổ sung hình phạt mới cho hành vi trốn quân dịch.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ có thể được huy động theo các điều khoản mới, mặc dù một số quân nhân tại ngũ và các nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng luật này sẽ không đủ hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt.

Dự luật được ký thành luật hôm 16/4 cũng thiếu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều đối với việc trốn tránh đã được đưa ra trong bản dự thảo đầu tiên. Dự thảo đã gây ra sự phản đối kịch liệt của công chúng và đã có hơn 4.000 sửa đổi trước khi được xem xét lần cuối tại quốc hội.

Ông Zelenskyy gần đây đã ký một đạo luật riêng cắt giảm độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đảm bảo có thêm lực lượng chiến đấu.

Ukraine bắt đầu huy động lực lượng ngay sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022. Ban đầu, quốc gia này chứng kiến một lượng lớn các chiến binh tình nguyện đổ vào, nhưng số lượng này sau đó giảm mạnh, với hàng nghìn trường hợp trốn quân dịch được báo cáo kể từ đó.

Quân đội Kiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp đạn dược, với nguồn tài trợ quan trọng từ Mỹ bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội chặn trong nhiều tháng và EU không giao đạn dược đúng thời hạn, trong khi lực lượng Nga đang tiến dần về phía trước.

Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết tuần trước rằng tình hình ở mặt trận phía đông gần đây đã leo thang đáng kể và quân đội Nga dự định chiếm thị trấn Chasiv Yar trước ngày 9/5.

Các quan chức Ukraine cũng cảnh báo Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác vào cuối mùa xuân hoặc mùa hè này.


*********

Australia muốn cấp quốc tịch cho người hùng trong vụ đâm dao

Thủ tướng Australia Albanese đề nghị cấp quốc tịch cho nam thanh niên Pháp đối đầu kẻ đâm dao trong vụ tấn công ở trung tâm thương mại Sydney.

Trong vụ đâm dao tại trung tâm thương mại Westfield Bondi Junction ở thành phố Sydney ngày 13/4, công dân Pháp Damien Guerot cầm cây cột rào di động đứng chặn ở thang cuốn, ngăn nghi phạm Joel Cauchi tiếp cận tầng trên.

Guerot đang làm việc tại Australia. Anh nói với truyền thông rằng thị thực lao động của mình sẽ hết hạn trong vài tháng tới.

Những người cản bước kẻ đâm dao ở trung tâm thương mại

Damien Guerot chặn kẻ tấn công lên thang cuốn trong trung tâm thương mại ở Sydney ngày 13/4. Video: News.com.au

Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 16/4 ca ngợi Guerot, cảm ơn "lòng can đảm phi thường" của anh khi đối đầu Cauchi, ngăn kẻ tấn công tiếp cận những người khách. Ông cũng hoan nghênh Guerot ở lại Australia lâu dài.

"Tôi đã nói với cậu ấy rằng Australia luôn chào đón cậu, cậu có thể ở lại bao lâu tùy thích. Đây là người chúng tôi hoan nghênh trở thành công dân Australia, dù đó sẽ là thiệt thòi đối với nước Pháp", ông Albanese nói.

Theo Thủ tướng Australia, hành động của Guerot đã nói lên rất nhiều điều về bản chất con người trong thời điểm đối mặt khó khăn.

"Một người không phải công dân Australia nhưng đã dũng cảm đứng trên thang cuốn và ngăn chặn kẻ tấn công lên các tầng khác hại người", Thủ tướng Australia nhấn mạnh.

Damien Guerot trả lời truyền thông tại thành phố Sydney, Australia hôm 15/4. Ảnh: 7News

Damien Guerot trả lời truyền thông tại thành phố Sydney, Australia hôm 15/4. Ảnh: 7News

Nghi phạm Cauchi, 40 tuổi, bị một nữ cảnh sát bắn hạ tại hiện trường. Hiện cảnh sát chưa xác định động cơ gây án của anh ta. Cauchi đã có vấn đề tâm thần từ thuở thiếu niên và thường xuyên sưu tập dao.

Giới chức đang điều tra khả năng nghi phạm nhắm mục tiêu vào phụ nữ. 5 trong 6 nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ, còn lại là một nam bảo vệ của trung tâm thương mại. Phần lớn trong số 12 người bị thương cũng là nữ giới.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)


************
voatiengviet.com

Putin kêu gọi Trung Đông lùi bước để không đụng độ thảm khốc

Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/4 kêu gọi tất cả các bên ở Trung Đông kiềm chế hành động có thể gây ra một cuộc đối đầu mới mà ông cảnh báo sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho khu vực, Điện Kremlin cho biết.

Ông Putin, người đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn nhiều với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo kể từ khi đưa quân xâm lược Ukraine vào năm 2022, đã nói chuyện với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua điện thoại về điều mà Điện Kremlin gọi là “các biện pháp trả đũa mà Iran thực hiện”.

Iran đã phóng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel vào cuối ngày 13/4 để trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán ở Damascus hôm 1/4 khiến 7 binh sĩ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao.

Ông Putin, trong bình luận công khai đầu tiên về cuộc tấn công của Iran, nói nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất ổn hiện nay ở Trung Đông là cuộc xung đột chưa được giải quyết giữa người Palestine và Israel.

“Ông Vladimir Putin bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên sẽ thể hiện sự kiềm chế hợp lý và ngăn chặn một vòng đối đầu mới với hậu quả thảm khốc cho toàn bộ khu vực”, Điện Kremlin nói.

“Ông Ebrahim Raisi lưu ý rằng các hành động của Iran mang tính chất gượng ép và có giới hạn”, vẫn theo Điệm Kremlin. “Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Tehran không quan tâm đến việc leo thang căng thẳng hơn nữa”.

Tehran lại đưa ra cách diễn giải cuộc gọi giữa tổng thống của họ với ông Putin hơi khác một chút, khi truyền thông nhà nước dẫn lời ông Raisi tuyên bố rằng Iran sẽ phản ứng nghiêm khắc, sâu rộng và đau đớn hơn bao giờ hết đối với bất kỳ hành động nào chống lại lợi ích của Iran.

Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời ông Putin mô tả phản ứng của Tehran đối với Israel là cách tốt nhất để trừng phạt kẻ xâm lược và là biểu hiện sự khôn ngoan của các nhà lãnh đạo Iran.

Nga, quốc gia đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cả Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và các nhà lãnh đạo Ả Rập như Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, đã nhiều lần chỉ trích phương Tây vì phớt lờ sự cần thiết của một nhà nước Palestine độc lập bên trong các đường biên giới năm 1967.

“Cả hai bên đều tuyên bố rằng nguyên nhân sâu xa của các sự kiện hiện ở Trung Đông là do xung đột Palestine-Israel chưa được giải quyết”, Điện Kremlin nói về cuộc gọi với ông Raisi.

“Về vấn đề này, cách tiếp cận có nguyên tắc của Nga và Iran nhằm ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, xoa dịu tình hình nhân đạo khó khăn và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, đã được xác nhận”.

Ông Putin, người đã đến thăm ông Khamenei vào năm 2022, đã chúc mừng ông Raisi và tất cả những người Hồi giáo nhân kết thúc tháng chay Ramadan.

Các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ cho rằng mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đặt ra một trong những thách thức nguy hiểm nhất đối với Mỹ trong bốn thập kỷ qua.

Iran đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn tên lửa đạn đạo đất đối đất mạnh mẽ và máy bay không người lái mà Moscow đã sử dụng ở Ukraine.


************

Tin tức thế giới 17-4: Phương Tây siết trừng phạt Iran

TRẦN PHƯƠNG

Người dân Iran xuống đường ở Tehran sau vụ tấn công vào Israel ngày 14-4 - Ảnh: AFP

Người dân Iran xuống đường ở Tehran sau vụ tấn công vào Israel ngày 14-4 - Ảnh: AFP

Mỹ nói trừng phạt Iran sẽ có trong vài ngày

Ngày 16-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo sẽ có các biện pháp trừng phạt Iran "trong những ngày tới" sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel cuối tuần trước. Bà chỉ trích các hành động của Iran "đe dọa sự ổn định của khu vực và có thể gây ra tác động lan tỏa về kinh tế".

Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ hợp tác hành động với các đồng minh và sẽ cân nhắc "tất cả các phương án nhằm ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố". Trước đó, chính quyền Mỹ đã sử dụng các công cụ kinh tế để ngăn các hoạt động của Iran, nhắm vào các chương trình máy bay không người lái và tên lửa của nước này cũng như việc tài trợ cho các nhóm như phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington đang nhắm vào khả năng xuất khẩu dầu của Iran và hơn nữa. Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan nói rằng Mỹ đang lên kế hoạch trừng phạt bổ sung chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran trong những ngày tới và hy vọng các đồng minh của họ sẽ làm theo.

Sau nửa năm nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza, bạo lực đã lan ra khu vực gây ra bởi các lực lượng ủy nhiệm của Iran và các đồng minh. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Tehran đánh vào Israel cuối tuần trước để trả đũa vụ tấn công chết người vào lãnh sự quán Iran ở Damascus ngày 1-4.

EU họp khẩn về Iran

Phát biểu sau cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu ngày 16-4, nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell tuyên bố Brussels đã bắt đầu hành động để mở rộng trừng phạt Iran.

Theo đó, EU sẽ xem xét các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn Iran cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái, cho Nga và các nhóm ủy nhiệm ở Trung Đông. Một số nước đề cập đến việc bổ sung Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách đen khủng bố của EU.

Cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng EU diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của các nhà lãnh đạo khối tại Brussels, trong đó dự kiến sẽ tập trung vào sự leo thang nguy hiểm ở Trung Đông.

Israel diệt chỉ huy Hezbollah ở Lebanon

Israel không kích một khu vực ở miền nam Lebanon - Ảnh: AFP

Israel không kích một khu vực ở miền nam Lebanon - Ảnh: AFP

Ngày 16-4, Israel cho biết đã không kích miền nam Lebanon, giết chết 2 chỉ huy và 1 thành viên của nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Nhóm này đã lập tức phóng tên lửa để trả đũa. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực leo thang sau đợt tấn công của Iran vào Israel cuối tuần qua.

Theo quân đội Israel, lực lượng này đã tiêu diệt Ismail Yusef Baz, chỉ huy khu vực ven biển của Hezbollah, và chỉ huy Mohammed Shehoury của đơn vị tên lửa thuộc Lực lượng Radwan của Hezbollah ở khu vực miền trung và miền tây Lebanon.

Tòa cảnh cáo ông Trump không dọa nạt bồi thẩm đoàn

Tại phiên tòa xử cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump che giấu khoản tiền bị miệng diễn viên khiêu dâm trong chiến dịch tranh cử 2016, thẩm phán đã cảnh báo ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa không dọa các bồi thẩm đoàn.

Trong phiên tòa đầu tiên ngày 16-4, việc lựa chọn bồi thẩm đoàn diễn ra nhanh chóng hơn dự kiến với 7 thành viên đã được lựa chọn. Bồi thẩm đoàn sẽ bao gồm 12 người và 6 người thay thế. Thẩm phán Thẩm phán Juan Mercan kỳ vọng phiên tranh luận sẽ bắt đầu ngay tuần sau thay vì mất vài tuần như dự kiến.

"Tôi sẽ không để bất kỳ bồi thẩm đoàn nào bị dọa trong phòng xử án này", ông Mercan đưa ra cảnh báo cứng rắn khi ông Trump liên tục nói và có nhiều động tác về phía bồi thẩm đoàn trong quá trình thẩm vấn. Bên ngoài phòng xử án, ông Trump tiếp tục chỉ trích thẩm phán, cho biết "mọi chuyên gia pháp lý và mọi học giả pháp lý đều nói rằng phiên tòa này là một sự ô nhục".

Ông Trump tại phiên tòa hình sự ở Manhattan, New York, ngày 16-4 - Ảnh: AFP

Ông Trump tại phiên tòa hình sự ở Manhattan, New York, ngày 16-4 - Ảnh: AFP

Cuộc bỏ phiếu quyết định an ninh khu vực của Solomon

Người dân đảo quốc Solomon bắt đầu bỏ phiếu ngày 17-4 trong cuộc bầu cử có thể định hình lại an ninh khu vực, với việc lựa chọn nước này sẽ siết chặt mối quan hệ với Trung Quốc hay không. Thủ tướng Manasseh Sogavare đã cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh nếu ông tái đắc cử, trong khi các đối thủ của ông muốn giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi đảo quốc Thái Bình Dương này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 2019 và ủng hộ nguyên tắc "một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Nước này ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào năm 2022, khiến Úc và Mỹ lo ngại đây là bước đầu tiên để Trung Quốc lập một căn cứ quân sự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương.

Anh thông qua luật cấm giới trẻ hút thuốc

Hạ viện Anh ngày 16-4 đã thông qua dự luật ngăn chặn giới trẻ hút thuốc, một chính sách tranh cử quan trọng của Thủ tướng Rishi Sunak trước thềm cuộc bầu cử vào năm sau.

Theo đó, luật mới sẽ cấm bán thuốc lá cho người sinh sau ngày 1-1-2009 và mỗi năm sẽ nâng độ tuổi hút thuốc lá thêm 1 năm cho đến khi áp dụng với toàn bộ dân số, theo Hãng tin AFP. Đây được xem là một trong số những kế hoạch cấm thuốc lá nghiêm ngặt nhất trên thế giới hiện nay.

Chính phủ cho biết chính sách này sẽ loại bỏ dần việc hút thuốc ở những người trẻ tuổi gần như hoàn toàn vào đầu năm 2040. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại luật mới có nguy cơ tạo ra thị trường chợ đen và gây ra thách thức không thể quản lý.

Theo thống kê chính thức, khoảng 6,4 triệu người tại Anh, tương đương 13% dân số trưởng thành của nước này, hút thuốc lá. Hút thuốc lá là tác nhân gây ra 1/4 số ca tử vong do ung thư, với 64 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm ở Anh.

Phơi tảo bẹ

Một phụ nữ đang làm việc trên bãi phơi tảo bẹ (kelp) ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tảo bẹ là loài có kích thước lớn và từ lâu đã được dùng làm thực phẩm, dược phẩm và nhiều công dụng khác. (Xinhua)

Một phụ nữ đang làm việc trên bãi phơi tảo bẹ (kelp) ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tảo bẹ là loài có kích thước lớn và từ lâu đã được dùng làm thực phẩm, dược phẩm và nhiều công dụng khác. (Xinhua)


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn